Bà Thu Trang là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Đúng là “hồng nhan bạc phận”, bà đã chẳng ngờ được mình phải gánh chịu sự phản ứng dữ dội từ dư luận vì trót yêu một người đàn ông đã có gia đình.
Bà >Thu Trang – >hoa hậu đầu tiên của Việt Nam từng vướng phải thân phận “người thứ 3” trong cuộc tình cùng một người đàn ông đã có gia đình.
Năm 1955, bà tham gia cuộc thi tìm kiếm Hoa hậu diễn ra tại rạp Lido Chợ Lớn, Sài Gòn và chiến thắng với ngôi vị cao nhất. Bà Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa (SN 1932), sinh ra trong một gia đình trí thức ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội, chuyển vào Sài Gòn sống năm 10 tuổi. Ngoài việc sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời, bà còn từng là điệp báo của Việt Minh tại nội thành Sài Gòn, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn…
Sau khi đăng quang, >Hoa hậu Thu Trang nhận được sự săn đón nồng hậu từ nền điện ảnh. Năm 1957, Thu Trang được mời tham gia bộ phim “Lục Vân Tiên” của đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Từ đó, Thu Trang và đạo diễn Hạp sóng đôi xuất hiện trên báo chí như hình với bóng. Mà không chỉ trên báo chí hay trong phim, cả cuộc sống thường nhật nơi đất khách cũng thế.
Năm 1957 là một năm vinh quang và cả đau đớn với Thu Trang. Thuở 25 tuổi, bà ngã vào vòng tay đạo diễn Hạp. Trong hồi ký sau này, bà đã viết: “Tới tuổi 25, tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm, bị dụ vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo…”.
Thế nhưng, có lẽ mối tình ấy chẳng có gì phải bàn đến nếu đạo diễn Hạp không có vợ con. Bà chia sẻ cơ duyên mình và đạo diễn gặp nhau là dựa trên quan niệm văn nghệ. Hai người đã có khoảng cách từ tình bạn đến tình yêu chẳng mấy xa. Bà cho biết thêm vì ông Hạp nói với bà rằng ông ấy và vợ cũ đang hoàn tất các thủ tục ly dị nên bà mới quyết định đến với ông.
Tin lời người tình, nàng Hoa hậu chưa từng nếm mùi trái cấm sa ngã vào cuộc tình ngang trái. Ở Nhật, đạo diễn Hạp ngỏ lời cầu hôn bà và viết thư xin phép đằng gái. Bà kiên quyết giữ lại đứa con đang lớn dần lên trong dạ mình. Đến mùa thu năm 1957, cả hai trở về Sài Gòn. Lúc này, bà đã gần đến ngày sinh nở. Bà bị sốc nặng, vì đón mình ở sân bay là một đám đông cuồng nộ.
Trong hồi ký của mình, bà cũng kể tỉ mỉ về chiếc vali chứa đồ sơ sinh chuẩn bị cho con trai bị xé nát; quần áo, nữ trang bị mất, chỉ còn hình ảnh, giấy tờ tùy thân trong bóp tay là lành lặn. Nhà sản xuất người Ấn Độ tên Robert phải dẫn bà ôm bụng tháo chạy trên xe hơi riêng của ông để thoát khỏi sự giận dữ của đám đông.
Sau đó, không có một đám cưới nào diễn ra, một phần vì gia đình ông Hạp phản đối. Bà quyết định làm mẹ đơn thân, đặt tên con trai theo họ cha - Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm tình yêu đầu đầy bi kịch của mình. Bà cũng chưa bao giờ buông lời trách móc hay đòi hỏi trách nhiệm gì từ đạo diễn Tống Ngọc Hạp.
Đột nhiên lâm vào tình cảnh “chửa hoang”, bị người hâm mộ quay lưng nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của bà suy chuyển. Một trong những người đàn ông rất nổi tiếng mê đắm bà đến quên ăn quên ngủ chính là thi sĩ Bùi Giáng. Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đoán chắc câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là: “Còn hai con mắt, khóc người một con” chính là viết cho riêng bà. Bài thơ này sau đó được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc “Con mắt còn lại”.
Năm 1961, bà Thu Trang nhận được lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh và quyết định chuyển đến đất nước này sinh sống. Tuy nhiên tại Pháp, bà đã xin vào học Trường Cao học về lịch sử và triết học – thuộc trường Đại học Sorbonne. Vì số tiền dành dụm mang theo từ Việt Nam ngày càng cạn kiệt nên bà phải vừa đi học vừa làm gia sư, thông dịch viên tiếng Anh để chi trả sinh hoạt phí cho 2 mẹ con.
Tại trường học, bà đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Đặc biệt, bà đã gặp chân ái cuộc đời mình - ông Marcel Gaspard, người sau này là bạn đời của Thu Trang.
Năm 1978, bà trở thành Tiến sĩ Sử học tại Đại học Paris 7 tại Pháp. Bà cũng miệt mài đóng góp cho những hoạt động của người Việt tại Pháp. Không chỉ nghiên cứu sử học, bà còn viết thơ, truyện, hồi ký, xuất bản nhiều sách. Năm 1990, bà được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt nam được yêu mến của thế kỷ 20. Ở tuổi xế chiều, bà được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học Việt Nam. Vì nhiều lý do, bà ít khi tiết lộ thân phận mình là Hoa hậu Thu Trang.