Không chỉ sở hữu tài năng lớn, giọng hát quý hiếm và cống hiến trời biển, Thái Thanh còn được ví như vị Bồ Tát sống với lòng tự trọng, nhân cách cao đẹp cùng lối hành xử khiến người khác phải nể phục.
Trong hơn nửa thế kỷ qua của tân nhạc Việt Nam, biết bao thế hệ ca sĩ sinh ra đời rồi lại lụi tàn. Có ánh sáng vụt lóe lên rồi chợt tắt, có ánh sáng le lói phập phùng không ai hay, chỉ có ngọn đuốc Thái Thanh mới sáng rực trường tồn, tỏa ánh hào quang lên biết bao kiếp người, kiếp đời.
Thái Thanh được biết đến là bậc đại danh ca của Việt Nam, với giọng hát trác tuyệt, kĩ thuật điêu luyện và cống hiến, tầm ảnh hưởng to lớn, tạo nên cả một tượng đài đồ sộ, sừng sững nhưng ngọn hải đăng đứng bên dòng chảy >âm nhạc.
Bà là nữ hoàng không ngai, là người thầy không biên giới, là thần tượng của nhiều thế hệ nghệ sĩ đứng trên sân khấu, từ những danh ca lớn như Khánh Ly, Lệ Thu, Quỳnh Giao, Ý Lan tới nhiều thế hệ đàn em như Hoài Linh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn…
Danh hài Hoài Linh dù không đi theo con đường ca hát, nhưng luôn coi Thái Thanh là thần tượng lớn của mình. Khi Thái Thanh qua đời, anh viết: "Nụ cười, tiếng hát còn đây. Nhưng hồn nương gió, theo mây đi rồi. Rút tơ gửi hết cho đời. Kiếp tằm từ giã, thảnh thơi, an bình".
Lối sống cao đẹp và cách hành xử khiến người khác phải nể trọng
Cả cuộc đời Thái Thanh chỉ biết hát và hát, không bao giờ tỏ ra quyền lực hay bề thế trước ai, nói như Ý Lan là: "Trời sinh mẹ Thái Thanh ra để hát chứ không phải sống cho cuộc đời để ăn, để nói. Mẹ Thái Thanh không nói được nhưng lại hát được".
Vậy nhưng, bà lại được người đời kính trọng, nể phục. Nghệ sĩ dù cao ngạo, nổi danh cỡ nào, khi nhắc đến Thái Thanh cũng phải nghiêng mình kính cẩn.
Để có được sự trọng vọng, ngưỡng mộ lớn như vậy, Thái Thanh ngoài tài năng, giọng hát và cống hiến, còn đong đầy một nhân cách cao đẹp, sáng ngời như ngọc quý. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng nói:
"Thái Thanh là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, trải qua những thời kỳ đầy biến động nhưng vẫn không một lời oán thán".
Giới sân khấu ở thời nào cũng nhiều phức tạp, bon chen, chiêu trò, rất hiếm nghệ sĩ dù nổi tiếng đỉnh cao nhưng cả một đời vẫn giữ được phẩm giá trong sạch như Thái Thanh, không bao giờ chạm phải bất cứ điều tiếng nào.
Thái Thanh ngày ấy được biết tới là một ca sĩ hiền lành, đức độ và sống đúng chất thanh lịch, lúc nào cũng nhẹ nhàng, tinh tế. Nhà văn Bửu Ý kể lại:
"Tôi hân hạnh gặp Thái Thanh cùng người con gái là ca sĩ Ý Lan khi sang Pháp năm 1989. Qua trao đổi, tôi nhận thấy bà là con người rất có tư cách, rất nhẹ nhàng, ít nói và rất tinh tế".
Cốt cách thanh lịch của Thái Thanh được thể hiện ngay trong từng bước đi, cử chỉ. Nghệ sĩ Ái Như tâm sự:
"Tôi chưa bao giờ được nói chuyện với cô nhưng hồi học ở trường Bùi Thị Xuân, tình cờ tôi bắt gặp cô đi ngang trường mình.
Tôi nhớ, lúc đó cô mặc bộ bà ba trắng, chân mang guốc mộc, tay cầm giỏ xách, phong thái, bước chân cô thật nhẹ nhàng. Ấn tượng đó in đậm mãi không phai trong tôi".
Dù nổi tiếng cực độ, đắt show khắp các phòng trà, sân khấu, lại tinh tế, học thức và cao sang, nhưng Thái Thanh lúc nào cũng khiêm nhường, thân thiện với mọi người, không hề tỏ ra ngôi sao, kênh kiệu hay xa cách. Theo lời NSND Kim Cương, Thái Thanh sống rất chân tình, giản dị.
Tác phong làm việc của Thái Thanh rất chuẩn mực, luôn đến đúng giờ, không bao giờ để người khác phải chờ đợi và đặc biệt hát xong là về, không giao du, tụ tập đám đông. Danh ca Khánh Ly kể lại:
"Lũ chúng tôi lúc đó còn trẻ lắm, nghịch ngợm chẳng ai bằng. Cô Thái Thanh lại rất thương chúng tôi nên chỉ mắng yêu mà thôi. Ở phòng trà tôi, giờ của cô Thái Thanh là giờ đỉnh. Cô rất đúng giờ và đến là hát, xong là đi".
Trong công việc, Thái Thanh được tôn trọng bởi thái độ nghiêm túc, chỉn chu, không bao giờ bằng lòng với sự dễ dãi, cẩu thả. Nhờ đó, bà luôn có được những bản thu chuẩn mực, làm kim chỉ nam cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.
Nhạc sĩ Bảo Chấn từng có ba năm được làm việc với Thái Thanh và vô cùng bất ngờ trước cách sống có một không hai của bà. Ông bày tỏ:
"Lúc đó tôi mới 20 tuổi thôi, thích nhạc phương Tây lắm. Còn cô Thái Thanh đã là đệ nhất ca sĩ rồi. Cô Thái Thanh là người rất nghiêm túc, chỉn chu từ >đời sống cho tới làm nghề, không bao giờ thỏa hiệp với những sai sót.
Tôi sống đến cuối đời rồi mà chưa thấy ca sĩ Việt nào sau này làm được như Thái Thanh. Cách hành xử của Thái Thanh khi ra ngoài xã hội luôn khiến mọi người tôn trọng. Đối với tôi, cô không chỉ là ca sĩ mà còn là một nhân vật văn hóa".
Khán giả dù không được tiếp xúc với Thái Thanh, nhưng cũng hiểu phần nào tính cách của bà qua cách bà hát. Thái Thanh luôn hát với sự chỉn chu, trau chuốt và nâng niu tiếng Việt đến từng câu từng chữ, phát âm chỗ nào tròn vành rõ chữ chỗ đó, lại dồn nén nhiều kỹ thuật, cảm xúc. Nhạc sĩ Bảo Chấn phải ca ngợi:
"Cách cô hát tiếng Việt đẹp vô cùng, không còn đơn thuần là tròn vành rõ chữ mà đã nâng cách nhả chữ lên tầm nghệ thuật".
Tuy nghiêm túc, chỉn chu là vậy, nhưng Thái Thanh cũng biết đùa vui, thể hiện một nội tâm phong phú, chứ không phải người nhạt nhẽo, chỉ biết khép mình. Tuy nhiên, cái đùa của Thái Thanh là cái đùa tinh tế toát ra từ tri thức, học hành. Ca sĩ Đức Tuấn nói:
"Cái đùa của cô rất tế nhị, không bao giờ kể những chuyện cười thuần túy. Lúc nào cô cũng thể hiện một cái tầm rất khác trên sân khấu. Giống như đã sinh ra trong gia đình quý tộc thì thời cuộc thế nào, cuộc sống khó khăn hay đầy đủ thì kiểu gì cũng vẫn giữ được phong thái quý tộc đó".
Thái Thanh còn có tấm lòng nhân hậu, luôn giúp đỡ người khác, không bao giờ bon chen, giành giật. Danh ca Khánh Ly kể rằng:
"Những năm tháng khó khăn, đến tháng thiếu tiền, tôi phải xin khất Thái Thanh. Gặp tôi, cô chỉ cười rồi bảo không sao. Cô thương và khen tôi vẫn bình tĩnh cười vui trong hoàn cảnh khó khăn. Cô bảo: "Mày giỏi lắm con".
Vị Bồ Tát sống, hi sinh hết mình vì con cái, anh em, đồng nghiệp, khiến Khánh Ly chảy nước mắt vì lòng thương cảm
Sống trong một gia đình nhiều biến động, với chuyện đời tư phức tạp từ các anh em, dâu rể, nhưng Thái Thanh luôn giữ được cho mình sự bình yên, bình lặng trước mọi sóng gió.
Đối với các thành viên trong gia đình, Thái Thanh được ví như vị Bồ Tát sống. Bà dành tình thương tuyệt đối và hi sinh hết mình, thậm chí sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp để lo cho các con. Danh ca Ý Lan luôn coi mẹ là thần tượng, cô tâm sự:
"Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi làm mẹ.
Tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho tôi là niềm hạnh phúc và cả sự may mắn vô bờ bến".
Thái Thanh có tổng cộng 5 người con, 3 gái 2 trai. Trong đó, cậu út Lê Đại sinh ra đã ốm yếu, lại bị liệt nửa thân dưới, nên bà phải hết lòng chăm sóc.
Sau khi sang Mỹ, Thái Thanh dù không thích nhưng vẫn tập lái xa để có thể thể hàng ngày đưa đón Lê Đại đi học. Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ Thái Thanh đã giúp Lê Đại tự tin hơn, yêu đời hơn và vào được đại học.
Sau này, dù đã có tuổi nhưng mỗi tuần, Thái Thanh đều đến thăm nom con trai, mang thêm vài món ăn Việt Nam nấu sẵn cho cậu út.
Không chỉ Lê Đại, cô con gái Thanh Loan sau khi sang Mỹ cũng mắc phải bệnh trầm cảm, không thể chữa khỏi ngay. Vì vậy, Thái Thanh đã phải gồng mình chiến đấu cùng con.
Trong thời gian tìm hiểu về bệnh trạng của Thanh Loan, biết con không học hành bình thường như các anh chị em được, Thái Thanh đã cố gắng dìu dắt con gái, đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được niềm vui sống.
Các con của Thái Thanh đều được mẹ dạy về đạo đức trước tiên, và luôn được rèn dũa nề nếp kĩ càng, để trở thành những người có nhân cách tốt.
Là người sống vì gia đình nên không chỉ các con, Thái Thanh còn dành nhiều tình yêu thương, chăm sóc tới các anh chị em của mình. Ý Lan kể lại:
"Bác Thái Hằng (danh ca) bị ung thư, 6 tháng cuối đời mẹ bỏ hết việc để ở bên bác. Ngày bác mất, tôi không bao giờ quên mẹ chạy ra đường hét lên chữ "Trời ơi!".
Suốt một tuần sau đó, mẹ đột quỵ khá nặng, mất một thời gian điều trị tích cực tại bệnh viện mới khỏe.
Lần mẹ đột quỵ thứ hai là khi bác Phạm Đình Chương, anh kế mẹ ra đi. Còn lần thứ ba chính là con trai út của mẹ ra đi.
Em Đại khi sinh ra không may bị bại liệt, không đi được. Sống đến 45 tuổi, em qua đời. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh khiến mẹ đau đớn, nên đột quỵ. Đó là 3 lần đột quỵ của mẹ tôi, khi mẹ lần lượt mất đi những người mình yêu quý nhất".
Với đồng nghiệp, đàn em, Thái Thanh cũng hết lòng yêu thương giúp đỡ. Danh ca Khánh Ly từng bật khóc trước sự quan tâm của Thái Thanh dành cho mình và gọi bà là mẹ. Cô kể lại:
"Cô rất chừng mực trong cách xử thế và lời ăn tiếng nói với bọn tôi như một bà mẹ với một bầy con cứng đầu bất trị. Chúng tôi đứa nào cũng kính nể cô, kể cả đứa không yêu cô".
Một lần khác, Khánh Ly tâm sự: "Đến thăm cô, tôi cứ im lặng ngồi. Chuyện của tôi cả Sài Gòn đã biết. Cô đưa cho tội một gói tâm sen bảo uống đi, uống cái này có thể ngủ được, đừng dùng thuốc ngủ nữa. Tôi chảy nước mắt nghe ra niềm thương cảm cô dành cho tôi.
Tôi yêu cô hơn yêu tiếng hát của cô. Tôi không hiểu vì sao, có thể hình ảnh cô, sự dịu dàng của cô luôn mang hình tượng của một người mẹ trong tôi".
Lòng tự trọng hiếm thấy, khiến người khác phải nể phục
Ngoài tình yêu thương, nhân hậu, Thái Thanh còn được người đời kính nể vì cách sống giàu lòng tự trọng. Tài tử Kiều Chinh từng nói: "Tôi xin tán thưởng tinh thần tự trọng của chị Thái Thanh".
Trong suốt những năm tháng sự nghiệp của mình, Thái Thanh đi lên hoàn toàn bằng tài năng, thực lực. Bà chưa bao giờ cầu cạnh, nịnh nọt bất cứ bầu show hay chủ phòng trà, chủ hãng đĩa nào để được hát, cũng không thỏa hiệp hát những dòng nhạc thị trường để kéo khách.
Vì thế mà âm nhạc của Thái Thanh kén khán giả, ít người nghe hơn những ca sĩ nổi tiếng khác cùng thời điểm. Nhưng bà vẫn hài lòng vì được hát đúng những gì mình thích, đam mê. Với đàn em, Thái Thanh luôn nâng đỡ, chỉ dạy, không bao giờ đố kỵ hay hạ bệ.
Lòng tự trọng này của Thái Thanh được NSND Kim Cương khẳng định: "Điều tôi quý trọng ở chị Thái Thanh là đức độ của chị. Chị sống rất chừng mực, tiến thân bằng tài năng thật sự của mình chứ không dùng bất cứ chiêu trò nào để lăng xê tên tuổi".
Được biết, sau 1975, Thái Thanh không di tản như nhiều nghệ sĩ khác mà chọn ở lại quê hương. Vì cuộc sống khó khăn, bà phải làm bươn chải những việc lặt vặt để kiếm sống.
Một nghệ sĩ đàn em (lúc đó khá danh tiếng) qua chơi, chứng kiến sự vất vả ấy nên có mở lời mời Thái Thanh và gia đình qua nhà ở chung để sống sung túc hơn, nhưng bà từ chối.
Thái Thanh nói với nghệ sĩ đàn em rằng, sống ở nhà có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, không muốn mang tiếng làm phiền người khác.
Sau một đời hi sinh hết mình chăm lo cho con cái, Thái Thanh vẫn quyết sống tuổi già độc lập, không nhờ vả ai. Ý Lan kể:
"Mẹ của chúng tôi rất tự lập, không chịu sống với con cái. Chúng tôi mời về bao nhiêu lần nhưng mẹ vẫn nói không, nào là con cháu đông quá ồn ào, mẹ thích sống một mình quen rồi".