Ngoài ca hát, NSND Lê Dung còn là một nhà sư phạm tài ba, có đạo đức và sự tử tế, tận tâm với học trò.

16:49 21/06/2023

>NSND Lê Dung từ lâu đã được biết đến là một nghệ sĩ danh tiếng, cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển – thính phòng Việt Nam. Bà có đóng góp to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng tới nhạc Cách mạng. Tiếng hát của bà làm say mê biết bao thế hệ khán giả.

Ngoài ca hát, NSND Lê Dung còn là một nhà sư phạm tài ba, có đạo đức và sự tử tế, tận tâm với học trò.

Những nỗ lực trong chuyên môn và  giảng dạy vững vàng

Trong các nhà sư phạm thanh nhạc thế hệ trước tại Nhạc viện Hà Nội, NSND Lê Dung luôn được coi trọng và xếp top đầu về chuyên môn cũng như năng lực giảng dạy. Bà là tấm gương cho sự nỗ lực, rèn luyện, dùng khổ luyện kỹ thuật để bù đắp cho giọng hát.

Bản thân NSND Lê Dung ngày trước từng bị nhiều người chê là giọng mỏng, thô, hát thiếu cảm xúc. Nhưng Lê Dung chưa bao giờ nản chí, vẫn luôn miệt mài rèn luyện. NSND Trung Kiên, người phát hiện và đào tạo Lê Dung từng chia sẻ:

NSND Lê Dung

"Trong 5 năm học tại Nhạc viện Hà Nội, Lê Dung đã có bước trưởng thành rất lớn, thể hiện bước đi của một ca sĩ lớn trong tương lai".

Năm 1982, Lê Dung tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện và tiến bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Với tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, rộng mở, lãng mạn và trẻ trung, Lê Dung tạm rời nhạc Cách mạng để bén duyên với nhạc nhẹ. Bà hát rất nhiều nhạc của những nhạc sĩ danh tiếng như Văn Cao, Phạm Duy, Phú Quang, Dương Thụ…

Nhờ những năm tháng hát nhạc nhẹ, Lê Dung đã tự nâng cao khả năng cảm thụ, thẩm mỹ >âm nhạc và cách xử lý ca khúc đầy tinh tế, điêu luyện, không bị cứng nhắc, một màu. Nhưng bà chưa bao giờ ngừng học hỏi và khát khao vươn lên những tầm cao mới. Dù đã nổi tiếng, nhưng Lê Dung vẫn quyết định tạm gác lại sự nghiệp để theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga.

Tại đây, bà được tiếp xúc với nền nhạc cổ điển đồ sộ của phương Tây, học hỏi những danh ca lớn và được những giảng viên có kinh nghiệm rèn dũa. Nhờ đó, Lê Dung tiếp thu nền học thuật thanh nhạc cổ điển và dần ngấm vào máu lúc nào không hay, khiến bà quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc đầy chông gai, kén người nghe này.

Sau 4 năm du học, năm 1990, Lê Dung về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Song song ca hát, bà cũng đi dạy tại Nhạc viện Hà Nội.

Ở cương vị người thầy, NSND Lê Dung đã phát hiện và đào tạo được rất nhiều tài năng lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Một trong số đó là ca sĩ nhạc nhẹ Ngọc Anh.

Ngọc Anh tâm sự, NSND Lê Dung có kỹ năng sư phạm rất tốt, dạy cho cô nhiều kỹ thuật ca hát chuẩn mực, từ giữ cột hơi tới cách chọn vị trí âm thanh để tạo cộng hưởng. Cô nói: "Cách tạo vang vùng hốc xoang là thứ giá trị nhất cô Lê Dung để lại cho tôi". Nhờ đó, tuy hát nhạc nhẹ nhưng Ngọc Anh vẫn cộng hưởng âm thanh rất tốt, tạo được khoảng vang lớn trong giọng hát vốn trầm khàn, nổi bần bật trên sân khấu.

Người thầy có đạo đức, tâm huyết với học trò

Không chỉ dạy giỏi, NSND Lê Dung còn là một người thầy rất có tâm với nghề và hết lòng vì học trò. Học trò của bà có thể kể đến NSND Tạ Minh Tâm, NSND Thái Bảo, NSƯT Hà Thủy, ca sĩ Phương Nga, NSƯT Việt Hoàn… Lê Dung được ví như thầy của các thầy.

NSƯT Việt Hoàn kể lại rằng, những năm tháng đầu tiên đến với nghề hát của anh rất khó khăn vì không có tiền đi học hay sinh hoạt tại thành phố. NSND Lê Dung sau khi nghe Việt Hoàn hát tại một cuộc thi đã chủ động tìm đến, động viên anh lên Hà Nội, không được bỏ phí giọng hát của mình. Chính vì một câu nói mà Việt Hoàn quyết định theo NSND Lê Dung lên Hà Nội.

NSND Lê Dung không lấy của Việt Hoàn một đồng học phí nào nhưng vẫn dạy anh đầy đủ tại trường lớp, cho anh ăn sáng mỗi ngày. Không chỉ đưa Việt Hoàn vào Nhạc viện, bà còn dẫn anh tới phòng trà Aladdin của NSND Thanh Hoa để anh có cơ hội đi hát kiếm tiền.

NSND Lê Dung còn dặn Thanh Hoa: "Hoa phải cho Việt Hoàn hát để nó còn kiếm sống, có tiền đi học". Nhờ đó, Việt Hoàn mới tồn tại được ở Hà Nội và ngày càng đi lên trong sự nghiệp.

NSND Tạ Minh Tâm cũng từng nói về cô giáo: "Với tôi, NSND Lê Dung là người thầy rất tận tụy và chân tình. Tôi may mắn và hạnh phúc nằm trong số ít người được sắp xếp học thanh nhạc hệ cao học với cô Lê Dung. Từ Hà Nội, cô vào tận TP.HCM, mang đến tinh thần làm việc sôi nổi, say mê cùng nhiều lời dạy bổ ích".

Nhờ đạo đức làm nghề và sự tận tâm trong việc truyền dạy kiến thức, đa số học trò của NSND Lê Dung đều thành công. Trong đó, nhiều người tiếp bước bà đi theo con đường giảng dạy, ươm mầm tài năng cho đất nước. Nhắc về cô giáo cũ, ai cũng trân trọng, kính nể nhân cách của bà.

 

Theo Long Phạm/Tổ Quốc