Lịch sử lễ hội Đền Hùng gắn liền với nhiều câu chuyện thú vị và đến nay, chúng vẫn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
Thời điểm ra đời Lễ hội Đền Hùng không được biên chép trong chính sử. Vì vậy, khi bàn về nguồn gốc của lễ hội đền Hùng còn có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu. Theo địa chí văn hoá dân gian vùng Đất Tổ, trên vùng đất Phú Thọ từ lâu đời đã hình thành lễ hội và các trò diễn trong lễ hội gắn liền với thời kỳ Hùng Vương dựng nước. “Những trò diễn trong đình đám, trong những lễ cầu được mùa, cầu năm mới tốt lành là trò diễn hội làng, những hình thức lễ nghi vui chơi của cả cộng đồng người quần cư trên cả một khu vực địa lý. Hội làng hay mở hội, cũng như đám làng tức làng vào đám chắc hắn phải được ra đời cùng với sự ra đời những ngôi làng của người Việt cổ. Những ngôi làng ấy là cái nền của Quốc gia văn Lang thời các Vua Hùng”.
Hội Đền Hùng trước Hậu Lê, theo các cụ cao niên gốc xã Hy Cương (thuộc Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) kể: Ngày xưa, Lễ hội Đền Hùng chưa có quy mô tầm vóc lớn vượt ra ngoài địa phương như hiện nay, nội dung tổ chức còn trong hạn hẹp chỉ mở hội ở 3 làng riêng rẽ, chưa có hình thức tổ chức Giỗ Tổ chung của cả nước. Làng Vi và làng Trẹo mở hội cùng ngày vào tháng giêng và tháng 8 (vì hai làng này đều có chung nhau một ngôi Đình Cả), còn làng Cổ Tích tổ chức hội vào các ngày từ mồng 8 tới 12 tháng 3 âm lịch, trong đó chính tế vào ngày 11 và phần tế lễ cũng có khác với làng Vi và làng Trẹo.
Trong tâm thức dân gian của cộng đồng cư dân Phú Thọ, Hùng Vương vừa là vị thuỷ tổ, vừa là Thánh Vương, vừa là người lập nước nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiêng liêng lại gần gũi, có mặt với cộng đồng ở mọi tình huống của cuộc đời của mỗi con người, trong cuộc sống của cộng đồng theo vòng quay của thiên nhiên của mùa vụ. Vì thế, người dân làng Trẹo… có lễ hội rước Hùng Vương từ các ngôi Đền trên núi Nghĩa Lĩnh về làng ăn Tết vào ngày 24 tháng chạp.
Cùng với các truyền thuyết dân gian thời kỳ Hùng Vương dựng nước, nguồn gốc của lễ hội Đền Hùng đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, nhân dân vẫn truyền miệng và kể lại những câu truyện hàm chứa tín ngưỡng: Ngày xưa, núi Nghĩa Lĩnh là nơi thờ tự các Vua Hùng. Tục truyền rằng Vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng thường đến đây làm lễ tế trời, thờ lúa, cầu mong cho giống nòi sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, con người no đủ, vì vậy đồ thờ trước đây vẫn có là hạt lúa thần. Đó là hình tượng một hạt thóc làm bằng đá to như cái thuyền được đặt thờ tại Đền Thượng.
Tín ngưỡng thờ Vua Hùng đã đánh dấu hệ ý thức đã trưởng thành về nòi giống, về một tổ tiên chung: người đứng đầu cao nhất của cộng đồng - một biểu hiện sự trưởng thành của tổ chức cộng đồng trong xã hội Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương thể hiện mục đích phục vụ cho hoạt động nông nghiệp ruộng nước vốn là nền kinh tế nông nghiệp chủ đạo của người Việt từ xưa. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã phản ánh chân thực cư dân nông nghiệp thờ các vua Hùng đã thể hiện trình độ phát triển cộng đồng cao.
Vậy là bạn đã nắm được nguồn gốc và lịch sử của lễ hội Đền Hùng rồi đấy. Hãy sắp xếp thời gian để cùng gia đình tham dự lễ hội Đền Hùng vào ngày mùng 10/3 sắp tới nhé.