Nghệ sĩ Út Bạch Lan luôn được các đàn em thần tượng, ngưỡng mộ vì tài năng và đức độ.
Nghệ sĩ >Út Bạch Lan được xem là một tượng đài của cải lương Việt Nam với những đóng góp to lớn trong việc định hình, phổ biến nghệ thuật cải lương. Bà được mệnh danh là Sầu Nữ vì tiếng hát buồn, khiến bao khán giả phải rơi nước mắt.
Trong giới nghệ sĩ, Út Bạch Lan như một người chị, người mẹ hiền hậu luôn dẫn dắt các đàn em. Mọi người thường gọi bà bằng những tiếng thân thương như Út, chị Út, ngoại Út, má Út.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan là người khởi đầu cho trào lưu tân cổ giao duyên với những bài hát vang danh một thời như Mười sáu trăng tròn, Giấc ngủ cô đơn, Thương về miền Trung… Số lượng đĩa hát thu thanh của bà ngày đó được xem là nhiều nhất giới cải lương, đa dạng về thể loại, tuồng tích. Đến tận những năm tháng cuối đời, bà vẫn vào phòng thu, thu rất nhiều sáng tác về đạo, về mẹ.
Út Bạch Lan cũng là "đệ nhất đào thương" của hàng loạt vở cải lương đình đám, mở đường cho những nhân vật kinh điển trong cải lương như Hương trong Nửa đời hương phấn, bà giáo Lan trong Tuyệt tình ca, chị Hằng trong Con gái chị Hằng, bà Thảo trong Tấm lòng của biển… Các đàn em sau này đều chịu ảnh hưởng từ bà khi diễn các vai kinh điển đó.
Giai đoạn video cải lương bắt đầu xuất hiện trong thập niên 90, Út Bạch Lan góp mặt trong rất nhiều video, diễn cùng các thế hệ nghệ sĩ đàn em, đàn cháu.
Về chuyên môn, nghệ sĩ Út Bạch Lan là người đầu tiên tạo ra trường phái đưa tiếng nức nở vào lòng câu vọng cổ. Khi ca, bà bất chấp nhịp trường canh. Dù dàn đờn ngồi bao xa, dù nhịp đàn có rớt, bà vẫn mặc tình thao túng. Bà vừa dứt câu hát là tiếng nhịp song lang gõ một cái cóp theo sau. Bà hát rất đúng nhịp mà hơi vẫn dàn trải đều đặn, tròn vành, rõ chữ.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan được xếp vào hàng "vọng cổ ngũ bá" cùng với NSND Út Trà Ôn, nghệ sĩ Kim Anh, nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, nghệ sĩ Hữu Phước. Bà sở hữu giọng ca vàng "san sẻ", "chiêm nghiệm", "đời" và "rất đời", là nghệ sĩ hiếm hoi đến lúc cuối đời tiếng hát vẫn mềm mại và trong trẻo. Bà cũng kết hợp hầu hết với tất cả các nam danh ca nổi tiếng thời điểm đó.
Với các đàn em, nghệ sĩ Út Bạch Lan luôn được thần tượng, ngưỡng mộ vì tài và đức ở bà đều chuẩn mực. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga nổi danh là vậy nhưng vẫn xem Út Bạch Lan là thần tượng, người thầy của đời mình. NSND Ngọc Giàu lại coi Út Bạch Lan là một "đại ca" trong nghề.
NSƯT Diệu Hiền, NSND Bạch Tuyết thì học hỏi Út Bạch Lan từ cách sắp nhị tới nhả chữ. NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, nghệ sĩ Thanh Nguyệt bày tỏ thích những nốt luyến, những kỹ thuật ca, âm hưởng từ giọng Út Bạch Lan. Các danh ca như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Giao Linh đều thần tượng Út Bạch Lan về cuộc đời, về sự nghiệp, về đạo đức.
Về già, nghệ sĩ Út Bạch Lan sống khép mình, chỉ hỗ trợ đàn em, đàn cháu. Bà chấp nhận đóng lại những tuồng mình đã hát ngày xưa ở vai trò đào mụ. Nhiều người hỏi bà có buồn không khi không còn đóng đào chính nữa, bà khẳng định không buồn mà còn lấy đó làm hạnh phúc.
Út Bạch Lan cho rằng, bà không thể trẻ mãi, ở tuổi cao mà đóng những vai đào chính thì không khác nào cưa sừng làm nghé. Bà yêu khán giả của mình, tôn trọng cái nhìn duy mỹ của khán giả, đem lại cái biết thiện mỹ cho khán giả. Dù vai trò nào, góc độ nào, Út Bạch Lan vẫn làm trọn vẹn vai diễn của mình và để lại một dấu ấn sâu đậm.
Vào những năm tháng cuối đời, nghệ sĩ Út Bạch Lan gác hào quang sân khấu, tìm đến những việc làm thiện nguyện. Đối với bà đâu cũng là thánh đường sân khấu. Dẫu một người, hai người, bà vẫn hát. Dẫu nhỏ tuổi, bà vẫn dạ thưa, kính trọng. Những cống hiến của bà cho nghệ thuật, cho sân khấu là quý giá.