Khi cháu Ng.H.Đ. đang chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật thì xảy ra mâu thuẫn với cháu K.. Sau đó, cháu K. đã bỏ về và gọi anh trai và bố ra sân chơi để tìm gặp em Đ. Tại đây, cháu K. và anh trai đã đánh cháu Đ. bất tỉnh tại chỗ.

Minh Thư (TH) 11:45 27/03/2024

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, vào ngày 17/3, khi con chị đang chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật thì xảy ra mâu thuẫn với cháu K. (12 tuổi).

Ngay sau đó, cháu K. đã bỏ về và gọi anh trai (16 tuổi) và bố ra sân chơi để tìm gặp em Đ. Tại đây, cháu K. và anh trai của K. đánh cháu Đ., khiến Đ. bất tỉnh tại chỗ.

Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật. Do cháu Đ. bị tổn thương quá nặng, nên sự sống của cháu gần như không còn, sức khoẻ của nạn nhân được duy trì từng ngày bằng máy thở.

Đến ngày 27/3, liên quan đến "vụ cháu bé lớp 8 bị đánh dẫn đến chết não tại Hà Nội", trao đổi với chúng tôi, chị Ng.L.A (SN 1985, trú tại quận Long Biến, Hà Nội) cho biết, gia đình đã chuyển Đ. từ Bệnh viện 108 về Bệnh viện đa khoa Tỉnh Phú Thọ để tiếp tục duy trì sự sống những ngày còn lại của cuộc đời.

Nam sinhlớp 8 bị đánh chấn thương sọ não sau khi chơi bóng rổ về Phú Thọ - Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

 

Theo thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, tiến sĩ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: Có lẽ khi tiếp cận thông tin này thì bất kỳ phụ huynh nào cũng rất bàng hoàng, lo lắng cho sự an nguy của con em mình và thương cho nạn nhân trong vụ việc này. Đây là một sự việc rất đau lòng và rất nguy hiểm, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng, nỗi đau có thể sẽ dai dẳng với gia đình nạn nhân.

"Vấn đề trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm trong công tác quản lý cần phải được xem xét thận trọng, đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật làm căn cứ xử lý đối tượng vi phạm và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên", luật sư Cường nhấn mạnh..

Theo ông Cường, pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, >sức khỏe của mọi công dân, hành vi xâm phạm trái pháp luật đến sức khỏe, tính mạng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Trong vụ việc này, với thông tin ban đầu cho thấy nạn nhân đã bị đánh hội đồng đến mức bất tỉnh, chết não thì mới được buông tha. Rất có thể các đối tượng đánh đập nạn nhân tưởng nạn nhân đã chết nên mới dừng tay. Điều đáng chú ý là với hành vi đánh hội đồng nghiêm trọng như vậy mà không ai phát hiện can ngăn, cứu giúp là vấn đề thực sự đáng lo ngại trong xã hội hiện nay.

Cơ quan chức năng chưa xác định làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi đánh người được thực hiện như thế nào, hành vi đánh hội đồng cháu bé lớp 8 (14 tuổi) đến mức nạn nhân chết não không còn có khả năng kháng cự và rơi vào tình trạng sống thực vật như vậy thì rõ ràng hành vi của các đối tượng trong vụ việc này là rất man rợ, đánh đập một cách tàn bạo không khác gì đánh kẻ thù và thể hiện ý thức coi thường pháp luật.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, xâm phạm quyền trẻ em, quyền con người, quyền công dân và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ danh tính của các đối tượng đã thực hiện hành vi đánh nạn nhân và xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cháu Đ. đang nằm điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy các đối tượng thực hiện hành vi đánh cháu bé lớp 8 này đã từ đủ 14 tuổi trở lên, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự thì các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc giết người tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả có thể xảy ra. Điều 12 Bộ luật hình sự quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Nếu các đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và hậu quả được xác định là rất nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ xem xét động cơ mục đích đánh người có nhằm mục đích là để sát hại nạn nhân hay không, hành vi có thể dẫn đến chết người hay không (với hành vi như vậy nạn nhân có thể tử vong hay không?) là căn cứ để xác định hành vi này sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích hay tội giết người.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy các đối tượng có mục đích sát hại nạn nhân hoặc hành vi có thể dẫn đến nạn nhân tử vong, các đối tượng này nhận thức được hành vi của mình có thể tước đoạt trái pháp luật tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi (như dùng hung khí nguy hiểm đánh vào đầu nạn nhân, đập đầu nạn nhân xuống đường hoặc dùng hung khí vụ nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra), nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời thì sẽ xử lý các đối tượng này về tội giết người theo quy định tại điều 123  Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại án lệ số 47/2021/AL. Hình phạt trong trường hợp này có thể là tù chung thân, tử hình đối với các đối tượng phạm tội đã từ đủ 18 tuổi và có thể tới 18 năm tù đối với các đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy các đối tượng này không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, không có mục đích sát hại nạn nhân và hành vi không dẫn đến chết người thì các đối tượng này chỉ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật hình sự nếu các đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 12 của Bộ luật hình sự.

 

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe