"Tôi tiết kiệm chứ không dè sẻn. Tôi sống chừng mực chứ không kham khổ. Hiểu không đúng sẽ nghĩ là tôi ki bo", ca sĩ Đoan Trường chia sẻ.
Có lần, trong lúc chuyện vui, ca sĩ >Đoan Trường cho tôi xem bảng tính chi tiết sinh hoạt phí một tháng của anh. Điều tôi ngạc nhiên nhất là, nam ca sĩ chỉ chi dùng khoảng 6 triệu đồng/ tháng.
Theo đó, tiền ăn trưa của anh là 25.000 đồng. Tiền ăn chiều và tối: 40.000 đồng/ ngày. Điện nước 1.100.000 đồng/ tháng. Điện thoại nhà, di động và internet là 340.000 đồng/ tháng. Phí truyền hình cáp, hàng tiêu dùng trong tháng là 530.000 đồng.
Lương giúp việc theo giờ: 600.000 đồng. Phí bảo trì thang máy 700.000. Xăng, gas và phí phát sinh 300.000. Bảo hiểm y tế hộ gia đình 70.000. Tổng cộng một tháng, nam ca sĩ chi tiêu hết 5.590.000 đồng.
Sau khi được anh cho xem bảng chi phí hàng tháng này, tôi bất giác nhớ tới lời nhận xét của vài người quen biết anh. Họ bảo Đoan Trường rất... ki bo. Tôi đem đề tài này ra trao đổi thẳng thắn với anh và nhận được những phản biện cực kỳ thú vị.
Vì dịch bệnh nên đã nửa năm nay, anh không cho thuê nhà được. Hẳn là cuộc sống của anh ảnh hưởng nhiều?
Với tôi, năm nay là một năm rất buồn. Từ đầu năm tới giờ, tôi không cho thuê được nhà nên thất thu khoảng nửa tỉ đồng. Sinh nhật, tôi cũng không làm gì. Tuy không nằm trong giai đoạn giãn cách xã hội nhưng ai cũng cảnh giác tụ tập đông người. Bản thân tôi cũng ít ra đường vì ra đường thì mình phải chi tiêu và cũng sợ dịch bệnh.
Dịch covid-19, ai cũng ảnh hưởng ít nhiều. Tôi cũng phải cắt giảm chi phí sinh hoạt, mỗi thứ một chút. Một tháng tôi chỉ xài khoảng 6 triệu thôi. Tôi dùng quạt là chính, mở cửa sổ phòng cho thông thoáng, một ngày chỉ dùng điều hòa từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Nói chung, cái gì giảm được là tôi giảm.
Tôi được mọi người hỗ trợ khá nhiều. Đi spa, cắt tóc, >chăm sóc da đều được miễn phí. Đi sự kiện thì được nhà thiết kế cho mượn quần áo.
Mỹ phẩm, quần áo cả năm nay tôi không mua gì hết. Mỹ phẩm như kem, dầu gội, sữa tắm thì Phi Thanh Vân cung cấp. Kem đánh răng, xà phòng... bạn bè cũng gửi. Tôi không chủ động nhờ sự giúp đỡ của ai nhưng mọi người quý mến nên tặng.
Nói thật với bạn, trong ví của tôi chỉ có 200.000 đồng. Bao nhiêu thẻ ghi nợ ngân hàng, tôi đều hủy và trả hết. Cả năm nay, tôi không đi du lịch. Nếu để thẻ, mỗi tháng mình lại phải trả phí trong khi mình không xài tới thì rất hoang.
Với những cuộc hẹn đã định sẵn, lúc ra ngoài tôi sẽ mang nhiều hơn. Nhưng nếu để ra ngoài ăn uống hay mua đồ thì tôi chỉ đem theo 200.000 đồng. Đó là cách mình kiềm chế "cơn thèm" mua sắm.
Nếu mua bằng thẻ thì mình dễ bị hút và khó kiểm soát được chi tiêu nhưng nếu trong túi không có thẻ mà chỉ có 200.000 đồng thì mình sẽ phải tính toán. Đó là cách để mình tiết kiệm và kiểm soát tốt nhất.
Nếu thích một thứ gì đó, tôi vẫn có thể chạy về nhà lấy tiền rồi mua nhưng trong thời gian chạy về đó, thêm một lần mình được suy nghĩ lại: liệu món đó có thực sự cần thiết hay không.
Tôi không ki bo mà tiết kiệmMặc dù anh nói, không tổ chức sinh nhật vì ngại dịch bệnh nhưng tôi lại nghĩ, từ đầu năm anh bị thất thu trong khi hàng tháng vẫn phải chi tiêu. Nếu tổ chức sinh nhật chẳng phải sẽ rất tốn kém?
Không phải chuyện tốn kém. Tôi không dè sẻn mà tôi tiết kiệm. Tôi có thể làm được nhưng tôi sợ sức đề kháng của mình yếu, nhất là trong các tiệc cưới, thôi nôi, đám tang tụ tập đông người nên mình không tham dự và cũng không tổ chức.
Sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài đã khiến anh thốt lên rằng, cuộc sống quá ngắn ngủi và vô thường, không biết ngày mai sẽ thế nào. Nhưng anh lại sống tiết kiệm quá như vậy, có lúc nào anh thấy mình quá kham khổ, bởi chết đi rồi, có ai đem theo được tiền đâu?
Kham khổ trong giai đoạn này thôi. Chúng ta cần làm rõ ràng rằng, tôi tiết kiệm chứ không dè sẻn. Tôi sống chừng mực chứ không kham khổ. Hiểu không đúng sẽ nghĩ là tôi ki bo. Tôi tiết kiệm phần này để xài cho phần khác chứ không dè sẻn.
Xin lỗi anh nếu câu hỏi này làm anh buồn lòng. Anh có thể sắm hàng hiệu nhưng không sắm. Anh có thể sống một cuộc sống đúng nghĩa hưởng thụ nhưng lại không làm vậy. Thậm chí, anh đi xe máy cà tàng, xài quần áo hàng chợ chỉ vài chục ngàn một cái. Anh có nghĩ mình đang ki bo, ngược đãi với chính bản thân mình?
Tôi nghĩ là do thói quen được hình thành từ thời gia đình tôi còn nghèo và rất khó khăn. Đối với tôi, một cái áo 2 triệu hay một cái áo vài chục ngàn, trăm ngàn cũng như nhau thôi. Nó chẳng nói lên được điều gì.
Tôi đi ra ngoài, không vì mặc cái áo 2 triệu mà người ta trầm trồ, cũng không vì mặc cái áo một trăm ngàn mà bị coi thường.
Bạn bè cũng tặng tôi đồ hiệu nhưng tôi không mặc. Tôi không có thói quen và nhu cầu đó. Tôi giống anh Quyền Linh, sống đơn giản, thích gì mặc đó. Ngay như cái áo sơ mi tôi đang mặc chỉ có giá 80.000 đồng. Nhưng khi đi sự kiện, đi hát, làm MC, tôi gặp các nhà thiết kế và mượn đồ có giá trị cao để mặc.
Tôi có thể xuề xòa với bản thân mình, sống đơn giản bình thường nhưng luôn chỉnh chu trước khán giả.
Quay lại quan điểm sống kham khổ, ki bo, tôi nghĩ, kham khổ là sáng nhịn đói hoặc ăn gói xôi 10.000 đồng, trưa cũng ăn qua loa với mì tôm. Còn tôi vẫn ra hàng quán, cuối tuần có khi cũng mua tôm cua về ăn. Thỉnh thoảng các dịp lễ tết vẫn làm tiệc gia đình thì đâu thể nói là ngược đãi bản thân.
Tôi độc thân, những dịp lễ Tết, Noel như thế này, đâu cần phải trang trí nhà cửa làm gì nhưng tôi vẫn làm. Thứ nhất là vì ngày xưa nhà nghèo, tôi không có được những điều đó nên giờ muốn có. Thứ hai, tôi làm cho vui cho nhà cửa đẹp mắt. Bạn bè cũng gửi thêm đồ trang trí mới cho tôi.
Nếu ngày xưa, tôi tiêu xài phung phí, mua một cái áo 2 triệu, một đôi giày 4 triệu thì giờ đây, làm sao tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Còn cơ ngơi hơn 70 tỉ đồng mà mọi người nói, nó là tài sản trị giá nhiêu đó chứ không phải tiền mặt. Tài sản đó, tôi đứng tên chung với mẹ và em gái. Tôi không giàu theo kiểu kiếm nhiều tiền và làm kinh doanh như nhiều nghệ sĩ khác.
Còn chuyện tôi chi xài một tháng 6 triệu, nói thì không ai tin nhưng nếu mình biết tiết kiệm, mỗi thứ một chút thì sẽ làm được.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!