UBND xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), cho biết đơn vị vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông H.T.L (45 tuổi, ngụ thôn A Rông) vì hành vi tổ chức cho con lấy vợ chưa đủ tuổi kết hôn.

Minh Thư (TH) 11:00 07/08/2023

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, vào ngày 7/8, ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), cho biết đơn vị vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông H.T.L (45 tuổi, ngụ thôn A Rông) vì hành vi tổ chức cho con lấy vợ chưa đủ tuổi kết hôn.

Trước đó, ông L. tổ chức lễ kết hôn cho con trai của mình. Tuy nhiên, UBND xã Lìa phát hiện cô dâu chỉ mới sinh năm 2005. Sau đó, đơn vị này đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt ông L. với số tiền 1,5 triệu đồng vì hành vi trên.

Một trường hợp tảo hôn ở miền núi tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Báo Người Lao Động

 

Theo UBND xã Lìa, năm 2022 tại địa phương này có 8 trường hợp vi phạm tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Thế nhưng, chỉ mới 6 tháng đầu năm 2023, có đến 18 trường hợp vi phạm tảo hôn, tổ chức tảo hôn; trong đó, địa phương này đã xử phạt hành chính 13 trường hợp.

 

Ông Hồ Văn Thứ cho biết để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, xã sẽ tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các trưởng thôn, già làng để tuyên truyền, vận động người dân không tổ chức kết hôn cho con khi chưa đủ tuổi.

Những đứa trẻ người đồng bào thiểu số ở bản làng vùng cao tỉnh Quảng Trị lớn lên trong cảnh thiếu thốn - Ảnh: Báo Lao Động

Theo thông tin từ báo Lao Động, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, vì nhiều lý do, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các huyện miền núi của địa phương vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Đơn cử, tại huyện Hướng Hóa có tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số dân cư trên địa bàn. Hiện nay, tỉ lệ tảo hôn vẫn còn cao, 5 năm trở lại có 692 cặp. Còn ở huyện Đakrông, từ năm 2016 đến tháng 6.2021, toàn huyện Đakrông có có 473 trường hợp tảo hôn và 9 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, việc tuyên truyền, vận động và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn là chính.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn.

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe