Người dân sống ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ,... và tại các tòa nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội cũng cảm nhận được rung lắc từ dư chấn của trận động đất này.
Theo thông tin từ báo Nhân Dân, vào hồi 1 giờ 5 phút 35 giây (giờ GMT) ngày 25/3 tức 8 giờ 5 phút 35 giây (giờ Hà Nội) ngày 25/3, một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.770 độ vĩ bắc, 105.720 độ kinh đông).
Độ sâu chấn tiêu khoảng 16km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Hiện, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Cũng trong ngày 25/3, đã có liên tiếp 2 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Theo đó, vào 3 giờ 54 phút 40 giây (giờ Hà Nội) ngày 25/3, một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.944 độ vĩ bắc, 108.254 độ kinh đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Vào 5 giờ 57 phút 18 giây (giờ Hà Nội) ngày 25/3, một trận động đất có độ lớn 3.7 tiếp tục xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.957 độ vĩ bắc, 108.237 độ kinh đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Hai trận động đất đều xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, TS Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, dù không nằm trong vành đai động đất Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines nhưng trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều khu vực có đứt gãy hoạt động mạnh. Đáng quan tâm nhất là Tây Bắc, nơi đây có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Hà Nội và các khu vực lân cận nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, theo số liệu của Viện Vật lý địa cầu, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285.