Ông Kiều Đăng Cường, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thạch Thất, cho biết em V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng là nạn nhân của vụ việc bị đánh hội đồng hiện vẫn đang cần sự hỗ trợ về mặt tâm lý và sức khỏe.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, chị Kiều Thị Mai, mẹ em Vũ Văn Tuấn K. (nam sinh bị nhóm bạn cùng trường bạo hành dẫn đến sang chấn tâm lý), cho biết sau hơn 1 tháng điều trị, K. vẫn chưa có tiến triển, chưa thể lấy lại được nhận thức như ban đầu.
Chị Mai cho biết thêm, gia đình đưa K. đi điều trị tại Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH), do Trung tâm Công tác xã hội và quỹ bảo trợ trẻ em giới thiệu. "Lúc tỉnh táo, K. nhận ra cha mẹ nhưng sau đó lại chóng quên, rơi vào trạng thái mất ý thức và thường xuyên bảo tất cả mọi người là "côn đồ", chị Mai nói, và cho hay, khi nóng giận, K. hay ném đồ đạc nên gia đình đã xác định tinh thần con trai bị tâm thần vĩnh viễn.
Người mẹ chia sẻ thêm, gia đình chị được bác sĩ động viên phải điều trị cho K. lâu dài mới có thể hồi phục nên rất lo lắng. Ngoài ra, số tiền khổng lồ từ việc điều trị bên ngoài (2 buổi/tuần với chuyên gia tâm lý) cũng là vấn đề đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn như nhà chị Mai.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Công Dực, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, cho hay đến nay em K. vẫn phải tạm nghỉ học tại trường để điều trị. Trước đó, K. có đi học vài hôm nhưng >sức khỏe chưa đảm bảo.
Trước ý kiến của gia đình cho rằng các gia đình của những học sinh bạo hành em K. yêu cầu phải đưa hết giấy tờ khám chữa ra và chi trả đúng số tiền ghi trên giấy khám, ông Dực cho hay, thực tế ông vẫn đang đồng hành từ cam kết của UBND xã Đại Đồng đứng ra giải quyết. Theo ông Dực, bước đầu, gia đình các em học sinh đánh K. đã đưa hơn 50 triệu để gia đình em K. lo điều trị cho em.
Theo thông tin từ báo Dân Trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, chưa đề cập đến nguyên nhân tại sao nhóm học sinh này lại có hành động >bạo lực học đường nhưng rõ ràng hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của nhà trường. Do đó, cơ quan có thẩm quyền và nhà trường cần phải kịp thời xác minh, làm rõ để có những biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho em K. và gia đình.
Hành vi bạo lực học đường là hành vi gây thương tích có chủ đích với người khác, hành vi này gây tổn thương về mặt thể chất và tinh thần của nạn nhân, từ đó, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách sau này của nạn nhân. Người thực hiện hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý hình sự về Tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi bạo lực học đường.
Tuy nhiên, nhóm học sinh đánh hội đồng em K. đều là các em học sinh lớp 7, trong độ tuổi từ 12-13 tuổi. Căn cứ theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, người phạm tội dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội do mình gây ra.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 90, Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020, người từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm thì có thể áp dụng biện pháp giáo dục sau: Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.
Do đó, để xác định hành vi của những học sinh này có bị áp dụng các biện pháp giáo dục hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả giám định tâm thần đối với em K. theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT - BYT. Kết quả này nhằm xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do hành vi của các học sinh này có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, từ đó, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Về trách nhiệm dân sự, với hành vi cố ý đánh cháu K. thì buộc cha, mẹ của những học sinh này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do con mình gây ra theo Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015. Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, theo đó, chí phí mà cha, mẹ của những học sinh này phải bồi thường bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Tuy nhiên các chi phí này cần phải có các biên lai, giấy tờ chứng minh.
Bên cạnh đó, cha mẹ của những học sinh này còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần của cháu K.. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần có thể do hai bên gia đình thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên gia đình không thể thỏa thuận được thì cha, mẹ của những học sinh này phải bồi thường là 50 lần mức lương cơ sở (theo Nghị quyết 69/2022/QH15, mức lương cơ sở hiện nay được quy định là 1,8 triệu đồng/tháng).
Trường hợp gia đình cháu K. không nhận được các khoản bồi thường chính đáng theo luật định, có thể khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu các gia đình của các học sinh có hành vi bạo lực học đường thực hiện thanh toán các khoản chi phí bồi thường do thiệt hại về sức khỏe cho cháu K. theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, gia đình cháu K. cần phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc giám định thương tích, giấy khám sức khỏe… của cháu K. kèm theo đơn khởi kiện gửi đến Tòa để làm căn cứ.