Điều đáng nói ở vụ việc thương tâm lần này chính là nạn nhân tự tìm cách trốn thoát về quê điều trị, sau đó mới quay lại trình báo chính quyền. Vậy thời gian cô gái bị hành hạ hàng xóm có nghe được tiếng quát mắng hay rên la?
Theo thông tin từ báo Dân Trí: Ngày 30/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức, TPHCM, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt giam ông Nguyễn Thanh Đức (SN 1983) và bà Nguyễn Thị Thu Vân (SN 1989, vợ Đức) về tội Hành hạ người khác.
Theo cảnh sát, vợ chồng Đức bị cáo buộc nhốt, hành hạ và đánh đập chị P.T.T.H. (22 tuổi, quê Phú Yên) gãy nhiều xương sườn.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động: Đáng nói, sự việc diễn trong nhiều ngày và chỉ kết thúc khi nạn nhân tìm được cách trốn về quê, nhập viện điều trị rồi quay trở lại tố cáo những kẻ xuống tay với mình.
Đức, Vân bị bắt tạm giam về tội Hành hạ người khác. Khung hình phạt của tội danh này thấp hơn so với Cố ý gây thương tích nhưng nó mang tới sự hình dung về cái ác được tiến hành, lặp đi lặp lại. Lần nào cũng dai dẳng, đầy thù hằn.
Đặt câu hỏi tại sao người với người mà đối xử dã man với nhau có lẽ hơi thừa, vì nó luôn là kết quả của tính ích kỷ hậm hực, ganh ghét, nóng nảy được tiếp tay bởi sự khiếm khuyết trong tiếp nhận giáo dục.
Tuy nhiên, đặt câu hỏi lý do gì mà thời gian bị hành hạ ấy, giữa những tiếng quát mắng hay rên la vì đau đớn mà hàng xóm của vợ chồng kia không mảy may hay biết để trình báo công an… thì hợp lý hơn. Họ bận rộn với cuộc sống bản thân, ngôi nhà diễn ra việc phạm pháp kín cổng cao tường hay mối quan tâm giữa những láng giềng, từng được ví như sợi dây gắn kết cộng đồng, đang dần phai nhạt, nhà nào biết nhà nấy?
Và người thân của H., họ không được H. gọi điện kể hay không liên lạc trong nhiều ngày nên không rõ tình cảnh của con gái?... Ở khả năng nào thì sự chủ quan dẫn tới "giao trứng cho ác" cũng rất đáng tiếc.
Xã hội ngày nay không chấp nhận bạo lực có mặt trong những mối quan hệ, đặc biệt là giữa những người quen biết nhau. Với việc bị tạm giam, 2 bị can Vân, Đức đang trả giá cho hành vi có phần lạm dụng bạo lực. Xử lý nghiêm khắc nhằm tạo sự răn đe cần thiết là điều bất cứ ai thượng tôn pháp luật chờ đợi.
Bên cạnh đó, hồi chuông báo động về lối sống thiếu gắn kết, thái độ bàng quan của không ít người đang xuất hiện khá nhiều hiện nay, cũng cần được gióng lên...