Từ cuối tháng 6/2023, chị Hồng nghi là nạn nhân mua bán người, sau khi trở về từ Trung Quốc chưa xác định rõ thân nhân, lai lịch được Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện ở lại và tìm thân nhân.
Theo thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, khoảng cuối tháng 6/2023, một người dân ở TP.Thanh Hóa phát hiện người phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi bắt xe khách từ tỉnh Cao Bằng về TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) không nhớ rõ địa chỉ, nói tiếng Việt không lưu loát đã đưa chị đến Công an TP.Thanh Hóa để được hỗ trợ.
Tại đây, chị Hồng (tên phiên dịch từ tiếng Trung Quốc) trở về từ Trung Quốc, có dấu hiệu nghi vấn là nạn nhân mua bán người, hiện không nhớ được quê quán, chưa xác định rõ thân nhân, lai lịch, đang được Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hoá (Ngôi nhà Ánh Dương) hỗ trợ tìm người thân.
Chị Hồng cho hay, năm 10 tuổi chị bị bán sang Trung Quốc và bị đánh vào đầu, bị thương rất nặng nên không nhớ rõ quê quán. Hiện chị Hồng chỉ nhớ mình là người dân tộc Mông, tên Vàng Tân Hồng, sinh ngày 1/1/2000. Tuy nhiên, nơi đăng ký địa chỉ thường trú trước khi rời Việt Nam chị Hồng ghi "đường cầu Hàm Rồng cũ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa". Về gia đình là mẹ tên Đảng, bố tên Lập, người dân tộc Thái và đã ly hôn; có 2 anh trai, anh đầu tên là Thành. Người bố đã kết hôn lần 2, có 2 người con trai và 1 người con gái...
Ngoài ra, chị Hồng kể tiếp, sau khi bị đưa sang Trung Quốc, chị bị bán cho một người phụ nữ Trung Quốc và ở cùng người phụ nữ này khoảng 1 tháng. Tiếp đó, bị mua đi bán lại cho 2 người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Trong thời gian làm vợ 2 người đàn ông, chị đều bị nhốt vào phòng, bị đánh đập nhiều lần.
Vào khoảng tháng 3 vừa qua, người đàn ông mua chị làm vợ khi đi làm quên khóa cửa, nên chị đã bỏ trốn ra ngoài và cầu cứu một người đàn ông khác. Sau đó, chị được dẫn đến Công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tại đây, sau thời gian giam giữ, tôi được trả về Việt Nam. Khi về qua cửa khẩu, chị không còn nhớ quê mình ở đâu. Chỉ nhớ quê có nhiều ruộng, gần một doanh trại quân đội, đi một đoạn thì có cây cầu và chùa. Trong lúc bị giam cùng một người phụ nữ Việt Nam khác, chị kể cho chị ấy nghe những chi tiết đó, nên chị ấy đoán quê ở tỉnh Thanh Hóa nên chị bắt xe về.
Theo nguồn tin từ báo Thanh niên, ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng phòng tư vấn và chăm sóc đối tượng (Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa), cho biết sau khi tiếp nhận và chăm sóc y tế, chị Hồng đã dần hòa đồng với mọi người. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để >tìm thân nhân cho chị Hồng. Nếu sau 3 tháng vẫn chưa tìm được, trung tâm sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Qua nắm bắt thông tin, Hội LHPN TP Thanh Hóa đã đến thăm, động viên và tặng quà cho nạn nhân. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã có văn bản báo cáo với Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về trường hợp nêu trên. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị trực thuộc chia sẻ thông tin, hình ảnh lên Fanpage, Zalo của các đơn vị để hỗ trợ tìm kiếm thông tin thân nhân gia đình cho nạn nhân.