"Về vật chất thì anh em tôi không có nhiều nên không có gì để chia chác mà mâu thuẫn, gây lộn với nhau...", Dương Triệu Vũ nói.
Tại chương trình Chuyện ngại nói vừa qua, ca sĩ >Dương Triệu Vũ đã chia sẻ nhiều câu chuyện về cách ứng xử trong gia đình mình.
Anh em tôi không gây lộn vì chẳng có gì để chia chác
Tôi nghĩ, cha mẹ đã mất rồi thì có khóc lóc cỡ nào đi nữa cũng vô nghĩa. Khi cha mẹ còn sống, còn ở đây thì mới chính là lúc mình cần phụng sự nhất. Lúc đó, cha mẹ mới an tâm, mãn nguyện để bước về cõi vĩnh hằng, để ra đi thanh thản.
Với các bậc cha mẹ đã có tuổi, còn gì hơn nữa khi ngày nào cũng gặp con cái mình, được con cái mình ôm và nói yêu bố mẹ, được chăm sóc, yêu thương.
Có như vậy, họ sẽ an lòng khi ra đi. Tôi sống rất >tâm linh, tôi nghĩ linh hồn họ sẽ siêu thoát dễ dàng hơn.
Với cha mẹ, điều khiến họ an lòng nhất là sự hòa thuận của các anh em trong gia đình. Anh em trong gia đình tôi thì không có gì để phải gây lộn vì chẳng có gì để chia chác, từ tài sản, tiền bạc đến đất đai đều không.
Bố mẹ tôi chẳng có gì để lại cho con cái ngoài tình yêu thương. Bố mẹ tôi dù đã khổ một đời rồi, nhưng tài sản ông bà để lại không có gì ngoài những đứa con là chúng tôi. Chúng tôi được bố mẹ giáo dục rất tốt.
Đó là cái lớn nhất anh em tôi có được, chứ về vật chất thì anh em tôi không có nhiều, nên không có gì để chia chác mà mâu thuẫn, gây lộn với nhau.
Nhiều gia đình dù không có tài sản gì chia chác nhưng anh em vẫn mâu thuẫn, cãi lộn với nhau. Khi anh em trong nhà lập gia đình, chính những gia đình nhỏ đó lại bất hòa như chị dâu em chồng, anh vợ em rể…
Nhà tôi được cái là người lớn tuổi luôn có tiếng nói với người ít tuổi hơn. Anh >Hoài Linh bây giờ ngoài năm mươi tuổi rồi, nhưng vẫn phải chịu chị hai tôi.
Nếu chị hai thấy anh Hoài Linh làm gì sai, chị sẽ nói "Mày nằm xuống", là anh Hoài Linh phải nằm xuống cho chị đánh.
Tôi còn nhớ, năm đó mình đã 15, 16 tuổi rồi, đang học trung học nên tập tành nói những từ ngữ không được đẹp cho lắm.
Hôm đó tôi đang ngồi coi tivi, thấy họ nói nên mới nói theo một từ hơi tục tĩu một chút bằng tiếng Mỹ. Anh Hoài Linh lập tức quay lại tát một cái vào mặt tôi, không cần nói hay giải thích gì hết.
Nhưng tôi phải tự biết là anh mình đang răn mình vì mình làm sai, nên không dám cãi lại hay làm gì thêm.
Mẹ tôi cứ ngồi yên, cho bố tôi muốn nói gì thì nói
Có một câu chuyện này tôi nhớ mẹ tôi từng kể lại cho tôi. Bố tôi ít uống rượu lắm nhưng hồi trẻ có đi uống với bạn bè đôi lần, về nhà lại gây lộn với mẹ, trước mặt mấy đứa con luôn.
Mẹ tôi cứ ngồi yên, cho bố tôi muốn nói gì thì nói. Đến lúc bố tôi tắm rửa xong, vào trong phòng mẹ tôi mới bảo:
"Lúc nãy tôi không nói lại anh vì không muốn anh mất mặt trước mấy đứa con của anh thôi, nhưng những gì anh làm với tôi ngày hôm nay là hoàn toàn sai hết. Bây giờ tôi sẽ nói cho anh nghe xem anh sai ở chỗ nào".
Lúc đó, mẹ tôi mới giải thích cho bố tôi xem sai ở chỗ nào. Bố tôi phải quay lại xin lỗi mẹ.
Tôi nghĩ, ai cũng có thể diện, mặt mũi nên cách phản ứng và đối xử với những trường hợp như vậy rất quan trọng. Đừng bao giờ phản ứng lại với kiểu hạ nhục đối phương.
Nếu những lúc như vậy mà mẹ tôi phản ứng, cãi lại bố thì sẽ thành cãi nhau, tấn công ngược lại, rồi gia đình bất hòa. Bởi vậy, cách ứng xử trong gia đình rất quan trọng.
Đừng bao giờ để đối phương thấy mình đang hạ họ xuống, phải có sự bình đẳng, bình đẳng từ cách ứng xử đến yêu thương.