“Tiền anh cũng ham, nhưng danh dự của anh không cho phép”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói câu đanh thép.
Cố >nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như "Ai đưa em về", "Buồn ơi chào mi", "Cô đơn", "Không", "Tình khúc chiều mưa", "Tình yêu đến trong giã từ"... Ông cũng được biết đến là một nhân vật rất thẳng thắn, từng có những ca sĩ nổi tiếng giận dỗi, gay gắt với ông nhưng sau tất cả, mọi thứ đã được hoá giải.
Nam nhạc sĩ mất năm 2016. Mới đây, con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là nhạc sĩ Nguyễn Quang đã xuất hiện trong chương trình Người kể chuyện tình và có nhiều tiết lộ về cha. Trên ghế nóng, danh ca Phương Dung cũng hé lộ câu chuyện đặc biệt về cố nghệ sĩ “chê tiền”, không nhận 20 ngàn USD để bảo toàn danh dự.
Trong chương trình, nhạc sĩ Nguyễn Quang có cơ hội chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác bài Khôngcủa cha mình. Ca khúc Không được sáng tác ở hai nước khác nhau, đầu tiên là ở Nhật khi Nguyễn Ánh 9 đi lưu diễn cùng danh ca Khánh Ly. Chỉ từ một câu nói đùa của Khánh Ly mà ca khúc được Nguyễn Ánh 9 viết ngay tại Nhật Bản.
Sau đó, khi về Việt Nam, Nguyễn Ánh 9 tiếp tục hoàn thiện tác phẩm này. Và bất ngờ hơn, bài hát lần đầu tiên được hát cũng chính tại Nhật Bản, qua tiếng hát của Đặng Lệ Quân. Nhạc sĩ Nguyễn Quang đã gọi điều này là “ý trời”, là “cơ duyên để tạo thành bài hát”.
Sau buổi diễn tại hội chợ Osaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó.
Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa..." Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Quang, cha anh viết ca khúc Cô đơn rất lâu đến mức kỷ lục – 5 năm từ khi viết đến khi hoàn thành. Bài hát thể hiện tâm trạng của một người nghệ sĩ dương cầm già về hưu khi không còn được thuê đánh đàn nữa, những câu hát như rút ruột “Người hỡi cho tôi quên đi mộng đẹp xa xưa” – Đó chính là những tháng ngày hào quang lừng lẫy gắn với cây đàn dương cầm từng đệm đàn cho bao danh ca. Tuy nhiên, tất cả chỉ còn là kỷ niệm khiến Nguyễn Ánh 9 đau đớn thốt lên: “Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi, chỉ còn tiếc nuối không nguôi cô đơn, tiếng hát lạc loài”.
Cha đẻ của ca khúc "Cô đơn" - Cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã phải mất 5 năm để hoàn thành ca khúc trong sự cô đơn, tâm trạng khi về hưu khii không còn ai thuê ông đánh dương cầm nữa.
Đặc biệt, là người từng thân thiết với Nguyễn Ánh 9 từ nhỏ, Phương Dung cũng cho biết, cô vô cùng kính trọng Nguyễn Ánh 9 bởi ông là một người có lòng tự trọng, không chạy theo tiền bạc, địa vị.
“Có lần anh tâm sự với tôi, từng có người yêu cầu anh làm đĩa than với giá 20 ngàn đô nhưng anh từ chối “Tiền anh cũng ham, nhưng danh dự của anh không cho phép”. Giữa thời buổi chộp giật, vẫn giữ được sự thanh liêm như vậy thật đáng quý”, nữ danh ca tiết lộ.