Lam Trường là thần tượng (Idol) thế hệ đầu tiên của Pop Việt, kéo theo nhiều Idol khác sau này như Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc…
>Lam Trường được biết đến là một tên tuổi lớn hàng đầu trong làng Pop Việt giai đoạn cuối thập niên 90, đầu 2000, với loạt hit lớn, gắn liền với thanh xuân của khán giả.
Lam Trường không may mắn như nhiều ca sĩ cùng thế hệ với mình. Bản thân anh là một người rất đam mê >âm nhạc, yêu thích ca hát, từ năm 3 tuổi đã biết nghêu ngao hát theo băng đĩa. Anh nói:
"Ngay từ bé, tôi đã mê nghêu ngao những giai điệu mình nghe được trên sóng radio, hay bắt gặp trên hè phố. Mặc dù không biết tiếng Anh, tôi vẫn có thể hát theo những bản nhạc ngoại quốc.
Tôi chìm vào giấc ngủ nhanh nhất cũng nhờ âm thanh phát ra từ chiếc máy phát băng nhựa. Trong giấc mơ, tôi thấy mình được biểu diễn trên sân khấu" (Nguồn: Vnexpress).
Tuy nhiên, Lam Trường lại sinh gia trong một gia đình bình dân có tới 11 người con, không liên quan tới nghệ thuật. Vì vậy, anh không có cơ hội được tiếp xúc và đào tạo về âm nhạc từ nhỏ.
Gia đình Lam Trường ngày đó sống trong một xóm lao động nghèo. Mỗi ngày, khi màn đêm buông xuống, anh đều phải theo trẻ con cùng xóm đi bán kẹo ở các sân khấu ca nhạc.
Nếu bạn bè tận dụng các đêm nhạc hội để kiếm tiền thì Lam Trường lại tranh thủ khoảnh khắc đó để được ngước nhìn lên ánh đèn sân khấu, chứng kiến những nghệ sĩ nổi tiếng như Bảo Yến, Nhã Phương, Ngọc Sơn biểu diễn.
Anh say mê tới mức quên cả việc bán kẹo, để bạn bè mang cả giỏ kẹo của mình đi bán.
Lam Trường chia sẻ rằng, thưở đó anh rất thần tượng danh ca Ngọc Sơn, chăm chú nghe đàn anh hát từng câu một và học theo. Mỗi khi nhìn Ngọc Sơn hát trên sân khấu, anh đều ao ước có một ngày được tỏa sáng như vậy.
Cứ thế, Lam Trường lớn lên với niềm đam mê ca hát. Không có điều kiện đứng trên sân khấu lớn, anh đi từng bước nhỏ như tham gia các cuộc thi hát quanh xóm, trường học, nhưng chưa bao giờ may mắn được giải cao. Anh nói:
"Chưa kể, từ bé đến trước lúc nổi tiếng, tôi đi thi hát đều trượt giải cao. Cuộc thi hát đầu tiên tôi tham gia là ở khu phố.
Khi đó tôi hơn bốn tuổi, nhưng quyết tâm phải giành giải đặc biệt là chiếc lồng đèn, hoặc ít nhất cũng phải được chiếc bánh trung thu. Cuối cùng chỉ nhận được cây đèn cầy vì đạt hạng khuyến khích. Tôi khóc rất nhiều" (Nguồn: Vnexpress).
Vào năm 1992, Lam Trường khi ấy đang là học sinh trường cấp ba Nguyễn An Ninh, đã lấy hết can đảm ghi tên tham dự một cuộc thi đua văn nghệ do trường tổ chức.
Lam Trường chỉ được hạng ba trong cuộc thi đó, nhưng cũng được tuyển chọn vào nhóm ca của trường với sự khuyến khích rất đặc biệt của cô giáo dạy nhạc.
Nhận thấy giọng hát đặc biệt và năng khiếu âm nhạc của Lam Trường, cô giáo này đã khuyên anh nên theo học nhạc. Từ đây, Lam Trường bắt đầu xác định được hướng đi của mình một cách rõ ràng hơn.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Lam Trường thi đỗ hai trường trường Đại Học Kinh Tế và Cao Đẳng Văn Hoá Nghệ Thuật. Nhưng để theo đuổi đam mê, anh đã quyết định bỏ trường Kinh tế để tập trung ca hát.
Quyết định này của Lam Trường đã vấp phải sự phản đối của bố anh, người luôn muốn con mình có một công việc ổn định hơn là ca hát lông bông.
Mặc cho bố phản đối, Lam Trường vẫn quyết tâm theo học nghệ thuật và tham gia nhiều cuộc thi ca hát khác nhau để chứng tỏ bản thân.
Anh còn hát trong các ban nhạc của trường để có dịp trình diễn tại các tiệc cưới hoặc những chương trình văn nghệ tại một số nhà hàng như Thiên Hồng, Bát Đạt, Mỹ Lệ Hoa, Đông Kinh…
Không những vậy, Lam Trường còn chủ động sinh hoạt cùng các bạn trong để khai thác một địa điểm bán cà phê và nuớc giải khát trong trường với giá rẻ cho sinh viên. Mục đích chính của anh là làm sao để có phương tiện trình diễn trên sân khấu.
Lam Trường làm mọi việc chỉ để được theo đuổi con đường ca hát, nhưng chặng đường thành công đến với anh khá muộn và gặp nhiều gian nan, trắc trở.
Từ năm 1993-1994, Lam Trường đã được xuất hiện trong Mưa bụi – loạt chương trình âm nhạc ăn khách nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, anh không được khán giả chú ý và bị lấn át bởi ánh hào quang của những nghệ sĩ lớn như Kim Tử Long, Hồng Vân…
Lam Trường vẫn đi hát, nhưng mức cát xê rất thấp, chỉ khoảng 20 ngàn đồng. Anh nhớ lại: "Tôi còn nhớ, tiền thù lao đầu tiên tôi nhận được chỉ là bằng bốn tô phở ngon, chắc là gần 20.000 đồng lúc bấy giờ.
Tôi không may mắn như nhiều người nghĩ. Những ngày đầu chân ướt chân ráo làm ca sĩ, tôi cũng bị các quản lý đuổi khỏi sân khấu vì người ta nghĩ mình nhí nhố, hoặc có lúc bị quỵt tiền biểu diễn" (Nguồn: Vnexpress).
Nhưng Lam Trường vẫn không nản chí. Anh tìm cách hát không thù lao ở các sân khấu nhỏ để được tập sự, bất chấp việc những ca sĩ cùng thế hệ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Bằng Kiều đã gặt hái được nhiều thành công.
Lam Trường cho rằng, anh cần phải trải qua một giai đoạn tập sự khắc nghiệt để thực sự chín muồi, rồi mới dám bước ra sân khấu. Đây là tư duy hiện đại, đúng nghĩa của một Idol chuyên nghiệp thực sự.
Và cuối cùng trời không phụ lòng người, Lam Trường dần được biết đến nhiều hơn. Anh được trung tâm băng đĩa Kim Lợi kí hợp đồng với giá 20 triệu. Đây là số tiên cực kì lớn vào thời điểm đó. Anh kể lại:
"Trung tâm Kim Lợi tìm ca sĩ mới cho trung tâm nên mời tôi về thử giọng và ký hợp đồng. Tôi nhớ giá trị của hợp đồng đầu tiên là 20 triệu, một số tiền quá lớn so với thời điểm bấy giờ. Từ đó, tôi bắt đầu đặt một chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp" (Nguồn: Vnexpress).
Từ những thành công ban đầu đó, Lam Trường dần nổi tiếng và có nhiều hit lớn, được đông đảo khán giả biết tới. Anh trở thành Idol (người thần tượng) thế hệ đầu tiên của Pop Việt, kéo theo nhiều Idol khác sau này như Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc…