Cả một đời khắc khổ nay ở tuổi xế chiều ông Hoài vẫn là trụ cột lo toan cho cả gia đình khi vợ ốm yếu, 2 con trai sa vào nghiện ngập, cháu nội bị bố mẹ bỏ rơi.
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Hoài, bà Nguyễn Thị Đào ở thôn An Tử, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, TP >Hải Phòng, người dân địa phương ai cũng thương cảm trước hoàn cảnh cơ cực của ông bà.
Gia đình ông Hoài và Đào vô cùng éo le khi người vợ bệnh tật, hai người con trai đều nghiện ma túy cùng cháu trai học lớp 6 ốm đau triền miên. Vì thế từ kinh tế gia đình cho tới mọi thứ sinh hoạt đều dồn hết lên đôi vai của ông Hoài. Mặc dù mới 60 tuổi nhưng do lao động nặng nhọc, lo toan mọi thứ nên ông Hoài nhìn già trước tuổi, khuôn mặt hiện rõ những vết hằn của một cuộc sống vất vả.
Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên, ông Hoài không cầm được cảm xúc khi kể lại cuộc sống cơ cực: “Năm 1982, tôi đi nghĩa vụ quân đội và đến năm 1985 thì xuất ngũ, cũng trong thời gian quân ngũ tôi lập gia đình luôn. Sau khi ra quân về quê, hai vợ chồng trẻ lo toan, tích cóp nhặt nhạnh từng đồng để xây nhà cửa và nuôi hai cậu con trai, mong mỏi chúng khôn lớn trưởng thành nên người”.
Nhưng mọi thứ không như hai vợ chồng ông Hoài mong mỏi, lần lượt hai người con của ông đều sa ngã vào con đường tệ nạn xã hội.
“Con trai lớn đi làm được một thời gian thì vướng vào nghiện ngập ma túy sau đó thằng con trai thứ hai cũng theo anh vướng vào con đường này. Hai vợ chồng gần như chết đứng khi biết được hai thằng con như vậy, không dám ngẩng đầu nhìn hàng xóm láng giềng, họ hàng anh em. Trong khi đó vợ tôi lại mổ hai quả thận, kèm theo con trai của thằng con lớn vì thế cuộc sống đã cơ cực lại càng cơ cực hơn…”, ông Hoài tâm sự.
Cũng từ đó kinh tế gia đình gần như một mình ông Hoài gánh vác. Người vợ mất khả năng lao động nên cả nhà chỉ biết cấy hái nhờ cậy vào ba sào ruộng nhỏ. Mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào ngày công ông Hoài đi phụ hồ. Cố gắng lắm một tháng ông cũng chỉ được 10 đến 15 công với thu nhập 100 nghìn đồng trên một ngày công. Tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu nên ông cũng không thể làm đủ công.
Ông Hoài chia sẻ: “Làm phụ hồ vô cùng nặng nhọc, công cán thấp không làm thì cũng chả biết làm gì để lấy tiền nuôi vợ con và cháu. Động lực duy nhất giờ là thằng cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, mẹ nó bỏ đi từ khi còn nhỏ. Dù vất vả mấy tôi cũng phải cố tích cóp từng đồng cho cháu đi học còn sau này tôi như thế nào thì có lẽ con đường học hành của cháu cũng dở dang”.
Nhắc đến đứa cháu nhỏ, bà Đào vợ ông Hoài không cầm được nước mắt: “Mẹ nó bỏ đi từ lúc 4 tuổi để lại cho hai ông bà nuôi. Nhìn cháu mà thương, vắng bóng người mẹ thiếu sự bảo ban của người cha. Ở với hai ông bà có gì ăn nấy nên cháu ốm đau bệnh tật quanh năm. Nhiều buổi đi học về cơm không có gì ăn, chạy vào bảo bà… không có gì ăn cháu mệt lắm. Hai vợ chồng ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong. Buổi nào ông có tiền công dư dư một tý tôi lại cố gắng cải thiện cho cháu một bữa. Ngay ăn sáng ông bà cũng phải nhịn đói để nhường cho cháu.”
Công việc vất vả, bấp bênh nên mọi thứ sinh hoạt trong gia đình ông bà đều phải hết sức tằn tiện. Ngay đến bóng điện thắp sáng trong gia đình nếu bật bòng này thì phải tắt bóng khác. Ông Hoài cũng phải đi xin từng khúc gỗ, cành cây của hàng xóm về để làm chất đốt.
Chứng kiến hoàn cảnh gia đình ông Hoài, hàng xóm ai cũng không khỏi xót xa và thương cảm. Ngôi nhà ông bà đang ở ngày một xuống cấp nặng nề. Cũng vì không có kinh tế nên gia đình ông cũng không dám sửa sang lại dù là một viên ngói nhỏ.
“Ba sào ruộng năm cấy hai vụ, hễ được hột thóc nào có khi hai thằng con trai lại lấy trộm đi bán, tài sản trong nhà từ khi 2 đứa vướng vào tệ nạn đều đội nón ra đi. Căn nhà xây dựng gần 30 năm nay ọp ẹp, ông ấy phải xin từng mảnh tôn người ta không dùng nữa về bắn lên mái nhà tránh ngày mưa ngày nắng. Tiền đóng học cho cháu cũng phải đi vay mượn từng đồng của anh em họ hàng, cháu học tới đâu hay tới đó ”, bà Đào chia sẻ thêm.
Từng lời chia sẻ của ông bà đều thấm đẫm một nỗi lo toan về cuộc sống còn bộn bề gian khó không lối thoát. Mỗi lần nhắc đến đứa cháu nội ông bà lại xót xa cho số phận của cháu. Sống ở hiện tại nhưng một nỗi lo canh cánh luôn hiện hữu trong cuộc sống của ông bà, không biết rồi đây khi mình không còn có thể làm việc để mưu sinh tương lai của đứa cháu sẽ về đâu. Nghĩ đến đó tấm lòng của người làm ông bà nội như lại quặn thắt, đau đớn.