Bánh gật gù, chắt chắt, pa pỉnh tộp, cơm âm phủ, sỏi mầm... là một vài cái tên trong số rất nhiều món ăn hấp dẫn của Việt Nam nhưng lại có tên gọi vô cùng độc đáo, lạ lùng khiến nhiều người lần đầu nghe phải “mắt chữ A miệng chữ O”.

Hồng Duyên (TH) 11:56 03/05/2021

Ẩm thực Việt Nam được biết đến với sự đa dạng và hấp dẫn mà bất kì ai cũng phải tấm tắc khen ngợi. Không chỉ vì hương vị mà ngay cả tên gọi của nhiều món ăn cũng là điểm gây ấn tượng và tò mò cho thực khách.

Cái tên khiến nhiều người liên tưởng tới món mầm đá trong 'truyền thuyết' của Trạng Quỳnh - Ảnh: Internet

Sỏi mầm (Hậu Giang): Mới nghe lần đầu tiên, nhiều người sẽ lầm tưởng sỏi mầm là món ăn từ viên sỏi như trong truyện Trạng Quỳnh. Thực chất khi gọi món này, thực khách sẽ được thưởng thức món thịt (lợn rừng) được chế biến theo một cách rất đặc biệt. Người ta dùng 3-4 viên sỏi nung thật nóng để làm chín thịt lợn rừng. Dùng kèm với rau sống, chấm mắm chanh ớt chua ngọt.

Chè bột lọc heo quay, một món ăn rất 'kì', bởi vậy nên cũng kén người ăn - Ảnh: Internet

Chè bột lọc heo quay (Huế): Món ăn khiến nhiều người lần đầu thưởng thức có phần e dè. Chè có thành phần chính là bột lọc nhồi thịt quay, thả vào nước gừng đường như chè trôi nước. Nhiều thực khách thắc mắc rằng: Rốt cuộc đây là món ngọt hay món mặn?

Món ăn khiến thực khách phải 'gật gù' thích thú - Ảnh: Internet

Bánh gật gù (Quảng Ninh): Tên bánh mang nghĩa tượng hình, bởi vì cầm trên tay bánh mềm, dẻo, ngả về nhiều phía như người đang gật gù. Hương vị loại bánh đặc biệt này gần giống bánh phở, nhưng mềm dai hơn nhờ gạo trộn cơm xay nhuyễn cùng nước. Bánh cuốn lại bằng tay, không nhân, chấm nước chấm có hành phi, thịt băm, mắm tiêu, mỡ gà.

Mỗi dịp tết đến, dù nhà giàu hay nhà nghèo, các gia đình người Thái cũng phải có con cá pỉnh tộp để đặt lên bàn thờ tổ tiên - Ảnh: Internet

Pa pỉnh tộp (Tây Bắc): Theo tiếng Thái, pa pỉnh tộp nghĩa là cá gập nướng. Nguyên liệu chính là cá suối, xát muối ướt để khử tanh, mổ dọc sống lưng trôn với các loại gia vị băm nhỏ như mắc khén, gừng, tỏi, sả, hành, ớt… và được nhồi vào bụng cá. Sau đó, cá mang đi nướng trên than hồng. Đây được coi là đặc sản của Tây bắc nói chung và Sơn La nói riêng.

Mỗi lần ăn, thực khách phải 'dằn bụng' vài trăm con mới đã thèm - Ảnh: Internet

Chắt chắt (Quảng Bình): Chắt chắt là loài sinh vật nhuyễn thể thuộc lớp hai mảnh vỏ, khá giống với hến nhưng có kích thước nhỏ hơn. Chúng thường sinh sống ở vùng nước lợ và nước ngọt thuộc Quảng Bình, Quảng Trị. Có lẽ vì không nhiều nơi có nên chắt chắt nghiễm nhiên trở thành một thứ đặc sản nơi đây.

Cơm âm phủ - cái tên khiến nhiều người phải 'lạnh sống lưng' - Ảnh: Internet

Cơm âm phủ (Huế): Với tuổi đời hơn 60 năm, đây là một trong những món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến vừa giản dị lại vừa phảng phất phong cách cung đình Huế. Thông thường cơm trắng sẽ được đặt ở giữa, xung quanh lần lượt là các món rau củ, thịt nướng, trứng tráng, giò lụa và tôm được đặt đối xứng đan xen với nhau… Món ăn sở dĩ có cái tên độc, lạ là do trước đây chúng thường được phục vụ vào ban đêm khuya vắng. Trong các quán ăn chỉ sử dụng một chiếc đèn dầu cháy leo lắt nên khách hàng vui miệng mà gọi tên là cơm âm phủ.


Ấu tẩu dù là độc dược, nhưng được sơ chế kỹ càng sẽ trở thành món ngon đầy bổ dưỡng - Ảnh: Internet

Cháo độc (Hà Giang): Món ăn được chế biến từ củ ấu tẩu là loại củ có độc mọc trên vùng núi cao biên giới phía Bắc. Lượng độc của ấu tẩu nếu nhiều có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu. Để có được bát cháo ấu tẩu sền sệt, thơm lừng, vừa có vị ngai ngái, bùi bùi, lại có chút đăng đắng rồi ngọt lịm nơi cuống họng thì khâu chế biến phải cực kỳ công phu. Thông thường, trước khi nấu, người dân vùng cao Tây Bắc thường ngâm ấu tẩu trong nước gạo đặc, sau đó ninh nhừ khoảng 4 - 5 tiếng cho chất độc tiết ra hết.

Don - hương vị mộc mạc của miền biển - Ảnh: Internet

Món don (Quảng Ngãi): Don thuộc họ nhuyễn thể, hai mảnh vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, dài hơn một phân. Vỏ don thường mỏng hơn các loài ốc khác. Ruột don màu vàng và có những tua hồng bao quanh. Don nằm sâu dưới cát (khoảng 5 phân), mỗi năm chỉ nổi lên một lần với mực nước ngập khoảng một mét. Sau khi cào don về, người ta ngâm, rửa sạch sẽ rồi cho don vào nồi nước sôi, khuấy mạnh và đều tay. Khi don há miệng cũng là lúc phần nước luộc có được tất cả những gì tinh túy nhất. Nước luộc don được cho riêng ra nồi khác, nêm nếm vừa ăn tùy theo khẩu vị của mỗi người. Riêng con don đãi lấy ruột.

Món don đặc sản chỉ gồm một tô nước có màu đùng đục, trong có chứa nhiều con don nhỏ xíu, ít hành tây và một cái bánh tráng gạo nướng.

Món chè quen thuộc của miền Bắc mà các mẹ các bà thường nấu vào các dịp lễ Tết - Ảnh: Internet

Chè kho (Nam Định): Chè kho là một món ăn dân dã đặc sắc và được chế biến rất công phu. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon. Chè khi nấu càng được quấy kỹ và đều tay thì thành phẩm sẽ càng ngon ngọt và để được lâu hơn. 

Hồng Duyên (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe