Nghệ sĩ Trung Dân có cuộc hôn nhân nhẹ nhàng, êm ấm với chị Phạm Thị Phượng suốt 31 năm qua, dù người chung chăn gối với anh là do cha mẹ "chỉ định" chứ không phải do anh lựa chọn.
Nghệ sĩ Trung Dân tên đầy đủ là Nguyễn Trung Dân, sinh năm 1967 tại TPHCM. Trên sân khấu kịch, anh được yêu thích qua nhiều vở diễn như: Tin ở hoa hồng (vai ông Đối), Anh chàng xỏ lá ( vai ông già keo kiệt), Dưới bóng cây bồ đề (vai Mười hớt tóc), Thuốc đắng giã tật (vai ông già sợ bệnh), Cậu Đồng (vai ông cậu)…
Với truyền hình, điện ảnh, >nghệ sĩ Trung Dân đóng nhiều vai phụ nhưng lối diễn chân thật và tự nhiên của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Anh làm đạo diễn nhiều chương trình tiểu phẩm hài của các đài truyền hình khu vực phía Nam, điển hình là: Từ quê ra thành phố của VTV Cần Thơ, mỗi năm hơn 200 số…
Trung Dân cũng là tác giả, đạo diễn nhiều bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích như: Bìm bịp kêu chiều (30 tập, đài THVL), Báu vật (6 tập, dựa theo truyện ngắn cùng tên do chính Trung Dân viết)… Anh còn là khách mời, giám khảo của nhiều game show ăn khách trên truyền hình những năm qua.
30 năm làm nghề, Trung Dân từng vinh dự nhận giải Cù Nèo Vàng năm 2005, giải Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất HTV Awards 2008, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009…
Nhưng trên hết, có lẽ điều quý giá nhất trong cuộc đời nghệ sĩ Trung Dân là tình yêu, sự kính trọng của khán giả, đồng nghiệp dành cho anh suốt mấy chục năm qua và cuộc hôn nhân hạnh phúc, bình yên bên người vợ thảo hiền 31 năm, cùng những đứa con là niềm tự hào của anh.
Nghệ sĩ Trung Dân có cuộc hôn nhân nhẹ nhàng, êm ấm với chị Phạm Thị Phượng suốt 31 năm qua, dù người chung chăn gối với anh là do cha mẹ "chỉ định" chứ không phải do anh lựa chọn.
Dù hôn nhân không xuất phát từ tình yêu và dù đôi lần "lăn tăn" về chuyện "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó" nhưng 31 năm vợ chồng, Trung Dân chưa từng làm gì sai quấy với vợ. Nhờ sự ra đời của cô con gái đầu lòng mà nghệ sĩ Trung Dân suy nghĩ nhiều hơn tới bổn phận, trách nhiệm của mình với vợ, với gia đình của mình.
Anh từng nói: "Nói thật, lúc đầu tôi không yêu cô ấy. Có con là do bản năng. Sau này nhìn đứa con đầu lòng ra đời, thấy sự chu toàn của cô ấy với chồng, với ba má chồng thì tôi biết số phận của mình ở đây.
Vợ tôi vốn là gái quê thật thà chất phác. Cô ấy hy sinh vì tôi, không lẽ nào tôi lại không hy sinh vì cô ấy. Thế nên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ thay đổi, sẽ có người phụ nữ khác. 4 anh em trai tôi, đa số lấy vợ đều do ba má chọn nhưng không người nào có vợ bé hay ai khác.
Vợ tôi tốt quá thì tôi cũng phải nhìn trước ngó sau, phải chia sẻ và sống sao cho đúng với người ta. Thế nên suốt mấy chục năm chung sống, tôi gần như chưa từng biết nghĩ tới người khác ngoài vợ mình.
Trong cuộc sống này, không ai nói trước được điều gì. Có rất nhiều thứ ập tới bất ngờ. Nếu mình không kiểm soát được thì rất dễ bị sa ngã. Đối với tôi, gia đình là trên hết. Tôi làm bất cứ việc gì cũng là cho gia đình nhỏ của mình. Gia đình tôi gầy dựng mấy chục năm, tôi không thể để nó sứt mẻ, đổ vỡ được".
Cuộc sống của nghệ sĩ Trung Dân rất đơn giản. Ngoài những lúc đi làm nghệ thuật, thời gian rảnh, anh xem phim, nghe nhạc, đọc sách, viết truyện và trồng cây, chăm sóc gia đình, phụ đỡ vợ con việc nhà. Anh hài lòng với cuộc sống bình dị và yên ổn ấy.
Trung Dân cũng nổi tiếng là người thương vợ. Anh không rượu chè, bài bạc, làm được bao nhiêu tiền đều đưa vợ giữ hết. "Tôi nghĩ công việc và thu nhập của tôi giống như thời tiết. Hôm nay nắng đẹp, mai mưa bão, khô hạn, lũ lụt… nên tôi luôn sống cần kiệm, chăm chỉ.
Làm được bao nhiêu, tôi đưa vợ tích cóp làm ăn chứ không xài hoang phí. Vợ tôi dùng tiền đó để kinh doanh >bất động sản, làm yến, nhờ thế kinh tế trong nhà mới ổn định và vững vàng", anh từng nói.
Nghệ sĩ Trung Dân có 3 người con gái. Cô con gái lớn – Nguyễn Thảo Nguyên lấy chồng Tây cách đây chưa lâu và hiện đang định cư ở Úc. Con gái giữa là Nguyễn Thảo Ngân – một cô bé cá tính, cực giỏi toán, lý, hóa, thích chế tạo máy bay, tàu ngầm.
Và, theo lời kể của nghệ sĩ Trung Dân thì Thảo Ngân "tính tình như con trai", cô bé đặc biệt mê đồ Nhật, đồ hiệu với quan điểm "xài đồ hiệu mới là tiết kiệm vì đồ hiệu bền".
Cô con gái út của nghệ sĩ Trung Dân có cái tên như con trai – Nguyễn Phạm Huỳnh Khoa hiện đang học cấp 3. Cô bé có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ. Từ thời tiểu học, Phạm Huỳnh Khoa đã có thể xem phim nước ngoài bằng tiếng Anh mà không cần phụ đề.
Nghệ sĩ Trung Dân là một trong số ít nghệ sĩ còn đau đáu với nghệ thuật chân chính. Anh từng bày tỏ: "Ông K.S Stanislavski – nhà cách tân sân khấu vĩ đại của nước Nga nói rằng: "Sân khấu là thánh đường và các nghệ sĩ là ông vua bà chúa trên đó". Khi bước vào thánh đường, chúng ta được yêu cầu rửa tay và ăn một miếng bánh thánh để tẩy trần.
Thánh đường là nơi con người xưng tội và được gột rửa. Trước khi vào nhà hát, nghệ sĩ có thể cãi nhau, hằn học vì nồi cơm bát gạo nhưng khi bước lên sân khấu là bước vào thánh đường. Những gì nham nhở, bẩn thỉu của cuộc đời phải để lại bên ngoài.
Tôi xem câu nói đó là chân lý khi tôi còn thở và còn làm nghề này cho nên tôi viết: "Chuột ở thánh đường". Và tôi biết, nếu có nhà xuất bản nào chấp nhận xuất bản cuốn sách này thì khi tôi qua đời, đám ma tôi vắng lắm. Bởi vì tôi lột hết tất cả chiếc mặt nạ của những con người giả dối đó ra.
Showbiz có những điều rất ghê gớm, mang danh nghệ sĩ nhưng hãm hại đồng nghiệp một cách thủ đoạn. Họ là những con chuột cống trong cái rương nghệ thuật.
Phải giở cái rương đó ra, đập chết nó thì những bộ đồ của nghệ thuật mới không bị cắn lủng. Và khi người ta khoác những bộ đồ đó lên sân khấu thì mới đẹp đúng nghĩa. Trong câu chuyện "Chuột ở thánh đường" sẽ có hết. Tất nhiên, người tốt cũng khá nhiều. Cuộc vật lộn để tồn tại, để đến với nghệ thuật đúng nghĩa là một tình yêu chân chính".
Cũng bởi tư tưởng ấy nên thay vì im lặng để giữ lợi ích cá nhân trước những chuyện chướng tai gai mắt thì nghệ sĩ Trung Dân luôn có phản ứng ngay thẳng và cực kỳ mạnh mẽ.
Sự thật, Trung Dân là người không thích ồn ào. Đi làm xong, anh chỉ muốn về nhà, nghỉ ngơi, >giải trí vui vẻ với gia đình. Anh không tham gia vào chuyện không phải của mình. Thế nhưng với những câu chuyện, những vấn đề gây hệ lụy cho cộng đồng, xã hội, nghề nghiệp, anh luôn sẵn sàng lên tiếng và đấu tranh tới cùng.
"Chuyện gì cần là tôi nói nếu nó có lợi ích. Mà lợi ích đó không chỉ của cá nhân tôi mà của nhóm người, tôi cũng lên tiếng. Còn sự trả giá thì thiếu gì.
Tôi làm nghề này, 10 người thương tôi thì cũng có 10 người ghét tôi. Đó là khán giả, còn đối với đồng nghiệp thì cũng có 10 người thích và 11 người không thích. Tôi xem đó là phản ứng hết sức bình thường giống như chúng ta ăn cơm hàng ngày", nghệ sĩ Trung Dân từng nói.