Giữa thành phố sa hoa, những người lao động nghèo hay nhiều hoàn cảnh khó khăn khác đều có thể no bụng với một tô cháo nhiều “lòng”… chỉ 5.000 đồng hoặc “không tiền cũng được”.

Diệp Vân (t/h) 09:20 30/08/2022

Nằm ở số 317, đường Trung Mỹ Tây 13, quận 12 chính là quán ăn của vợ chồng anh Trần Văn Hòa (47 tuổi) và chị Trần Thị Dung (36 tuổi). Đây là nơi đã đã giúp “no bụng” nhiều người khó khăn.


 Vợ chồng chủ quán - Ảnh: Zingnews 

Nửa năm trôi qua, “thông điệp” đặc biệt này vẫn thế, vẫn giữ nguyên vẹn cái ý nghĩa đầy nhân văn, nghĩa tình mà chủ quán muốn gửi gắm. Thực khách đi qua cứ thế mà bị thu hút, ấn tượng.

“Bên cạnh nhóm khách quen ghé mỗi ngày, không ít người đến ăn vì tò mò về phần cháo 5.000 đồng”, chị Dung bày tỏ trên Zingnews.

Tô cháo lòng rẻ tiền nhưng không “rẻ tiền”

Bình thường quán bán 25.000 đồng/tô, nhưng khi gặp người già, người khuyết tật, người bán vé số thì chủ quán mời cháo với giá… 5.000 đồng, hoặc không tiền cũng được.

Trước quầy bán, nhiều người đi ngang qua đều tò mò với dòng chữ mà chủ quán dán lên: "Người khuyết tật, người già, người bán vé số, trả 5.000 đồng hoặc không tiền cũng được".

Dù tô cháo chỉ có giá ít ỏi nhưng lại vô cùng đầy ắp. Một phần cháo đầy đủ với phèo, gan, ngũ linh, bao tử, tim có giá 25.000 đồng. Suất ăn còn kèm theo rau thơm và nước mắm ớt hành cho những ai có khẩu vị đậm đà. Bên cạnh đó, quán còn bán thêm bún lòng và các món ăn khác liên quan đến nội tạng heo. 

Tô cháo đầy ắp tình thương - Ảnh: Zingnews 

Chị Dung cho biết: “Tô cháo 5.000 đồng cũng tươm tất như phần 25.000 đồng. Nhiều lúc, gặp những cô chú già yếu bán vé số, tôi múc thêm đồ ăn cho họ. Cô chú làm việc cả ngày dài như thế, phải ăn no mới có sức”.

Chẳng dư dả nhưng giúp hết lòng

Năm 2013, anh Hòa chị Dung mở bán quán cháo lòng nhưng vì bị thu hồi mặt bằng nên nhiều lần chuyển chỗ. Mãi đến 2019 quán mới ổn định làm ăn thì anh Hòa lại gặp nạn, nằm viện suốt cả năm trời.

Khó khăn chồng chất khó khăn, dịch Covid-19 lại ập đến khiến anh chị trở tay không kịp, thời kỳ bão giá lên ngôi, cả hai đành lòng đóng cửa quán cháo đến nay.

Thời gian dài đóng quán, bao nhiêu khách quen cũng không còn trở lại. Trong cảnh vật giá leo thang, anh chị vẫn giữ nguyên giá, vừa bán vừa tặng để thực khách tiếp tục được thưởng thức trọn vị năm xưa.

“Trải qua nhiều khó khăn, tôi thấu hiểu những vất vả trong mưu sinh. Người già, người khuyết tật lại càng chật vật hơn. Vì vậy, tôi tự nhủ giúp được ai, giúp được bao nhiêu thì mình cứ giúp hết lòng, dù bản thân cũng chẳng dư dả là bao”, anh Hòa bộc bạch.

Chị Dung luôn dành trọn cái tâm khi phục vụ - Ảnh: Zingnews  

Chị Dung kể rằng, trước đây, một cô bán vé số ghé quán ăn tô cháo mà rơm rớm nước mắt, liên tục nói lời cảm tạ vì biết ơn. Mưu sinh đâu bao giờ dễ dàng, vợ chồng anh chị cũng qua nhiều vất vả, ấy thế mà vẫn dành những suất ăn miền phí, đậm tình thương như thế.

Khách đến ngày một nhiều cũng thành quen. Cứ thế, những vị khách lâu năm đó vẫn lựa chọn quán cháo của chị Dung thay vì vô số quán khác tại nơi này. Họ ăn mãi nhưng vẫn tấm tắc khen ngon, bởi lẽ tô cháo ấy dù chỉ là tô cháo rất đỗi bình thường nhưng lại chứa đựng vô vàn tình thương - thứ hiếm có khó tìm nơi phố thị sa hoa này.

Diệp Vân (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe