"Anh Sơn thì ai cũng thương nhưng yêu thì Bảo Chấn cảm nhận rõ tình cảm anh dành cho Dao Ánh và Tôn Nữ Bích Khê", nhạc sĩ Bảo Chấn chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Bảo Chấn là con cháu dòng dõi hoàng tộc ở Huế. Năm 1970 tốt nghiệp trường nhạc ở Sài Gòn đã về đầu quân cho phòng trà của danh ca Khánh Ly khi ông mới là cậu thanh niên 20 tuổi.
Ở môi trường đầy triển vọng này, Bảo Chấn có nguồn thu nhập cao, ngày ngày được đệm đàn cho những đàn chị tài sắc vẹn toàn như: danh ca Thái Thanh (Tam ca Thăng Long), Ngọc Minh, Khánh Ly, Lệ Thu, Ánh Tuyết.
Một chuyện không nhiều người biết khác, đó là Bảo Chấn và >Trịnh Công Sơn là "con cô con cậu", quan hệ họ hàng ruột thịt rất gần gũi. Bảo Chấn thời trai trẻ thuộc hàng "trai ngoan" vì kiếm tiền nhiều mà không phá.
Lớn lên lấy vợ thành "chồng ngoan" vì dành trọn vẹn cuộc đời cống hiến cho >âm nhạc, chỉ tiêu phần nhỏ số tiền mình kiếm được gọi là tiền tiêu vặt được mẹ, sau này là vợ tùy tâm phát cho sau mỗi kỳ lĩnh lương.
Nhạc sĩ Bảo Chấn kể, gia đình hoàng tộc của anh Trịnh Công Sơn ở Huế kín đáo, nghiêm trang lắm. Thời ấy, gia đình anh đã có ô tô đi lại và thuộc thành phần gia thế giàu có ở Huế.
"Tôi chỉ mong đến Tết bố tôi chở tôi đến nhà cô ruột (mẹ anh Sơn) để được cô lì xì tiền mừng tuổi. Ngày nhỏ tôi và anh Sơn biết nhau nhưng anh Sơn chơi với lứa tuổi bạn anh ấy là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý".
Mối thân tình đầu tiên đánh dấu sự thân thiết của hai anh em Trịnh Công Sơn và Bảo Chấn chính là âm nhạc. Bảo Chấn rất vinh dự khi là người phối khí những ca khúc của Trịnh Công Sơn cho ca sĩ hải ngoại hát - hồi ấy là Khánh Hà, sau đó là Ý Lan.
Khi mối quan hệ thân hơn, Bảo Chấn ngỏ lời nhờ Trịnh Công Sơn đặt tên cho hai cô con gái sinh đôi của ông: "Anh Sơn ơi, hai cô con gái em định đặt tên là Thuận Nhi – Thuận Nhu. Anh coi có tên nào hay hơn đặt cho hai cháu dùm em?"
Trịnh Công Sơn bảo: "Cho moi (moa là đại từ nhân xưng tiếng Pháp nghĩa là tôi) suy nghĩ đến ngày mai sẽ đặt tên cho cháu". Hôm sau anh Sơn đi xe máy PC đến nhà của Bảo Chấn ở quận Tân Bình, TPHCM, giọng hồ hởi: "Moi nghĩ ra tên cháu là Thuần Nhiên – Thuần Nhã, chú ra phường khai sinh cho 2 cháu luôn đi".
Nhạc sĩ Bảo Chấn cười hiền khi nhớ lại: "Trịnh Công Sơn hồn nhiên lắm! Trước Bảo Chấn làm việc ở hội văn nghệ nên hay cà phê nói chuyện với anh đến tận trưa. Đến bữa trưa thì anh Sơn mời về nhà ăn cơm, nhà anh Sơn nấu cơm Huế ngon lắm".
Rồi như nhớ lại chuyện gì, bỗng dưng Bảo Chấn tủm tỉm cười: "Nhà của ca sĩ Bống Hồng Nhung chung ngõ với nhà tôi, cách có mấy căn nhà thôi. Có lần tôi thấy anh Sơn phi xe Honda PC vào ngõ nhà tôi nhưng lại mang theo bó hoa đến nhà chú Viện (bố của ca sĩ Hồng Nhung). Hồi đó ngày nào anh cũng qua ăn cơm với chú Viện".
Nói chuyện về phụ nữ, anh Trịnh Công Sơn đáng yêu lắm, anh ấy nhận định thế này: "Con nít mới đẻ tới 3 tuổi rất đáng yêu. Nhưng từ 7 – 10 tuổi thì rất khó ưa vì ngang bướng, còn từ 16 tuổi trở đi thì dễ thương vô cùng".
Gắn bó với Trịnh Công Sơn cả về âm nhạc và đời thường, >nhạc sĩ Bảo Chấn nói: "Phải hiểu về âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì mới thấy trái tim của Trịnh Công Sơn dành cho ai sâu sắc. Anh Sơn thì ai cũng thương nhưng yêu thì Bảo Chấn cảm nhận rõ tình cảm anh dành cho Dao Ánh và Tôn Nữ Bích Khê.
Còn lâu nay mọi người hay đổ dồn về quan hệ với danh ca Khánh Ly. Nhưng mấy năm làm việc cho phòng trà Khánh, tôi thấy giữa họ chỉ có mối quan hệ về một ca sĩ hát thành công ca khúc của nhạc sĩ mà thôi. Còn trong tình yêu, anh Sơn vừa dễ thương mến phụ nữ nhưng lại vừa sâu sắc kiểu khắc cốt ghi tâm.
Ví dụ nhé, trong ca khúc Biển nhớ, có đoạn:
Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê
Trời cao níu bước Sơn Khê.
Ca khúc Biển nhớ, anh Sơn viết tặng chị Tôn Nữ Bích Khê trong câu hát: "Trời cao níu bước Sơn Khê" chỉ hiểu đơn giản là anh ghép tên anh và tên của người yêu trong lời bài hát này mà thôi".
Bảo Chấn sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, ông khiêm tốn nói rằng chưa bị "đói ăn" nhưng cuộc sống bình dị chứ không giàu có so với mặt bằng chung thời bấy giờ. Ba ông là giảng viên âm nhạc đi lại bằng ô tô riêng nhưng 6 anh em nhà ông chỉ có xe máy để đi.
Tốt nghiệp trường nhạc, ông về đầu quân cho phòng trà của danh ca Khánh Ly. Mặc dù là nhạc sĩ sống ở thời kỳ trước giải phóng nhưng mức thù lao mà phòng trà Khánh Ly trả cho nhạc công trưởng Bảo Chấn lúc ấy khá hậu hĩnh: 150.000 đồng/1 tháng. Ông lĩnh lương 2 lần trong một tháng, là ngày mồng 1 và ngày 14 dương lịch hàng tháng.
Bảo Chấn dí dỏm kể: "Mỗi kỳ lĩnh lương là buổi tối khuya đi làm về, gõ cửa phòng má đứng ngoài mùng kêu: "Má, con gửi má tiền lương". Rồi ông khẽ để phong bì tiền ở dưới gối má nằm. Sáng hôm sau lại đến trước mùng má, lễ phép: "Má cho con xin tiền tiêu vặt".
Nói về cơ duyên "có chân" trong phòng trà Khánh Ly, nhạc sĩ Bảo Chấn bồi hồi: "Năm 1972 có nhạc sĩ đàn anh là anh Hoàng- chef band nhạc KL mời tôi ra nhập nhóm nhạc do lúc ấy bị thiếu người chơi đàn piano".
Lần tập nhạc đầu tiên, các chị danh ca rất dễ chịu, gần gũi làm chàng thanh niên Bảo Chấn rất tự tin. Các ca sĩ đàn chị đã "dạy" cậu em Bảo Chấn rất nhiều điều bổ ích về cách đệm nhạc, sao cho khán giả dễ nghe, ca sĩ dễ hát.
Bảo Chấn trưởng thành dần nhờ sự hướng dẫn này, người mà ông hàm ơn về sự dạy dỗ này chính là cô Thái Thanh (nữ danh ca vừa mất cách nay 2 năm - dĩ nhiên còn nhiều cô chú khác nữa.)
Thời của Bảo Chấn, nghệ sĩ có chút tài năng, ai cũng đi xe ô tô riêng đủ các thương hiệu. Riêng Bảo Chấn thì đi xe Vespa. Người ta nhìn xe là biết đẳng cấp kiếm tiền của nhau rồi. Bảo Chấn nói, ông làm biếng đi học lái xe nên đi vespa cho lành. Mà Vespa thì chỉ có giới phi công hoặc con nhà giàu mới dám bỏ số tiền lớn để mua chiếc xe ấy.
Ông kể, khi đàn cho phòng trà Khánh Ly, luôn có một hai ông chủ phòng trà khác đến ngỏ ý "rước" ông về, sẵn sang chi mức lương cao hơn. Nhưng thời ấy người ta sống chân thành lắm, không thực dụng và chạy theo cơ hội tốt hơn chỉ vì tiền bạc. Cho nên Bảo Chấn gắn bó với phòng trà Khánh Ly tới tận năm 1975 mới dừng lại - khi Khánh Ly sang Mỹ.
Phòng trà Khánh Ly có 15 phút nghỉ ngơi giải lao giữa các tiết mục. Đó là khoảng thời gian quay xổ số trúng thưởng: Máy giặt, tủ lạnh. Toàn phần thưởng rất có giá trị, nhưng chẳng là gì so với thù lao của nhạc công và ca sĩ hạng A.
Nhạc sĩ Bảo Chấn cho biết, mức thù lao cho nhạc trưởng như ông là 150.000 đồng/1 tháng chơi nhạc. Nguồn tiền kiếm thêm từ hòa âm phối khí cũng khá cao, còn các ca sĩ hạng A thì 200.000 đồng/1 tháng.
Như danh ca Thái Thanh, bà chỉ nhận hát 2 nơi, mỗi nơi 1 triệu đồng/1 tháng, chưa kể việc thu thanh ca khúc cũng đem về cho danh ca Thái Thanh một nguồn thu cực lớn thời bấy giờ. Mà một cái nhà to vật vã ở nội thành Sài Gòn chỉ khoảng 1 triệu đồng. Mỗi tháng tổng các nguồn thu nhập của một danh ca như Thái Thanh có thể mua được mấy cái nhà.
Thái Thanh ở một đẳng cấp rất cao trong giới danh ca thời đó, nhưng thời của ông chỉ gọi ca sĩ là ca sĩ, chứ không gọi là danh ca hay diva như bây giờ. Nhạc sĩ Bảo Chấn kể: "Ca sĩ Thái Thanh đi đến phòng trà bằng xe mercedes, Ngọc Minh đi xe Toyota 800. Còn Khánh Ly đi xe Jaguar. Các sao hạng A thập niên 70 đều có xe ô tô sang đi lại và ở vị trí chiếu trên rất rõ ràng".
Ông kể về "chiếu trên" thế này: "Nếu bạn là nghệ sĩ ở vị trí thứ hạng thấp, thì việc chào hỏi, gặp gỡ cũng cần giữ gìn tế nhị. Bởi có thể sẽ nhận về sự lạnh nhạt quay lưng do vai vế không xứng..."
Phòng trà Khánh Ly không chỉ có sao hạng A, mà có cả nghệ sĩ mới nổi cũng được tạo cơ hội hát dòng nhạc sang trọng của phòng trà. Bởi chỉ có ca sĩ hạng A thì trả thù lao cho nghệ sĩ cũng... căng!
Lúc còn trai tân, đúng ngày lĩnh lương Bảo Chấn để phong bì tiền lương ở dưới gối mẹ rồi sáng hôm sau đứng trước mùng chờ mẹ phát tiền tiêu vặt. Còn khi lấy vợ thì ông chuyển toàn bộ tiền kiếm được cho vợ giữ, bản thân Bảo Chấn suốt thời trai trẻ đến giờ không biết tiêu tiền, chỉ toàn tâm dành cho sáng tác.
Hiện tại, nhạc sĩ Bảo Chấn sống cùng vợ và gia đình cậu con trai. Năm cô con gái của ông đã lấy chồng ngoại quốc hết cả. Mỗi cô một quốc tịch: Indonesia, Mỹ, Anh... với Bảo Chấn, hậu vận như bây giờ là hạnh phúc rồi, một cuộc sống vừa đủ với những dấu ấn huy hoàng đẹp đẽ về một thời trai trẻ phong nhiêu và rực rỡ!
Vì thế, gặp Bảo Chấn, đừng nhìn cái vẻ bề ngoài chậm rãi, cũ kỹ, rêu phong mà thấy bình thường. Bởi ông chưa từng lái xe ô tô vì ngại thi lấy bằng nhưng lại đỏng đảnh trên chiếc Vespa sang trọng từ thập niên 70 đến làm nhạc trưởng của phòng trà Khánh Ly với mức thù lao bằng 1/8 một ngôi >nhà đẹp ở nội thành Sài Gòn!
Còn về âm nhạc thì miễn bàn, bởi 50 năm qua, ông đã tận hiến cho âm nhạc bằng tài năng, sự giản dị khiêm nhường của mình. Ông là một trong những cây đại thụ trong âm nhạc còn sót lại giữa đại ngàn, sau bao biến thiên của lịch sử và thời gian.