Các chị em đang cố gắng giảm cân không phải loại bỏ hoàn toàn bánh mì ra khỏi chế độ ăn nếu tránh được những sai lầm này.
Bánh mì thường là loại thực phẩm đầu tiên bị cắt khỏi khẩu phần ăn của những người đang cố gắng giảm cân. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng chứa nhiều carb. Dù vậy, theo Lisa Moskovitz, chuyên gia >dinh dưỡng, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tổ chức dinh dưỡng New York, trái với suy nghĩ của nhiều người, carb trong bánh mì lại không tự động chuyển hóa thành mỡ hoặc gây tăng cân. Hơn nữa, chất này cũng đem lại lợi ích không nhỏ, giúp bạn cảm thấy no lâu và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Trên thực tế, ăn bánh mì vào bữa sáng hoặc thưởng thức một chiếc sandwich vào bữa trưa vẫn là việc có thể thực hiện trong khi giảm cân. Mọi người chỉ cần tránh mắc phải một số sai lầm dưới đây:
Ăn bánh mì mà thiếu chất xơ
Kết hợp bánh mì với rau xanh là lựa chọn sáng suốt. Những người đang giảm cân nên đặt ra mục tiêu bổ sung ít nhất 3-5g chất xơ trong mỗi khẩu phần ăn.
Chất xơ là thứ không thể thiếu trong quá trình giảm cân. Chúng làm chậm quá trình tiêu hóa, cân bằng lượng đường huyết trong máu và tạo ra sự thiếu hụt năng lượng để kích thích đốt cháy chất béo. Chuyên gia Lisa cho biết, tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ giúp tạo cảm giác no lâu, từ đó góp phần tránh thói quen ăn vặt không cần thiết.
Ăn bánh mì chứa nhiều đường
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, người trưởng thành trung bình ăn khoảng 17 thìa cà phê đường bổ sung mỗi ngày.
Đường bổ sung, đường nhân tạo có mặt trong nhiều loại bánh mì được bày bán ở cửa hàng. Chất phụ gia tạo ngọt này có tác dụng ngược với chất xơ. Thay vì ổn định lượng đường huyết trong máu, chúng lại khiến đường huyết tăng đột ngột và sau đó hạ xuống.
Chuyên gia Lisa giải thích, ngay sau khi ăn, bạn sẽ thấy bụng đói cồn cào và thèm ăn nhiều thực phẩm chứa carb. Để tránh vòng luẩn quẩn này, mọi người nên đặt mục tiêu hấp thụ tối đa 5 gam đường bổ sung trong mỗi khẩu phần ăn.
Dùng bánh mì làm từ ngũ cốc tinh chế
Bánh mì nguyên cám chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết khác.
Bánh mì trắng và các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc tinh chế bổ sung ít chất xơ và chất dinh dưỡng hơn so với loại làm từ ngũ cốc nguyên cám. Nguyên nhân là do quá trình xay xát đã loại bỏ các thành phần giàu dinh dưỡng như cám và mầm. Hơn nữa, những loại ngũ cốc đã qua chế biến này có thể làm tăng lượng đường huyết trong máu và tạo cảm giác thèm ăn.
Ngũ cốc nguyên cám là một nguồn cung cấp dồi dào protein giúp xây dựng cơ bắp và chất xơ có khả năng thúc đẩy quả trình giảm cân, kiểm soát cân nặng. Do đó, khi mua bánh mì, bạn nên tìm những loại làm từ 100% ngũ cốc nguyên cám hoặc 100% lúa mì nguyên hạt. Hãy lựa chọn cẩn thận vì không ít người đã bị nhầm lẫn với các dòng chữ ghi trên nhãn mác như “làm từ lúa mì” hoặc “chứa nhiều loại hạt”. Theo chuyên gia Lisa, những sản phẩm này thường được làm bằng bột mì trắng tinh chế.
Không kết hợp bánh mì với protein hoặc chất béo lành mạnh
Những người đang trong quá trình giảm cân cần tiêu thụ các thực phẩm giúp duy trì cảm giác no lâu.
Bánh mì có thể là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn biết kết hợp chúng với món ăn chứa protein hoặc chất béo lành mạnh. Việc làm này giúp xây dựng một bữa ăn cân bằng.
Để làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng cảm giác no, một số người đã dùng bánh mì kèm với những nguồn cung cấp nhiều protein như thịt gà, cá ngừ, trứng hoặc chất béo lành mạnh trong bơ hạnh nhân, quả bơ và dầu ôliu.
Ăn bánh mì với thực phẩm giàu carb
Bổ sung quá nhiều carb từ bánh mì, mì ống và khoai tây trong một bữa ăn hoặc trong một khoảng thời gian ngắn có thể làm cản trở quá trình giảm cân.
Vì vậy, khi ăn bánh mì, mọi người đừng kết hợp chúng với các thực phẩm giàu carb khác. Hơn nữa, theo chuyên gia Lisa, nếu bạn nằm trong nhóm người đang muốn giảm cân, sắp xếp bữa ăn sao cho hợp lý để dễ tiêu hóa, tránh ăn no trước khi đi ngủ cũng là việc làm cần thiết. Điều này có thể tối ưu hóa insulin, lượng đường huyết trong máu và góp phần không nhỏ vào quá trình duy trì cân nặng.
(Nguồn: Livestrong)