Trưa 2-12, NSƯT Hữu Châu đã đại diện gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga tổ chức giỗ lần thứ 40 của cố NSƯT Thanh Nga tại một nhà hàng ở quận 4, TP HCM.
Các nghệ sĩ nổi tiếng đã tề tựu, mang hoa hồng, loại hoa mà cố >NSƯT Thanh Nga rất yêu thích, đến đặt lên hàng chữ Thanh Nga quanh di ảnh của bà.
NSND Kim Cương kể lại kỷ niệm năm 1973, khi bà đến BV phụ sản thăm NS Thanh Nga sanh bé Cúc Cu (tức NS Hà Linh).
"Khi đó, chị em tôi nhìn nhau cười hạnh phúc, vì sau nhiều năm tháng cống hiến cho nghệ thuật, khi được làm vợ, làm mẹ, chúng tôi đã được phép sống cho riêng mình. Lúc đó, tôi cũng báo tin với Thanh Nga là mình đang có thai 3 tháng. Và đó là kỷ niệm đẹp nhất mà tôi có được với Thanh Nga.
Bởi, chị em chúng tôi đều là người của công chúng, hiếm khi có dịp găp nhau. Hôm nay, trước sự hiện diện đông đủ của các nghệ sĩ, người thân, khán giả yêu mến Thanh Nga, cho thấy Thanh Nga đã sống hết lòng với đời, với nghề nên mới có được tình cảm đáng quý dành cho người nghệ sĩ. Đó cũng là bài học dành cho chính chúng tôi trong cuộc sống hôm nay" - NSND Kim Cương đã phát biểu, sau khi được xem lại các trích đoạn cải lương vang bóng một thời của NS Thanh Nga: "Tiếng trống Mê Linh', "Bên cầu dệt lụa", "Thái hậu Dương Vân Nga".
NSND Bạch Tuyết không nén được xúc động khi bà kể lại những năm còn học phổ thông đã lén vào >hậu trường rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) để xin ảnh và chữ ký của thần tượng.
"Chị Thanh Nga đã kéo chúng tôi vào. Lúc đó, chúng tôi là những học trò hâm mộ chị, không dám nói một lời với chị. Sau khi bày tỏ lòng hâm mộ, muốn xin ảnh và chữ ký, chị hỏi tôi có biết hát không? Tôi thưa là biết hát tân nhạc. Chị Thanh Nga nựng má tôi và nói gương mặt này mà đi hát sẽ nổi tiếng. Không hiểu câu nói đó có phải là định mệnh đã đưa tôi dấn thân vào nghề hát hay không, nhưng đến năm 1963, chính tay thần tượng của tôi đã lên sân khấu trao HCV triển vọng Thanh Tâm cho tôi.
Lúc đó, tôi đã cầm tay chị và nhắc lại câu nói hồi đó chị đã nói với tôi "chị ơi, bây giờ em đã làm được, em đã theo nghề diễn viên của chị". Chị Thanh Nga đã nói thêm nghề này cực khổ lắm đó em, ráng lên nữa nhé em". - NSND Bạch Tuyết đã nghẹn ngào nói lời biết ơn đối với một trong ba nghệ sĩ mà tuổi trẻ của bà rất ngưỡng mộ, đó là: Kim Cương (kịch nói), Thanh Nga (cải lương), Thẩm Thúy Hằng (điện ảnh).
Nghệ sĩ Hà Linh - con trai của cố nghệ sĩ - nhớ lại giây phút nguy khốn của cả gia đình. Đó là khoảng 23 giờ đêm 26-11-1978, sau khi diễn vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga" của soạn giả Huy Trường tại rạp hát Cao Đồng Hưng (nằm ở khu vực chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM), nghệ sĩ Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen do chồng bà lái để về nhà.
Hai kẻ bắt cóc đã cố bắt giữ cậu bé Cúc Cu lúc đó tròn 5 tuổi nhưng NS Thanh Nga đã chống trả quyết liệt và giữ chặt con mình nên chúng không thể bắt Cúc Cu. Hai tên lạ mặt đã dùng súng ngắn P38 cướp đi sinh mệnh của Thanh Nga và chồng của bà. Bà ra đi ở tuổi 36 trong sự tiếc thương của rất đông khán giả mộ điệu sân khấu cải lương và nghệ sĩ đồng nghiệp.
"Thời khắc bị kẻ truy sát dùng súng uy hiếp, Thanh Nga đã giấu con trai ra sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Cũng trong phút thập tử nhất sinh, tình yêu Thanh Nga dành cho chồng bộc lộ rõ nét. Thanh Nga đã nói với con "Ba chết rồi mẹ con mình chết theo ba thôi'", lời kể của Hà Linh lúc đó đã làm tôi nhót tim" – NSND Kim Cương nhắc lại.
Trong ký ức của các nghệ sĩ đến dự ngày giỗ lần thứ 40, phía sau ánh sáng của một ngôi sao sân khấu Thanh Nga – người đã đoạt HCV triển vọng Thanh Tâm năm 1958 là một người mẹ, người vợ đảm đang, hết lòng yêu thương chồng con. "Thanh Nga là một tấm gương sáng trong nghệ thuật ca diễn cải lương, là biểu tượng của lòng kiêu hãnh khi đứng đầu danh sách giải thưởng uy tín, danh giá của cải lương thời đó. Thanh Nga còn là tấm gương cho thế hệ noi theo ở cách ca diễn, cách đầu tư cho nhân vật" – NSƯT Nam Hùng nói.
NSƯT Hùng Minh tâm sự những năm 1960 - 1970, NS Thanh Nga được xem là "nữ hoàng" trên sân khấu cải lương miền Nam. "NS Thanh Nga đoạt giải HCV triển vọng Thanh Tâm với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng "Người vợ không bao giờ cưới". Năm 1966, nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở "Sân khấu về khuya"- hai vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp nghệ thuật và là hai nhân vật khuôn mẫu cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này noi theo để sáng tạo cách ca diễn"- NSƯT Hùng Minh nhắc lại.
>NSƯT Hữu Châu đã đại diện gia đình nói lời cảm ơn sâu sắc đối với khán thính giả đã 40 năm qua vẫn giữ tình cảm dành cho NS Thanh Nga. Đó là những món quà quý giá của một đời nghệ sĩ, tình cảm đó thiêng liêng và là động lực để thế hệ con cháu của bà tiếp nối gia tộc, làm rạng danh nghệ thuật của gia đình Thanh Minh - Thanh Nga.