Vì quá bức xúc về việc nghệ sĩ bị chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội, chuyên gia trang điểm Phi Phi - một người em thân thiết của danh hài Hoài Linh đã quyết định lên tiếng.
Trong suốt khoảng thời gian vừa qua, lần lượt những >sao Việt "nổi đình, nổi đám" bị réo tên trong lùm xùm hoạt động thiện nguyện miền Trung, trong đó phải kể tới những cái tên như> Hoài Linh, Trịnh Kim Chi, Việt Hương, MC Trấn Thành, vợ chồng Lương Thế Thành, Thúy Diễm…
Tuy nhiên, khi đối diện với ồn ào, người chọn cách im lặng, có người thì chọn cách nhờ pháp luật can thiệp khi gửi đơn kiện. Tuy nhiên, dù minh bạch trong việc sao kê tiền từ thiện, nhưng sao Việt vẫn thi thoảng phải chịu "cà khịa" không ngớt của một bộ phận cư dân mạng.
Vì quá bức xúc trước sự việc chung này, chuyên gia >trang điểm Phi Phi - một người em thân thiết của danh hài Hoài Linh đã quyết định lên tiếng.
Anh chia sẻ trước công chúng: "Người thương thì rất nhiều nhưng họ không bao giờ lên tiếng. Họ thương trong im lặng. Họ cảm thông và bất lực, bởi vì ai dám lên tiếng là lập tức bị hăm dọa, hành hung. Nhưng cũng còn một lý do khác, họ im lặng vì chuyện không liên quan đến cuộc sống của họ. Họ chẳng mất xu nào trong tủ cả".
Đồng thời, anh cũng nhắc đến lý do quyết định lên tiếng về những lùm xùm tiếp diễn nhiều tháng qua: "Nghệ sĩ chỉ là danh xưng của một nghề. Họ cũng như bao ngành nghề lao động khác, họ có quyền nói, quyền được phản bác lại những gì người ta nói sai về họ. Nghệ sĩ đâu phải là con rối không cảm xúc, mà để ai muốn làm gì thì làm, muốn bẻ lái sao thì bẻ lái, theo người giật dây. Nghệ sĩ sống vì tình cảm của khán giả dành cho mình, nhờ tài năng diễn xuất của họ, chứ nghệ sĩ không phải là cái tượng để mặc cho người đời muốn tô vẽ cái gì thì tô vẽ và mặc nhiên phải chấp nhận".
Chuyên gia trang điểm Phi Phi chia sẻ thêm anh cũng thấy những ánh nhìn khinh khi dành cho người nghệ sĩ. Người ta dùng những từ ngữ xấu xa nhất cho nghệ sĩ.
Anh tâm sự "Suốt 8 tháng qua, những người làm nghệ thuật, từ cây đa cây đề đến những búp măng đều phải chấp nhận nghe người ta chửi rủa, mạt sát cái nghề nuôi sống mình mà không dám phản pháo lại. Vì sao? Vì họ sợ liên lụy, họ sợ bị tấn công, họ sợ mất hình ảnh… Và vì những cái sợ đó mà bây giờ, người ta coi nghệ sĩ không ra gì cả. Ngày qua ngày, những tin tốt được che lấp bằng những tin xấu. Lời yêu thương không còn nghe, mà chỉ toàn nghe những tiếng chửi rủa, thóa mạ, xúc phạm.
"8 tháng qua đã đủ để giết chết nghệ sĩ và dẹp luôn nghề làm nghệ thuật bởi vì, chính sự lo sợ và im lặng của người trong nghề là một cách chấp nhận để người khác hất đổ chén cơm của mình. Họ sợ bị gắn cho cái tội "coi thường khán giả". Quá đau xót!", anh ngậm ngùi cho hay.
Ngoài ra, anh cũng tâm sự rằng người của công chúng thì phải chấp nhận thị phi và bỏ ngoài tai những lời nói không hay về mình. Song, bây giờ, cư dân mạng nhắm vào luôn "cái gốc" to nhất, lâu đời nhất mà chặt thì những lá xanh non trên cành, ngắt chỉ trong vòng một nốt nhạc.
Anh bức xúc cho hay: "Đũa, nếu gom lại cả bó mà bẻ thì không bao giờ gẫy, nhưng, bẻ từng chiếc thì đến sắt cũng phải cong. Làm cái nghề mạt hạng nhất trong xã hội, còn được người ta gọi bằng tên. Vậy mà, làm cái nghề văn hóa nghệ thuật, đem lại món ăn tinh thần cho cả xã hội thì họ gọi bằng thằng này, con kia. Nghịch lý ở đời là, cái tốt thì rất ít khi được chia sẻ nhưng cái xấu thì lại lan tỏa một cách khủng khiếp, còn hơn cả virus".