Để bắt kịp với xu hướng của khán giả trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều sân khấu nghệ thuật tại Việt Nam đang tích cực tiến hành quá trình chuyển đổi số.
Từ đầu năm 2022, sân khấu kịch đã sáng đèn trở lại sau giai đoạn 2020-2021 lao đao vì đại dịch. Sau 8 tháng, các nhà hát tuy chưa lấy lại được phong độ tại thời kỳ đỉnh cao trước đại dịch, nhưng về cơ bản đã hoạt động bình thường với trung bình hai suất diễn mỗi tuần.
Chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam - nhận định điều này cho thấy không chỉ các sân khấu kịch đã có nhiều vở diễn hay mà còn phản ánh niềm yêu thích của khán giả dành cho kịch nghệ. Họ sẵn sàng tới rạp, bỏ tiền mua vé để thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật sân khấu thay vì những tiểu phẩm hoặc tình huống hài trên truyền hình hay Internet.
Trong thời buổi bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng chia sẻ trực tuyến, kịch nghệ và không ít loại hình nghệ thuật cổ điển đang phải cạnh tranh với các hình thức >giải trí "ăn liền" khác lan tràn trên Internet. Điều này đặt ra thách thức, đòi hỏi các nhà hát và đoàn nghệ thuật phải làm mới mình, ứng dụng chuyển đổi số vào khâu quản lý, vận hành cũng như quá trình sáng tạo nghệ thuật để bắt kịp xu hướng mới.
Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào mọi hoạt động của doanh nghiệp với mục đích tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, hướng tới mục tiêu cung cấp các giá trị mới cho khách hàng và tăng tốc hoạt động kinh doanh. Với một ngành đặc thù như sân khấu, quá trình chuyển đổi số cũng có những yêu cầu và đòi hỏi riêng. Tuy nhiên, bước đầu quá trình này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Những năm trở lại đây, nhiều nhà hát và đoàn kịch tại Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Các trang fanpage được sử dụng như một kênh thông tin chính thức của các đoàn nghệ thuật với các nội dung được cập nhật nhanh chóng, gần gũi với khán giả. Phương pháp này đang chứng minh nhiều ưu điểm vượt trội so với các website truyền thống, và trước mắt đã mang lại hiệu quả tích cực về doanh thu.
Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, NSƯT Xuân Bắc cho biết việc truyền thông về các vở diễn mới, chuyện >hậu trường sân khấu của các nghệ sĩ trên nền tảng mạng xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc lôi kéo khán giả tới với sân khấu kịch. Anh chia sẻ: "Việc tăng cường tương tác với khán giả trên mạng xã hội tạo ra những thay đổi rất rõ rệt. Nhiều người biết đến sân khấu kịch Việt Nam hơn, nhiều người có lại thói quen đi xem kịch. Thông tin về các hoạt động của nhà hát đến được với nhiều khán giả hơn. Và quan trọng nhất, nó kích thích mong muốn và khát khao đến rạp của khán giả".
Theo NSƯT Xuân Bắc, mạng xã hội cũng là một kênh nhanh chóng và hiệu quả để khán giả trực tiếp bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về các vở diễn thông qua những dòng bình luận ngay bên dưới các bài đăng của fanpage nhà hát kịch. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ cùng ê-kíp sản xuất có thể lắng nghe và tiếp thu ý kiến người xem về vở những diễn đã ra mắt và rút kinh nghiệm trong những chặng đường sáng tạo nghệ thuật sắp tới. Sự tương tác của khán giả trên mạng xã hội là điều mà cách nghệ sĩ rất trân trọng.
Nhà hát Tuổi Trẻ cũng là một trong các đơn vị bắt đầu truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội từ sớm và gặt hái thành quả đáng mừng - thể hiện qua lượng vé bán ra trong mỗi suất diễn. Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Tổ Quốc, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ- NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến- cho biết, đơn vị luôn dành sự quan tâm, đầu tư chất xám khi xây dựng nội dung cho fanpage của Nhà hát Tuổi Trẻ.
"Chúng tôi coi hoạt động tương tác với độc giả trên các trang mạng xã hội như khâu chăm sóc khách hàng", NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến chia sẻ. Nhà hát Tuổi Trẻ rất quan tâm tới các chỉ số như lượng người theo dõi, lượng người truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng, theo từng giai đoạn để từ đó có những điều chỉnh hợp lý trong tương lai. Tất cả vì mục tiêu làm bền chặt kết nối giữa khán giả và nhà hát. Cũng theo ông Sĩ Tiến, Nhà hát Tuổi Trẻ ghi nhận sự thay đổi tích cực về doanh thu bán vé tỷ lệ thuận với sự phát triển của fanpage nhà hát.
Nhờ mạng xã hội, thông tin về các vở diễn mới được phổ biến tới một tập thể khán giả đa dạng, bao gồm cả những người yêu kịch, xem kịch lẫn các cá nhân chưa có hiểu biết hay nhu cầu thưởng thức nhưng có sự tò mò dành cho môn nghệ thuật này. Công nghệ kỹ thuật số đã kéo gần khoảng cách giữa các nghệ sĩ sân khấu với khán giả khi đem lại cho họ cảm giác gắn bó, thấy bản thân như một phần của đoàn kịch.
Trước đây, nếu muốn xem kịch, khán giả thường chỉ có một lựa chọn duy nhất là tới mua vé trực tiếp tại quầy bán vé trước cửa nhà hát. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XXI, cách làm này đã bộc lộ nhiều hạn chế khi khán giả có ít thời gian hơn, ngại di chuyển hơn và yêu thích sự tiện lợi của việc mua sắm qua mạng. Để bắt kịp xu thế này, các nhà hát kịch cũng đã có những chuyển đổi trong phương thức bán vé.
Từ năm 2018, Nhà hát Tuổi Trẻ đã triển khai hình thức bán vé online trên website chính thức của mình. Theo chia sẻ của NSƯT Sĩ Tiến, đến năm 2022, kênh trực tuyến đã chiếm đến 95% tổng lượng vé bán ra cho mỗi suất diễn của nhà hát. Hình thức này phù hợp với thói quen tiêu dùng của đại đa số khán giả trẻ khi họ chỉ cần tới rạp check-in trước giờ diễn thay vì phải đi lại nhiều lần.
Phát triển kênh bán vé online cũng là một trong các mục tiêu mà Nhà hát kịch Việt Nam hướng đến trong lộ trình chuyển đổi số. NSƯT Xuân Bắc cho biết: "Chúng tôi đang xúc tiến việc bán vé online tích hợp QR code. Khán giả tới rạp xem kịch sẽ không phải cầm vé trên tay nữa mà có thể quét mã để vào cửa".
Hiện tại, Nhà hát kịch Việt Nam đã triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ khách hàng, giúp họ không cần phải tới nhà hát mua vé trực tiếp trước mỗi vở diễn. Khán giả có thể lựa chọn hình thức giao vé tận nhà hoặc vào cửa bằng các đọc thông tin cá nhân đã đăng ký từ trước với ban tổ chức.
Tại một số sân khấu kịch, ngoài mua vé trực tiếp và online qua kênh do nhà hát tự tổ chức, khán giả cũng có thể mua vé thông qua các ứng dụng trực tuyến hay website do bên thứ ba quản lý. Phân phối vé qua các kênh trung gian là một hình thức đã rất phổ biến, mang về nhiều lợi ích cho tất cả các bên. Đơn vị tổ chức sự kiện bán được nhiều ghế hơn, còn khán giả có thể mua vé dễ dàng kèm nhiều ưu đãi.
Bắt tay với một bên thứ ba trong khâu bán vé cũng là định hướng mà Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Tuổi Trẻ cũng như nhiều đơn vị khác đang lên kế hoạch triển khai trong tương lai gần. Chia sẻ với chúng tôi, cả NSƯT Sĩ Tiến và NSƯT Xuân Bắc đều xác định đây là xu hướng tất yếu, không chỉ giúp khán giả dễ dàng tiếp cận với các tác phẩm mà còn góp phần tạo ra ấn tượng về một hình ảnh hiện đại hơn cho các sân khấu nghệ thuật.
Quá trình chuyển đổi số không chỉ là sự chuyển dịch từ trực tiếp thành trực tuyến trong cách các sân khấu kịch và nhà hát quảng bá sản phẩm hay bán vé. Nó còn ảnh hưởng, tác động sâu rộng tới các hoạt động sau cánh gà như lưu trữ và quản lý thông tin, thiết kế phục trang, dựng sân khấu, thiết đặt âm thanh, ánh sáng hay in ấn, thiết kế các sản phẩm quảng bá… Trong đó, việc số hóa thông tin về các vở diễn cũng nằm trong tiến trình chuyển đổi số sân khấu.
Nói về vấn đề này, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ: "Nhà hát kịch Việt Nam đã số hóa nhiều nội dung vào kho lưu trữ của hệ thống. Chỉ cần gõ nhan đề một vở diễn, bạn sẽ tìm thấy các thông tin như người trang trí vở, người dựng vở, danh sách diễn viên, phục trang, số đo… Quá trình số hóa tại nhà hát đã tới cấp quản lý. Mọi thông tin đều có thể tra cứu được bằng một cái nhấp chuột, tránh được tình trạng phải bới, phải tìm mỗi khi cần tra cứu lại thông tin về vở diễn như trước đây".
"Nhà hát kịch Việt Nam hiện đang xin ý kiến Bộ về kế hoạch tổ chức các chương trình phục vụ khán giả trên tinh thần chuyển đổi số. Chuỗi chương trình này hướng tới mục tiêu giúp khán giả tiếp cận với sân khấu, hiểu và thêm yêu sân khấu kịch, chúng nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá, nhưng không làm mất đi giá trị của sân khấu", anh chia sẻ.
Theo quan điểm của >nghệ sĩ Xuân Bắc, sân khấu sẽ mãi là sân khấu. Ở đó có sự sáng tạo trực tiếp trong mỗi đêm diễn giữa nghệ sĩ và khán giả mà không loại hình nào thay thế được. Quá trình số hóa sân khấu cũng có thể được sử dụng vào mục đích quảng cáo cho các tác phẩm. Những đoạn video ghi lại hình ảnh các nghệ sĩ tập luyện, chuẩn bị cho vở diễn có thể giúp khán giả hiểu hơn, thấy gắn bó hơn với loại hình nghệ thuật này.
Nói về những thay đổi ở hậu trường sân khấu trong quá trình chuyển đổi số, NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ trong những năm qua, Nhà hát Tuổi Trẻ đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào nhiều khâu trong quá trình chuẩn bị cho các vở diễn. Khâu thiết kế mỹ thuật, bao gồm thiết kế sân khấu, phục trang nhân vật đều được thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng tương tự hệ thống hòa âm, ánh sáng sân khấu. Bên cạnh đó, đoàn kịch cũng tiến hành lồng ghép một số >video clip vào vở diễn nhằm gia tăng trải nghiệm của khán giả.
Những năm qua, sự xuất hiện của các phần mềm chuyên dụng, mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện trực tuyến… cùng quá trình số hóa đã tạo ra nhiều thay đổi căn bản trong phương thức điều hành, vận hành cũng như quảng bá hình ảnh của các đoàn kịch cũng như sân khấu nghệ thuật biểu diễn. Công nghệ kỹ thuật số được ứng dụng vào lĩnh vực sân khấu giúp tối ưu hóa công tác chuẩn bị và tối đa hóa hiệu quả nghệ thuật mà các vở diễn mang lại. Song song, sự bùng nổ của mạng xã hội cũng góp phần kéo gần khoảng cách giữa khán giả với các nghệ sĩ cũng như tác phẩm sân khấu.