Lúc đầu, hai anh em Bảo Trí cũng được mẹ kế yêu thương nhưng đến khi bà có con riêng thì cuộc đời hai anh em rơi vào địa ngục.
>Nghệ sĩ Bảo Trí là cái tên quen thuộc với nhiều khán giả Việt, đặc biệt là khán giả phía Nam. Nhưng đằng sau những vinh quang là biết bao thăng trầm, biến cố của cả đời và nghề.
Nghệ sĩ Bảo Trí có một tuổi thơ kinh hoàng và đẫm nước mắt mà mỗi lần nhắc lại, ông vẫn sợ hãi. Sinh ra trong gia đình khá giả ở Sài Gòn, cha làm bác sĩ và kinh doanh, nghệ sĩ Bảo Trí là con trai thứ 11 trong gia đình có 12 anh chị em.
Ba mẹ ly dị khi Bảo Trí còn nhỏ, 10 anh chị đầu sống với mẹ, riêng Bảo Trí và cô em gái út Hồng Lan sống cùng cha và mẹ kế. Chính vì còn quá nhỏ nên Bảo Trí không hề biết đó là mẹ kế mà nghĩ là mẹ ruột.
Lúc đầu, hai anh em Bảo Trí cũng được mẹ kế yêu thương nhưng đến khi bà có con riêng thì cuộc đời hai anh em như rơi vào địa ngục.
Ba đi làm, ở nhà cả hai anh em bị mẹ kế đánh đập không thương tiếc, bị bắt nhúng tay vào nước sôi, còn đặt điều cho ba về đánh tiếp. Bảo Trí là con trai mạnh mẽ nên sau nhiều lần quá đau còn phản kháng được, riêng cô em gái yếu thế nên đành chịu cảnh nhúng tay vào nước sôi.
Đến tận khi một vài người anh ruột sang nhà chơi nói rằng đây không phải là mẹ ruột mà chỉ là dì ghẻ, Bảo Trí mới biết sự thật.
Bảo Trí đã tìm về gặp mẹ ruột nhưng mỗi lần biết chuyện, người cha lại sang nhà vợ cũ quậy phá, đánh đập khiến bà sợ hãi không dám cho con về nhà nhiều. Thậm chí ba của Bảo Trí không cho con gọi mẹ ruột mà bắt gọi là "bà khách".
Đến khoảng năm 10 tuổi, ba Bảo Trí thấy không ổn với cảnh sống chung này nên đã gửi con trai về nhà một người quen ở Long An nuôi. Ban đầu, ba của Bảo Trí gửi tiền họ nuôi nấng cẩn thận nhưng mỗi lần quên gửi tiền, là người ta lại gửi Bảo Trí về nhà người chú ruột.
Người chú ruột này hoàn cảnh khó khăn nên mỗi khi ba Bảo Trí gửi tiền, họ mới cho Bảo Trí ăn còn không gửi tiền là bỏ đói.
Có lần cậu bé bị bỏ đói 5 ngày liên tục rồi "được" thảy cho cái can 20 lít để bán ve chai lấy tiền về với mẹ. Bảo Trí đã bán chiếc can đó và mua vé xe đò về thành phố với mẹ.
Leo được 6 bậc thang ở nhà mẹ thì Bảo Trí lăn ra xỉu vì đói quá lâu. Sống với mẹ ruột một thời gian, mẹ ruột lại bắt Bảo Trí trở về Long An sống với nhà chú ruột để người cha không làm khó dễ. Cậu bé ở lại Long An một thời gian, tìm mọi cách để sống tự lập.
Phải tới sau giải phóng, Bảo Trí đi theo các đoàn hát thì mới khép lại tuổi thơ đẫm nước mắt. Lúc này, Bảo Trí được trở về sống với mẹ ruột và cũng bắt đầu một cuộc đời "gạo chợ nước sông" của nghệ sĩ tỉnh lẻ.
Về phần người mẹ kế, sau này bà dắt con ruột đi vượt biên và mất tích, không có tin tức. Ba của Bảo Trí bị tai biến và qua đời cuối thập niên 1990.
Nghệ sĩ Bảo Trí đam mê ca hát từ nhỏ. Chặng đường nghệ thuật của ông trải qua nhiều thay đổi từ cải lương chuyển sang hài kịch. Để làm được điều đó, Bảo Trí đã phải linh hoạt, học hỏi để con đường làm nghề của mình được nối dài. Đằng sau người đàn ông lúc nào cũng vui vẻ, dễ gần, giản dị của Bảo Trí lại ẩn giấu nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề lắm gian truân.
Bảo Trí bắt đầu vào nghề bằng các vai quần chúng. Năm 16 tuổi, nam nghệ sĩ đi theo thầy dạy cải lương và từng bước chinh phục bộ môn nghệ thuật này qua nhiều đoàn hát tỉnh.
Nhiều năm bôn ba, ông rất mong được về diễn ở đoàn thành phố nhưng thấy mình chưa có duyên. Có lần, Kim Tử Long rủ Bảo Trí về đoàn thành phố, làm cặp kép chánh - hề chánh.
"Nhưng khi tôi với Kim Tử Long đi đến một đoàn cải lương thì ở đó đã có kép, có hề rồi. Họ chỉ chọn một thôi. Người ta mời Kim Tử Long mà không chọn tôi. Vì nói thật lúc đó người ta cũng không biết tôi diễn như thế nào, tôi chỉ mang danh hề của đoàn tỉnh", nghệ sĩ Bảo Trí kể trong chương trình Hạnh phúc ở đâu.
Thời gian sau, Bảo Trí rong ruổi theo nhiều gánh hát và tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm. Từ vai độc, ông chuyển sang vai hề rồi lên hẳn hề chánh.
Thời trẻ, Bảo Trí kể mình rất xốc nổi, không biết sợ ai. "Ví dụ hôm nay tôi diễn ở đoàn này, bà bầu không chịu tôi liền nghỉ rồi qua đoàn khác. Hồi đó tôi đi hát mà lương không bao giờ lãnh được, vì toàn góp chơi hụi.
Nhiều khi mình đi tỉnh, thấy người ta có vàng mà mình không có cũng tự ái. Tôi mượn tiền mua vàng đeo chơi rồi mắc nợ, mình phải góp hụi để trả nợ. Nhưng tới mùa mưa không hát được, đâu có tiền để góp, tôi lại bán vàng. Cuối cùng thành một vòng luẩn quẩn. Vì khi ấy còn độc thân, mình không nghĩ tới tương lai", ông nhớ lại.
Những năm 1990, sân khấu hài nở rộ ở TP.HCM, Bảo Trí kết hợp cùng một đồng nghiệp lập nhóm để đi diễn. Thời hoàng kim, ông kể mình từng có lúc nhận 15 show một đêm.
"Có những đêm mình được mười mấy show nhưng chạy không nổi. Hồi đó chúng tôi ưa nhận ẩu, mỗi show cách nhau chừng 10 phút. Nhưng nếu mình không nhận thì mất show nên chúng tôi cứ nhận bừa. Mỗi đêm diễn được khoảng 8-9 suất", nghệ sĩ Bảo Trí nói.
Hơn 40 năm làm nghề, Bảo Trí trải qua rất nhiều vai diễn, từ những vở diễn cải lương, những tiểu phẩm tấu hài rồi cả những vở kịch. Nhưng với ông, vai diễn tâm đắc nhất với mình là vai Huỳnh Công Lý trong vở "Tả quân Lê Văn Duyệt". Nhờ vai diễn này, ông được đề cử cho giải Mai Vàng và Cù Nèo Vàng nhưng chưa có duyên nhận giải.
Dù vậy trong sự nghiệp của mình với hơn 40 năm làm nghề, nghệ sĩ Bảo Trí cũng "bỏ túi" khá nhiều giải thưởng. Cơ duyên đó bắt đầu từ khi ông về sân khấu Kịch Sài Gòn, thế chỗ Tấn Hoàng trong vở "Hồn ma báo oán". Vai diễn này đã đem về cho ông chiếc huy chương vàng đầu tiên vào năm 2016 tại Liên hoan sân khấu kịch ở Huế.
Nói về vai diễn trong "Hồn ma báo oán", nghệ sĩ Bảo Trí tâm sự: "Tôi diễn vai đó, diễn hôm nào, khan tiếng hôm đó. Cảnh cuối diễn nội tâm rất nặng vì vợ và 2 đứa con đều chết. Mới đầu tôi diễn kỹ thuật, khóc kỹ thuật nhưng mình là diễn viên thì không thể làm vậy. Tôi phải diễn thật. Diễn thật thì mất lực, mất sức. Khi quay vô sân khấu là người mềm nhũn".
Sau đó là chiếc huy chương bạc liên hoan cải lương, huy chương vàng liên hoan sân khấu ngành công an năm 2020 và huy chương bạc liên hoan sân khấu thủ đô cùng năm đó.