Chị Bích Ngọc, ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM nhận tin con một người bạn ở xa của mình chết đuối ở hồ bơi.

Minh Thư (TH) 10:56 24/08/2023

Trước đó, theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, chiều 22/8, lớp 9A1 (gồm 27 học sinh) của Trường phổ thông Quốc tế Việt Nam (phường Dương Nội, quận Hà Đông) có tiết bơi lội từ 13h20 đến 14h, do thầy giáo Trần Lâm Thắng phụ trách.

Khoảng 13h20 cùng ngày, giáo viên Thắng tập trung học sinh lớp 9A1 tại khu vực trước cửa bể bơi để chuẩn bị cho tiết bơi lội. Giáo viên Thắng cho học sinh khởi động khoảng 10 phút sau đó chia một nhóm tự hoạt động thể thao tại khu vực sân trường, một nhóm gồm 11 học sinh do giáo viên Thắng trực tiếp dẫn vào bể bơi để thực hành bơi lội. Sau khi dẫn học sinh vào bể bơi, giáo viên Thắng không phổ biến, hướng dẫn mà ngồi ở ghế đầu bể bơi, để cho các em học sinh tự do xuống bể bơi thực hành.

Bể bơi của Trường phổ thông Quốc tế Việt Nam - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Quá trình này, giáo viên Thắng không quản lý, giám sát, mà chỉ ngồi một vị trí và thường xuyên sử dụng điện thoại di động. Vì vậy, thầy giáo này đã không phát hiện việc học sinh P.H.A. (15 tuổi, trú Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuống bể bơi nhưng không bơi, mà chỉ đi bộ.

 

Khi học sinh A. đi đến đoạn qua dây phao ngăn cách độ sâu 1,2m và 1,55m thì không đi được nữa, rồi vùng vẫy liên tục trong khoảng 3 phút trước khi bị chìm.

Sau khi cháu A. bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên Thắng vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, khoảng 20 phút sau thì gọi và yêu cầu các em học sinh lên bờ rồi cho lớp tự giải tán.  Lúc này vẫn chưa ai phát hiện cháu A. bị chìm.

Đến 14h06, anh Hà Văn Xuân - nhân viên vệ sinh của bể bơi - trong lúc dọn vệ sinh bể bơi thì bàng hoàng phát hiện cháu A. nằm bất động dưới đáy bể, khu vực mực nước sâu 1,55m.

Lúc này, anh Xuân cùng một số giáo viên trong trường đưa cháu A. vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu. Cơ quan chức năng xác định cháu A. đã tử vong ngoại viện.

Một buổi học bơi của học sinh ở TPHCM - Ảnh: Báo Dân trí

Theo thông tin từ báo Dân trí, chị Bích Ngọc, ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM nhận tin con một người bạn ở xa của mình chết đuối ở hồ bơi. Nhiều ngày sau vẫn chưa bớt nguôi ngoai thì nay chị lại đọc tin, học sinh lớp 9 ở Hà Nội tử vong ở hồ bơi trường quốc tế. 

Chị Ngọc kể, từ nhiều năm trước, chị đã từ chối cho con học bơi dưới mọi hình thức từ trải nghiệm của bản thân chị.  Người mẹ cho hay, khi đó, chị thường đưa con ra hồ bơi sát nhà. Tại đây, chị chứng kiến trẻ học bơi qua hình thức bố mẹ đăng ký hoặc học sinh được các trường đưa đến học. 

Chị mô tả, một người dạy bơi có thể cùng lúc kèm 4-5 trẻ hoặc hơn. Các em mới học mặc áo phao, khi đã biết bơi sơ sơ thì bỏ áo phao. Vấn đề đáng ngại nhất là hồ bơi thường rất đông, người dạy không dễ quan sát mọi lúc mọi nơi những đứa trẻ mình kèm.

"Tôi từng chứng kiến cảnh thầy dạy bơi hoảng loạn tìm học trò 5 tuổi vì không thấy em này đâu. Một lúc lâu sau, họ mới phát hiện cậu bé đang chơi với bạn ở khu cầu trượt chỗ hồ bơi trẻ em", chị cho biết. 

Còn học sinh đến học bơi theo lớp, theo trường thường học ngay trong tuần, giờ thấp điểm lúc hồ vắng vẻ hơn. Mỗi lớp hàng chục học sinh, có nơi tổ chức cùng lúc nhiều lớp, các em được chia theo nhóm để học. 

Theo quan sát của chị Ngọc, các em xuống hồ chơi là chính, học không hiệu quả. Chưa kể việc giám sát được tất cả các em là cả vấn đề.  Thấy rõ những bất ổn này nên từ nhiều năm trước, khi trường con tổ chức học bơi cho học sinh, chị Ngọc từ chối không để con tham gia. 

Sau đó, chỉ khi đã tìm được giáo viên 1 kèm 1 và học tại hồ bơi vắng người, chị mới đăng ký cho con theo học và luôn có bố mẹ giám sát. Vợ chồng chị còn thống nhất nguyên tắc, đưa con đến hồ bơi, bố mẹ tuyệt đối không cầm điện thoại, không rời mắt khỏi con.  Ngoài ra, chị thường chọn cho con những trang phục bơi như quần áo bơi, kính, mũ có màu sắc, kiểu dáng khác biệt, nổi bật để có thể dễ dàng quan sát con khi bơi.  Rất nhiều lần chị nói với bạn bè, người thân, việc bơi lội của con nhất định phải do chính bố mẹ giám sát.

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe