Nối tiếp tự truyện phần 1 được nhiều người quan tâm, chồng đại gia của Phan Như Thảo đã viết thêm phần hai.
Ở phần 1 "Lão An tự truyện", chồng của >Phan Như Thảo đã kể về quãng thời gian vất vả khi mới lập nghiệp. Câu chuyện của đại gia Đức An được nhiều người quan tâm. "Thật bất ngờ và rất cảm kích về sự ủng hộ nồng nhiệt của các bạn sau phần tự truyện vừa qua. Thật sự khi mới bắt đầu viết, anh không nghĩ lại nhận được nhiều cảm thông và chia sẻ đến như vậy. Anh cám ơn các bạn đã gửi đến anh qua tin nhắn điện thoại lẫn Facebook những lời khen ngợi, động viên và an ủi. Thú vị nhất là chỉ một ngày sau khi anh đăng tự truyện, có vài người quen lẫn không quen gặp anh lang thang trên đường đã chạy lại vỗ vai: "anh cố lên". Cũng có người chỉ nhìn anh với ánh mắt đầy thương cảm và nở nụ cười rồi gật đầu chào. Anh xúc động lắm trước tất cả tấm lòng ấm áp mọi người dành cho anh", >chồng Phan Như Thảo chia sẻ.
Cũng chính vì vậy đại gia Đức An quyết định tiếp tục viết phần hai của tự truyện. Mở đầu tự truyện, chồng Phan Như Thảo tiết lộ việc mẹ anh từng không muốn cho chồng con về Việt Nam thăm người thân: "Anh còn nhớ những lần về thăm bố mẹ, sau khi uống vài lon bia hay ly rượu, anh thường vội vàng xin phép bố mẹ ra về vì phải đi làm hoặc chạy lo công việc gì đó. Bố anh luôn nhắc một câu: “Con cố gắng về chơi với bố mẹ cho vui, bố chẳng biết bố còn sống được bao lâu nữa.” Những lúc ấy, anh nghe bố rất rõ nhưng trong đầu anh lại hoàn toàn không suy nghĩ về câu nói của bố. Có lẽ một phần vì lúc ấy bố anh trông rất khoẻ mạnh và bố không bao giờ để lộ những mỏi mệt do cơn bệnh hoành hành. Hình như lần nào cũng vậy, tiếp theo lời bố là mẹ anh vẫn dặn: “Con đi lái xe cẩn thận”. Lái xe về tuy lúc ấy bụng anh no nê nhưng đầu anh lại trống rỗng, anh không ngờ mình thiếu suy nghĩ đến như vậy.
Bố anh hay "chiêu dụ" các con về nhà bằng cách nấu các món khoái khẩu. Khi thì thịt giả cầy, gỏi cá, lúc lại gà luộc, toàn là những món anh yêu thích. Chẳng bao lâu sau đó, những buổi bố con anh cùng ăn các món tự tay bố nấu cũng không còn nữa. Nhưng dù bố không còn nấu được, bố vẫn có cách ra ngoài mua những món khoái khẩu của anh như heo, vịt quay để kéo anh về. Đến lúc anh nhận ra sức khoẻ của bố anh yếu dần và không còn nấu nướng được nữa, anh bắt đầu tự đi chợ mua cá về làm gỏi, và cũng bắt chước bố làm giả cầy và những món bố anh yêu thích. Tiếc rằng khoảng thời gian anh nấu cho bố thì bố ăn chỉ được vài miếng rồi bảo bố no. Sau vài lần thấy bố không ăn được, anh mới hiểu bố đang đau đớn, không còn sức lực để thưởng thức. Sau này nghĩ lại, anh ân hận vì những lúc bố còn ăn được anh lại không nấu cho ông. Khi bố anh không còn sức lực để ăn nữa thì cho dù anh có nấu sơn hào hải vị, tất cả cũng chỉ là vô vị mà thôi.
Sau khi Việt Nam mở cửa cho Việt Kiều về thăm gia đình, bố anh hay nói: “Bố và An đi Việt Nam chơi không? Bố muốn về thăm các bác, cô và chú. Chắc mọi người già lắm rồi, không biết còn sống hay không." Những khi nghe bố anh nói vậy, mẹ anh thường hay chen vào: “Ông không được đi”. Rồi mẹ quay nhìn anh: “Con cũng đừng đi. Con đừng cho bố đi. Bố đi không ai giúp mẹ xỏ giầy, không ai bóp chân cho mẹ, không ai giúp mẹ đi tắm và đi vệ sinh...". Đó là khoảng thời gian mẹ anh cần sự giúp đỡ sau cơn tai biến mạch máu não làm tê liệt nửa người. Tuy mẹ bị đi đứng khó khăn nhưng đầu óc vẫn không thay đổi và tinh thần không bị suy sụp. Anh biết mẹ anh nói vậy chỉ là cái cớ để bố con anh không về Việt Nam. Và để chiều lòng mẹ, bố anh hay trấn an: “Vậy thôi, bố sẽ không đi, con có về thì đến thăm các bác, cô chú và cho bố gửi lời hỏi thăm". Mẹ anh thì vẫn khăng khăng: “con An, bố không đi thì con cũng đừng đi."
Sinh tại Ninh Bình, năm 1927, ông Nguyễn Thái Tình, bố anh đã ra đi để lại mẹ anh và 7 người con cùng các cháu nội, ngoại".
>Đại gia Đức An tiết lộ về chuyện làm ăn thuận lợi, tậu được nhà tiền tỉ: "Danh ngôn có câu: "Tương lai có rất nhiều tên: Với kẻ yếu, nó là điều không thể đạt được. Đối với người hay sợ hãi, nó là điều chưa biết. Với ai dũng cảm, nó là cơ hội". Sau khi công việc kinh doanh đầu tiên của anh thành công ngoài sức tưởng tượng, anh bắt đầu tự tin nắm bắt những cơ hội đến với mình. Năm 1990, anh mạo hiểm thêm lần nữa và "tậu" cho mình một căn nhà trị giá 650.000 USD thời bấy giờ. Nhà nằm ngay bờ biển và đang trong giai đoạn xây cất. Chủ nhà là người Hà Lan, tên Martin, còn rất trẻ tuổi và xây nhà để bán. Trong quá trình nhà đang xây dựng, anh thường xuyên gặp Martin và bàn luận về những vật liệu anh thích cho căn nhà của mình. Anh còn nhớ Martin rất nhiệt tình thân thiện với anh. Martin đã nói với anh một cách nghiêm túc: “tôi nghĩ anh nên làm về ngành xây dựng và thiết kế vì anh rất có khiếu. Ý tưởng và vật liệu do anh chọn rất hay và đặt biệt phối hợp mọi thứ lại không tốn nhiều tiền." Có lẽ vào thời điểm đó, anh hiểu được rằng anh chưa đủ khả năng để mua những gì tốt đẹp nhất nên anh đã cố gắng chi tiêu cho vừa túi tiền nhưng cũng phải xứng đáng với đồng tiền anh bỏ ra. Có lẽ với nhiều người, đó là lúc anh đã đạt đến đỉnh cao của công danh sự nghiệp vì công việc kinh doanh của anh rất thuận lợi, cộng thêm anh còn trẻ mà đã may mắn sở hữu được căn nhà mới xây bên bờ biển thơ mộng".
Cuối tự truyện của phần 2, chồng Phan Như Thảo cho biết tình duyên của anh có lúc đã không trọn vẹn nhưng luôn có những người bạn tốt bên cạnh: "Nhưng có lẽ ông Trời không cho ai tất cả bao giờ. Tình duyên của anh lúc này thì sao? Nhất là với người tuổi Dần như anh, thì tử vi đã nói tình duyên không được trọn vẹn như những tuổi khác. Anh đành chấp nhận.
Bạn anh thường an ủi anh rằng: “Hôn nhân tan vỡ thì không ai muốn cả nhưng nếu đã phải xảy ra thì đừng nên coi đó là tận thế vì hai người chia tay sẽ có bốn người hạnh phúc”
Anh may mắn khi xung quanh anh vẫn luôn có nhiều người bạn rất tốt và tất nhiên trong số đó cũng có người hôn nhân tan vỡ nhưng họ đều sống tốt cả. Anh nghiệm ra lý do giúp họ vượt qua tất cả là vì họ không mang trong lòng sự thù hận, họ biết chấp nhận, họ luôn lao động, phấn đấu vươn lên bằng chính năng lực của họ. Có những cô bạn anh, chia tay xong xem ra còn hạnh phúc hơn và tiền bạc cũng thoải mái hơn. Có lẽ khi họ không bị vướng bận nhiệm vụ làm vợ thì họ dễ dàng ra ngoài đi làm để chứng tỏ năng lực của mình hơn. Từ đó, họ có được những mối quan hệ tốt đẹp hơn ngoài xã hội, và dễ dàng tìm được hạnh phúc hay thú vui lành mạnh cho chính mình. Anh thật sự ngưỡng mộ những bà mẹ đơn thân như thế. Bạn anh cũng có vài người bi quan, trăn trở nhiều sau khi li dị và họ thường tìm đến anh để tâm sự. Xem ra những mối lo âu và bi quan của họ hầu hết đều xuất phát từ sự cô đơn và hy sinh cho những đứa con. Họ là những người chọn cuộc sống độc thân, không dám bước thêm bước nữa vì sợ con gặp cảnh bị cha dượng sàm sỡ như thường thấy trên các báo. Anh rất thương cảm cho những bà mẹ như thế, vì anh biết, họ rất xứng đáng và hoàn toàn có khả năng tìm được hạnh phúc cho mình.
Nói về những người phụ nữ tuyệt vời trong đời anh thì trước tiên phải kể đến mẹ và chị bởi vì họ là những người yêu anh vô điều kiện. Kế đến là Thảo, Bồ Câu, Heo sữa và Boba tất cả cũng đều là những người yêu anh không cần lý do hay đắn đo suy nghĩ. Xem ra anh vẫn là người rất may mắn".