Sau khi giáo viên bị tạm giam, sự quan tâm của dư luận đang được dành cho ông L. Nhiều người đặt câu hỏi với việc bỏ quên bé trai trên ô tô, lái xe này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.

Minh Thư (TH) 15:37 31/05/2024

Vào ngày 30/5, theo thông tin từ báo Người Lao Động, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phương Quỳnh Anh, giáo viên trường mầm non Hồng Nhung, về tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự

 

Công an tỉnh Thái Bình cho biết căn cứ kết quả điều tra, ngày 30/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phương Quỳnh Anh (SN 1986, trú tại thôn Phúc Hạ, xã Vũ Phúc, TP Thái Bình), là giáo viên trường mầm non Hồng Nhung 2, địa chỉ tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình, về tội "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự.

Lễ tang của cháu T.G.H được tổ chức tại nhà tang lễ TP.Thái Bình - Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

Theo thông tin từ báo Dân trí, từng giữ vai trò kiểm sát trong nhiều vụ án hình sự, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá vụ việc thể hiện sự cẩu thả, tắc trách của những người đưa đón học sinh. Những nguyên tắc cơ bản khi đưa đón học sinh đã không được thực hiện chuẩn chỉ dẫn tới hậu quả vô cùng đáng tiếc, gây ra nỗi đau khó lòng nguôi ngoai cho gia đình nạn nhân cũng như tạo ra làn sóng phẫn nộ lớn trong xã hội. 

Dưới góc độ pháp lý, ông Thắng cho rằng với những dữ liệu hiện được công an cung cấp, việc khởi tố, bắt tạm giam bị can Quỳnh Anh là động thái tố tụng kịp thời, phù hợp, thể hiện sự khẩn trương và quyết liệt của cơ quan công an trong giải quyết vụ việc. Ngoài trách nhiệm của giáo viên đưa đón, vai trò của lái xe ô tô trong vụ việc cũng sẽ là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. 

"Về nguyên tắc nghề nghiệp của lái xe dịch vụ, khoản 2, Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP có quy định về việc đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình cũng như tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe. Đối với người điều khiển phương tiện, Điều 4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định người lái xe dịch vụ sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe. 

Như vậy, về nguyên tắc hành nghề được pháp luật hướng dẫn, lái xe dịch vụ trước khi rời đi phải có trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo không còn hành khách trên xe. Trường hợp này, cơ quan công an sẽ làm rõ việc ông L. đã tuân thủ nghiêm chỉnh, đầy đủ các nguyên tắc nêu trên hay chưa, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế này", luật sư phân tích. 

Nếu kết quả thu thập lời khai cho thấy ông L. đã tuân thủ các nghĩa vụ, quy tắc nghề nghiệp, cơ quan công an sẽ cần làm rõ lý do vì sao bé trai vẫn bị bỏ quên trên xe. Nguyên nhân H. ở lại trên xe là do lỗi của ông L. do chủ quan, cẩu thả (VD: Kiểm tra xe không kỹ, để bé ngủ thêm trên xe nhưng sau đó quên mở cửa đón bé...) hay có sự can thiệp, tác động của người thứ 3 trong vụ việc này hay không. 

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy tài xế này không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hành nghề, dẫn tới hậu quả thương tâm, cơ quan công an sẽ xem xét trách nhiệm của ông L. về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Trích dẫn quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, vị luật sư cho biết người nào vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính dẫn tới vô ý làm chết người có thể bị xử lý về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Khung hình phạt cơ bản đối với tội danh này là 1-5 năm tù cùng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.  

Chiếc xe đưa đón học sinh do ông L. điều khiển - Ảnh: Báo Dân trí

Về trách nhiệm dân sự, tùy thuộc vào yếu tố lỗi và mức độ nghiêm trọng mà hành vi vi phạm pháp luật gây ra, những người bị quy kết trách nhiệm hình sự trong vụ án này còn phải liên đới bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho gia đình cháu H. Căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm các khoản sau: 

Thiệt hại do >sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015;

Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, gia đình bị hại còn được quyền yêu cầu một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, trong trường hợp không thể thỏa thuận thì tòa án có thể phân xử và cho phía bị hại được hưởng mức tối đa bằng 100 lần mức lương cơ sở, tức 180 triệu đồng.

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe