Vy Oanh khẳng định cô không tranh cãi về lý, trong khi tác giả ca khúc lại thành thật "tình là quan điểm của mỗi người". Chuyện tưởng chẳng có gì lại thành "rối như canh hẹ".
Một nhà nghiên cứu văn hóa từng than thở rằng một trong những lý do cản trở sự phát triển của đất nước là tư duy "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình". Bởi lẽ, một xã hội pháp quyền phải thượng tôn pháp luật thay vì những quan hệ, tình nghĩa, dễ sinh ơn huệ, tham nhũng.
Khi xã hội ngày càng phát triển, hiện đại, càng có nhiều xung đột, mâu thuẫn giữa tình và lý. Tranh cãi giữa Vy Oanh và Minh Tuyết của làng nhạc những ngày gần đây cũng chỉ là một ví dụ.
Tất nhiên, chuyện chẳng có gì to tát nếu cứ "giấy trắng mực đen", đúng luật mà thực hiện. Nhưng giới nghệ thuật vốn trọng tình, ưa cảm xúc nên đúng sai thế nào cũng là ranh giới mong manh, đôi khi tùy theo cảm nhận của mỗi người. Do vậy, tranh cãi cũng là dễ hiểu, dù không đáng để "rối như canh hẹ" như vậy.
Vy Oanh cãi vã trong đuối lý
Khi Zing.vn đặt vấn đề về tranh cãi giữa Vy Oanh và Minh Tuyết với giới chuyên môn, đa phần họ cho rằng Vy Oanh sai. Nhiều nhạc sĩ như Tú Dưa, Nguyễn Hồng Thuận, Thái Thịnh đều đồng tình rằng Vy Oanh chỉ đúng khi ca khúc còn thời hạn độc quyền.
Nhưng ở trường hợp của Để cho em khóc, ca khúc đã không còn là "độc quyền" của Vy Oanh, tính đến thời điểm Minh Tuyết trình diễn. Do vậy, Minh Tuyết hoàn toàn có quyền thể hiện tác phẩm, nhất là khi tác giả của ca khúc - nhạc sĩ Phúc Trường - xác nhận phía giọng ca hải ngoại đã mua lại ca khúc. Điều này đồng nghĩa với việc Minh Tuyết hiện mới là giọng ca được "độc quyền" ca khúc.
Nhưng "của đau con xót", việc một ca sĩ đã gắn bó với một ca khúc suốt một thời gian. Nói như Vy Oanh, cô thậm chí "chạy không hết show" chỉ vì Để cho em khóc thì việc nay "hit" của mình rơi vào tay đàn chị. Đàn chị sử dụng ca khúc để chạy show, đặt tên cho mini show, sự "uất ức", nếu có, cũng là dễ hiểu.
Trong sự bùng nổ của >âm nhạc, có một ca khúc hit không hề dễ. Hay là chưa đủ, đôi khi còn cần yếu tố may mắn. Công bằng mà nói, thuở Vy Oanh hát, ca khúc cũng đã nổi tiếng, được đông đảo khán giả yêu thích. Và có lẽ, tính đến nay, đây cũng là ca khúc được chú ý nhất của Vy Oanh.
Chính thế, trên mạng xã hội, bên cạnh những phản ứng, cũng có khá nhiều người đồng cảm với Vy Oanh. Hẳn cũng phải rất bức xúc cô mới quyết định lên tiếng trên mạng xã hội, dù chính bản thân thừa nhận cô không thể thắng về lý, và cũng không tranh cãi về lý.
Phản ứng là điều có thể hiểu được, nhưng rõ ràng giọng ca Đồng xanh cũng đang đưa sự việc đi quá giới hạn với cách cư xử có phần nông nổi, thiếu bình tĩnh. Trong khi phía Minh Tuyết khá kiệm lời, Vy Oanh "năm lần bảy lượt" lên mạng xã hội, truyền thông chỉ trích đàn chị, với những lời lẽ tương đối nặng nề.
Khó có thể bắt bẻ Minh Tuyết
Quan sát hành động của Vy Oanh, một ca sĩ bình luận với Zing.vn: "Không hiểu sao, Vy Oanh cứ vin vào tình mà lại cư xử như vậy. Đã là tình thì trước hết cũng phải dành sự tôn trọng tối thiểu với đồng nghiệp, nhất là khi đó lại là đàn chị. Nhưng Vy Oanh lại nói như thể Minh Tuyết đi cướp miếng cơm, giành giật của đàn em. Tôi không nghĩ chị Minh Tuyết là người như vậy".
Khi tranh cãi xảy ra, Minh Tuyết nhận được sự ủng hộ lớn từ đồng nghiệp, lẫn truyền thông, công chúng. Bởi vì, phía Minh Tuyết đầy đủ lý lẽ để chứng minh nữ ca sĩ không "cướp hit" không hát chùa như nhiều tranh cãi trước đây của làng nhạc Việt. Phía Minh Tuyết đã mua ca khúc từ chính tác giả sau khi hết hạn độc quyền với Vy Oanh. Do vậy, rất khó để bắt bẻ.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Về lý, rõ ràng, phía Minh Tuyết chỉ cần làm việc với nhạc sĩ Phúc Trường khi mua Để cho em khóc. Và khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, hẳn nhiên nữ ca sĩ có quyền trình diễn, phát hành ca khúc.
Rheo một nguồn tin của Zing.vn, phía Minh Tuyết thậm chí đã liên lạc với Phúc Trường ngay cả khi ca khúc chưa hết hạn độc quyền để thỏa thuận về việc mua bán sau đó. Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra thì cũng không có cơ sở nào để trách cứ phía Minh Tuyết.
Thực trạng hoạt động của thị trường âm nhạc hải ngoại cho thấy giới sáng tác nhạc trẻ tương đối mỏng, trong khi lại có nhiều giọng ca hay. Do vậy, thực tế là có khá nhiều ca khúc trong nước được bán sang hải ngoại, sau khi đã được biết đến hoặc đã là "độc quyền" của một giọng ca nào đó một thời gian. Để cho em khóc không phải là trường hợp đầu tiên.
Trách nhiệm của nhạc sĩ ở đâu?
Trên mạng xã hội có bình luận: "Thực ra người Vy Oanh nên trách là nhạc sĩ và có lẽ là chính mình". Nhiều người đặt thắc mắc tại sao một hit gắn bó với nữ ca sĩ như vậy, cô lại không chủ động tiếp tục duy trì độc quyền hoặc lý giải tại sao nhạc sĩ lại không tiếp tục bán cho cô.
Không rõ, Vy Oanh là người đã bỏ tiền để đặt cọc sáng tác như nhiều trường hợp khác của làng nhạc hay khi Phúc Trường đã có ca khúc, cô mới mua. Nhưng dù là trường hợp nào, nhạc sĩ cũng luôn có toàn quyền ứng xử với đứa con của mình sau khi đã hết thời gian bán độc quyền.
Nhiều nhạc sĩ từng than thở về việc họ quá nghèo so với ca sĩ. Một ca khúc đôi khi tác quyền chẳng được là bao nhưng lại đủ để ca sĩ đổi đời. Do vậy, việc hết độc quyền với người này, tác giả bán cho người khác là hoàn toàn dễ hiểu.
Theo Tú Dưa, một phần vì nhạc sĩ muốn "đứa con" của mình được lan tỏa hơn nữa. Nhưng theo một nhạc sĩ khác, ai cũng cần phải sống, ai cũng có nhu cầu cuộc sống. Sau khi độc quyền với một người đã hết hạn, nhạc sĩ nên bán cho người khác để có thêm thu nhập, dù cho mức giá có thể thấp hơn.
Suy cho cùng, đó cũng là chuyện "thuận mua vừa bán", chẳng có gì đáng lên án. Trong sự phát triển của âm nhạc, việc một nhạc sĩ tặng ca khúc cho ca sĩ cũng ngày càng ít đi.
Trước đây, có những nhạc sĩ đóng đinh với một giọng ca của mình, họ cùng nhau rong ruổi đi hát, chẳng có chuyện mua bán. Nhưng câu chuyện ấy đã khép lại, âm nhạc giờ cũng là một thị trường. Nhạc sĩ nếu có "chủ động" bán mua cũng chẳng ai trách được.
Tất nhiên, không ai có thể ép buộc, nhưng kể như Phúc Trường thông báo trước cho Vy Oanh về việc đã bán Để cho em khóc cho Minh Tuyết và nói rõ về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả thì có lẽ tranh cãi cũng không xảy ra.
Thậm chí, ngay hiện tại, tác giả cũng có khả năng trong việc kết nối để hai bên hiểu nhau, tránh lời qua tiếng lại không đáng có về tác phẩm của mình. Chỉ không rõ, Phúc Trường đã làm điều đó hay chưa đã "hãm cơn cuồng nộ", mất bình tĩnh của Vy Oanh lại hay anh lại "gió chiều nào xoay chiều ấy" theo kiểu Vy Oanh chẳng sai và Minh Tuyết cũng rất có lý.