"Chị Thanh Nga diễn vở Tiếng trống Mê Linh, sân khấu đã bị quăng lựu đạn, có người chết còn chị bị thương. Tới khi chị diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga, vợ chồng chị lại bị ám sát, còn con trai suýt bị bắt cóc" - Bạch Tuyết kể lại.
Mới đây, trong chương trình Lần đầu tôi kể với khách mời là >NSND Bạch Tuyết vừa được lên sóng nhận nhiều sự quan tâm. Tại đây, bà có nhiều chia sẻ về thời điểm cô được mời quay lại sân khấu vào năm 1979.
Cụ thể, nữ nghệ sĩ cho biết sự kiện vào năm 1979 khiến bà không quên được chính là sự ra đi của nghệ sĩ Thanh Nga. Bà nói: "Tôi mới sinh con, chưa đi hát lại thì đất nước có nhiều biến động. Chưa kể lúc đó, tôi bàng hoàng khi nghe tin chị Thanh Nga qua đời. Toàn bộ giới nghệ sĩ đều rúng động, khóc mà nước mắt không chảy nổi.
Sự ra đi của chị Thanh Nga vô cùng lẫm liệt vì chị ấy đang diễn những vở cải lương thể hiện tình yêu nước, chống ngoại xâm. Kể từ lúc chị Thanh Nga qua đời, nghệ sĩ đều tự cảm thấy mình cần phải đóng góp một điều gì đó cho cải lương, cho đất nước này, không thể đứng ngoài lề thời cuộc được.
Đúng lúc đó, nhà thơ Tố Hữu từ Hà Nội vào Sài Gòn hỏi chúng tôi xem ai có thể thay thế Thanh Nga diễn tiếp những vở cải lương yêu nước đó. Đạo diễn Chi Lăng bảo nhà thơ Tố Hữu rằng: "Tất cả nghệ sĩ cải lương đều đã đi hát lại, duy có cô Bạch Tuyết ngày xưa hát cặp với Hùng Cường rất nổi tiếng hiện giờ vẫn đang đi học chứ chưa chịu đi hát lại".
Nhà thơ Tố Hữu nghe vậy liền bảo đạo diễn Chi Lăng: "Bây giờ phải mời cô Bạch Tuyết ấy đi hát lại và cô ấy sẽ là một nhân tố đặc biệt để chúng ta bắt đầu chiến dịch mới về văn hóa, nghệ thuật cho đất nước".
Khi nhận tin được mời hát trở lại thế chỗ nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết cảm thấy vô cùng hoang mang vì những việc đáng sợ trước đó xảy ra với đồng nghiệp. Bạch Tuyết kể: "Nhận được tin, tôi cũng hoang mang, lo lắng lắm vì khi chị Thanh Nga diễn vở Tiếng trống Mê Linh, sân khấu đã bị quăng lựu đạn, có người chết còn chị bị thương.
Tới khi chị diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga, vợ chồng chị lại bị ám sát, còn con trai suýt bị bắt cóc. Điều này khiến tôi lo lắng khi nhận lời thay thế chị Thanh Nga diễn tiếp những vở cải lương đó".
Dù có tâm lý lo sợ nhưng vì hừng hực quyết tâm với nghệ thuật cải lương nên nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết nhận lời thay thế. Bạch Tuyết bày tỏ: "Tôi hừng hực quyết tâm vì tôi phải diễn để làm lại giá trị thật sự của cải lương. Qua đó, tôi muốn cho thấy đất nước rất mạnh mẽ, đầy ý chí chiến đấu, không phải ai muốn làm gì đất nước cũng được. Cải lương là bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc lần đầu tiên được phép lên tiếng một cách chính thức để bảo vệ Tổ quốc.
Sở dĩ trước đó tôi xin nhà nước cho ngừng hát một thời gian để đi học vì tôi muốn hiểu rõ hơn văn hóa, văn nghệ. Sau khi đi học, tôi nhận ra rằng, để dựng nên một vở cải lương hay cần rất nhiều kinh tế, nhân lực.
Một đoàn cải lương cần đến hai mấy nhạc sĩ tới hậu đài, trang trí, sân khấu… Phải như vậy mới dựng được một vở cải lương đúng nghĩa cải lương, nếu không chỉ là copy tầm thường. Điều đó làm người ta hiểu không đúng về nghệ thuật cải lương. Sau khi học xong, tôi tự nhủ mình sẽ trở lại sân khấu, nhưng phải được diễn với đầy đủ những phương tiện để dựng lên một vở cải lương đích thực, chỉn chu, hoàn chỉnh nhất".