Sau 20 năm chung đường, thủ lĩnh ban nhạc Anh Em bất ngờ “hủy hôn” với diva “Tóc ngắn” bằng lời tuyên bố: “Tôi không coi Mỹ Linh là vợ, một khi bước vào phòng thu”.
“Cặp đôi vàng của nhạc Việt” vừa thêm lần nữa trở lại bằng một dự án >âm nhạc đáng chú ý, “xông đất” cho 2018, được dự báo sẽ là một đề cử nặng ký cho hạng mục “Album của năm” trong mùa giải tới của Cống Hiến.
“Hẹn hò có bao giờ cũ!”
Ra đời sau “Chat với Mozart 1” tận tới 13 năm, “Chat với Mozart 2” liệu có thể xem là một cố gắng giữ lời, cả khi hẹn hò đã cũ?
Ngay sau khi ra mắt “Chat 1”, trong đầu chúng tôi đã nung nấu ý nghĩ chắc chắn sẽ có ngày phải ra tiếp “Chat 2”, vì như các bạn cũng biết, kho tàng âm nhạc cổ điển thật mênh mông để mà có thể dừng lại ở “Chat 1”. “Chat với Mozart” từng được cho là một cây cầu táo bạo trong nỗ lực đưa nhạc cổ điển đến gần với công chúng Việt và vì vậy, chẳng có lý gì để chúng tôi không tiếp tục. Hẹn hò trong âm nhạc thì chẳng bao giờ là cũ cả, dù chỉ là tự hứa với lòng mình.
Thường, khi làm nhạc, tôi hay tránh xưng danh mình là người đi làm mới. Dù với đĩa này, nếu muốn, tôi cũng có thể có một cách “tung hỏa mù” khác để tô vẽ mình trước công chúng. Nhưng tôi không thấy cần phải thế, vì rõ ràng là tôi vẫn đang đi trên con đường mình đã chọn, nội việc đó đã là một cách riêng của mình rồi, sao còn phải nhân danh cái mới. Khi phần lớn cái mới được gọi tên lâu nay, hầu hết chỉ là “mới vỏ” mà thôi!
13 năm, mà những ca từ đẹp của nó vẫn hẵng còn vương vít như vừa mới nguyên: “Vẫn khung cửa ấy, bậc thang lên căn gác nhỏ bé, lặng lẽ, nơi giữ kỷ niệm chúng ta/... Biết không thể hát lại những bài ca năm ấy/ Bài hát ngày ấy, mang nỗi đau của chúng ta...”. Tâm trạng về lại “khung cửa” cũ, “bậc thang” cũ của anh thì sao?
Quả thật, 13 năm mà cứ như vừa mới hôm qua, vì suốt 13 năm qua, dù không hẳn ngày nào, tháng nào tôi cũng làm mỗi việc này, nhưng ý nghĩ về nó phải nói là gần như thường trực, đau đáu, như một món nợ lòng vậy! Vẫn cần “hát lại những bài ca năm ấy” chứ bạn, vì đó thực sự là niềm hạnh phúc khó cưỡng của chúng tôi: Được bày tỏ tình yêu của mình với âm nhạc cổ điển theo cách tốt nhất mà mình có thể làm (Phổ lời Việt trên nền nhạc cổ điển, được hòa âm phối khí mới theo phong cách nhạc nhẹ - P.V).
Tôi từng bị stress mất mấy tháng liền khi làm “Chat 1” và lần này dường như còn hơn thế, vì lần 2 lại càng phải làm cho chuẩn, không thể để những fan của “Chat 1” thất vọng được. Dù “Chat 1” có thể dễ gây được hiệu ứng hơn vì sự trẻ trung, tươi mới của êkíp, nhưng rõ ràng là về tay nghề hòa âm, phối khí... các thứ, thì bây giờ phải hơn nhiều chứ! Vốn liếng tích tụ suốt 13 năm cơ mà, đủ cho một đứa trẻ lớn lên chứ đừng nói là một người đàn ông! Làm nhạc, một khi hội đủ điều kiện, câu chuyện sẽ khác đi nhiều đấy!
Mỹ Linh nói rằng so với “Chat 1”, kỹ thuật của cô ấy giờ đây đã dôi dư hơn rất nhiều, đủ để chinh phục những nốt cao chót vót từng làm khó diva. Anh có thể đưa ra một đánh giá khách quan?
Tôi thì lại không quá quan trọng điều ấy. Làm việc với một ca sĩ trong phòng thu, điều tôi quan trọng hơn hết là cảm xúc mà cô ấy có lúc ấy, có đủ dày, đủ thăng để có thể bắt sóng được với ban nhạc và bắt vít được vào bài hát hay không mà thôi. Một khi đã bước vào đến phòng thu, thì kỹ thuật không còn là chuyện phải bàn đến nữa, phải để lại hết cả bên ngoài. Cả “trạng thái hôn nhân” cũng vậy, tôi chưa bao giờ coi Mỹ Linh là vợ, một khi bước vào phòng thu.
“Đừng cho phép mình già sớm!”
Sau một thời gian dài nhạt lòng với album và chủ yếu kiếm tiền bằng live show, nhạc Việt gần đây lại có vẻ đang mặn lòng trở lại với việc ra album, theo anh là vì sao?
Điều đấy theo tôi là tất yếu, vì nó là lẽ đương nhiên rồi, giống như nhà báo thì cần phải viết báo, làm báo, và ca sĩ, nhạc sĩ thì phải ra đĩa vậy! Không chóng thì chầy cũng phải ra, vì nó là cái giá trị cốt lõi, là tấm card định danh của một ca sĩ. Có ra đĩa thì mới có cái nhìn vào mà làm live show chứ, và mới là ra tấm ra món, chứ nếu chỉ là một MV đơn lẻ tung lên youtube thì cũng chỉ là ăn xổi, thời vụ mà thôi!
“Tóc ngắn 1 & 2” vì sao tận đến giờ vẫn có nhiều người tìm nghe, vì nó là tấm “name card” không lẫn vào đâu được của Mỹ Linh, dù lúc mới ra đời, nó từng bị ném đá vì thứ âm nhạc như “đấm vào tai”, và trên hết là “cái tội diva hát nhạc chồng”. Cuối cùng thì vẫn phải là giá trị cốt lõi của âm nhạc, và câu trả lời không gì hơn là một sản phẩm dụng công, có concept đàng hoàng...
Khi nhìn một MV triệu view trên youtube, có bao giờ một người cần mẫn “chat với Mozart” như anh cảm thấy sốt ruột?
Cảm giác của tôi thì nó là view thôi, âm nhạc không phải lúc nào cũng chỉ nhìn vào view mà đánh giá, bức tranh của âm nhạc không thể chỉ hiển thị trên youtube. Hơn ai hết, tôi biết rõ đường đi của mình và thừa hiểu có những kết quả không thể nhìn ngay được. Tốt nhất là mình cứ làm công việc yêu thích của mình thôi, đừng ăn to nói lớn vội, rồi thì nghệ thuật tự nó sẽ biết cách công bằng với những ai thực lòng yêu thương nó!
Trong hai trụ cột của ban nhạc Anh Em thì Huy Tuấn vẫn được cho là có tư duy thị trường hơn Anh Quân, và “Chat với Mozart 2” này có thể là một minh chứng cho sự bảo thủ kiểu Anh Quân?
Không, chính tôi mới là “thằng thị trường”, tôi chả bao giờ làm gì mà chỉ nghĩ đến chuyện “bà để bà ngửi” cả! Làm gì dù khó nghe đến mấy cũng vẫn phải nghĩ đến khán giả, chỉ là khán giả của mình có thể chọn lọc hơn mà thôi. “Made in Vietnam”, “Chat với Mozart”...
Đấy cũng là nghệ thuật “giật tít” đấy thôi! Chính Huy Tuấn, cũng như toàn thể Anh Em, dù bình thường tản ra mỗi người một việc nhưng khi về lại cùng nhau trong một dự án thế này cũng đều rất hào hứng, vì nó là sản phẩm mang đậm tinh thần sáng tạo của “Anh Em” hơn cả.
Mỹ Linh vừa đây nói rằng, nốt quả “Chat 2” này là coi như tạm thời “rửa tay gác kiếm” với sự nghiệp album được rồi. Không lẽ truyền hình thực tế đã kịp “cướp” cô ấy từ tay anh? Hay đã đến lúc, bộ tứ diva Việt đã hoàn thành xong “sứ mệnh lịch sử”?
Hẳn là làm xong một album như thế này mệt quá thì ai cũng muốn thở hắt ra một câu lấy được thế thôi mà! Truyền hình thực tế, thì nó chỉ là một công việc có tính thời vụ thôi, tôi không phản đối, cũng không quá ủng hộ, vì hiểu rằng ngay cả một nghệ sĩ lớn thì không phải lúc nào cũng có thể cho ra một sản phẩm đồ sộ được, và luôn cần một thời gian dài thai nghén. Đến “chì” như tôi mà cũng còn chưa đủ gan nghĩ đến “Chat 3” cơ mà!
Khi biết tôi sẽ làm tiếp “Chat 2”, cũng đầy người gàn, bảo: “Thôi ông làm làm gì, có kiếm được đồng nào, rồi mai mốt trên mạng nó lại đầy ra...”, nhưng không làm thì không lẽ cứ để thế à? Ngoài làm việc ra thì vào tầm này, chúng tôi làm còn vì cả những bạn trẻ nhìn vào, làm gì đừng để phải xấu hổ!
Không thể bắt một diva phải trẻ mãi và bao giờ cũng hot. Người trẻ thì bao giờ cũng sẽ dẫn dụ khán giả trẻ hơn, cho đến khi khán giả của họ cũng sẽ già đi cùng với họ và cùng chuyển sang hướng tinh dần. Tuổi nghề của một ca sĩ Việt Nam theo tôi quá ngắn, một phần hẳn vì tự chúng ta cho mình cái quyền được già sớm quá. Tôi đã học được rất nhiều khi làm việc với một người giàu năng lượng, bất chấp tuổi tác như nhạc sĩ Dương Thụ. Nghề này để đi dài lâu, theo tôi cần “chat” với nó trong tâm thế của một người không cho phép mình già.
Xin cảm ơn anh!