Nhiều năm nay, nhạc sĩ Phạm Tuyên bị khô một bên phổi nên thay đổi thời tiết rất khó thở, ông "làm bạn" với máy thở oxy và khí dung.
Nhạc sĩ >Phạm Tuyên là cây đại thụ >âm nhạc Việt Nam, chỉ riêng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi, nhiều bài hát của ông khiến bao thế hệ thuộc nằm lòng như Cô và mẹ, Trường của cháu là trường mầm non, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ,...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên còn có khả năng lay động người nghe trong nhiều đề tài sáng tác, từ ca khúc chính trị, ca khúc trữ tình cho đến ca khúc về các ngành nghề... Ở mảng đề tài nào ông cũng có những sáng tác in đậm trong trí nhớ công chúng. Ông được đánh giá là một trong những nhạc sĩ viết Đảng ca hay nhất với 3 bài: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta cả mùa xuân, Màu cờ tôi yêu. Cả 3 ca khúc đều giàu chất chính luận nhưng giai điệu rất nhẹ nhàng, ca từ bình dị, chân thành, dễ thuộc lời, dễ hát.
Mới đây, chia sẻ với truyền thông, nhà báo Hồng Tuyến - con gái >nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, ở tuổi 93, ông vẫn minh mẫn, có thể đọc báo và xem tivi tuy nhiên chứng phổi tắc nghẽn mãn tính khiến giọng nói của ông mỗi năm một yếu và đi lại có phần khó khăn, hàng ngày phải “làm bạn” với máy thở oxy và khí dung tại nhà. Hiện tại, ông sống cùng gia đình chị. Ông thích xem thời sự, cập nhật tình hình chính trị, xã hội. Nhạc sĩ cũng không bỏ qua trận đấu nào của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Ông giữ thói quen ghi chép mọi thông tin, sự việc trong ngày. Nhạc sĩ vẫn tinh mắt, có thể đọc báo giấy, viết lách đơn giản mà không cần kính. Thời còn viết nhạc, ông ghi chú đầy đủ phần lời và nhạc hơn 700 bài hát, ngày sáng tác, phát sóng, ca sĩ thể hiện. Khi tuổi cao, ông thường ghi chú những hoạt động thường ngày, thông tin ai đến thăm, chỉ số nhịp tim, huyết áp. Hạnh phúc mỗi ngày của nhạc sĩ Phạm Tuyên là được vui đùa cùng các cháu, nhìn các cháu trưởng thành.
May mắn thay, vượt qua đại dịch Covid, cả nhà chị ai cũng dính virus, chỉ trừ nhạc sĩ vẫn bền bỉ âm tính. Những lúc ông định bước ra khỏi cửa phòng, người nhà được phen hoảng hốt tìm cách tránh xa, giục ông quay lại phòng.
Chị Tuyến nói thêm: “Trong khu cũng có mấy cụ trên 90 tuổi chưa tiêm và đã ra đi vì dịch bệnh. Thật may mắn khi gia đình tôi kịp thời cho ông tiêm 2 mũi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Vì tuổi đã cao, trước đó chúng tôi cũng lo ngại về những biến chứng sau tiêm, trộm vía ông vẫn mạnh khỏe”.
Con gái ở gần nhạc sĩ Phạm Tuyên, giúp ông vơi nỗi nhớ người vợ đã khuất. Mỗi năm, nhà báo Hồng Tuyến đều chuẩn bị một món quà tinh thần tặng bố. Năm nay, chị viết bài Những cánh én lấp lánh của mọi tuổi thơ, kể kỷ niệm gắn bó nhiều ca khúc nổi tiếng của ông, in trong sách Nhâm nhi Tết của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Là con gái út trong nhà, Hồng Tuyến được bố chiều chuộng, viết tặng nhiều bài hát như Trường chúng cháu đây là trường mầm non, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan... Năm 1979, ông thay con viết bài Tiễn thầy đi bộ đội, tặng một thầy giáo ở trường tiểu học Kim Liên. Mùa đông năm 1987, khi Hồng Tuyến một mình đi học ở Liên Xô, nhạc sĩ sáng tác Cánh én tuổi thơ. Con gái nhạc sĩ nghĩ khi viết những dòng nhạc ấy, ông nhớ con đang cô đơn ở phương trời tuyết rơi lạnh lẽo.
Trong khi con gái đau đáu tìm cách bảo tồn, phổ biến di sản âm nhạc của mình, Phạm Tuyên muốn có nhiều nhạc sĩ quan tâm đến mảng ca khúc thiếu nhi. "Đến tuổi 92, tôi không còn điều gì nuối tiếc. Tôi chỉ mong dịch qua đi, đồng bào bớt khổ cực. Mỗi lần đọc thông tin cập nhật số ca bệnh, những nỗi vất vả của nhân dân, tôi đều cảm thấy đau lòng" - nhạc sĩ nói.