Qua lời kể của người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, cụ Lê Thị Dinh, người vừa qua đời cách đây ít ngày, cuộc sống của các cung nữ chốn hậu cung "thâm sâu" hiện lên với nhiều buồn khổ. Bà Dinh cho biết, chỉ một số điều bà công khai thôi, vẫn còn vô số những điều bí ẩn khác bà sẽ gói ghém giữ nguyên trong lòng, mang theo sang thế giới bên kia.
Theo các nhà nghiên cứu, cụ Lê Thị Dinh có xuất thân là dòng dõi nhà quan. Cụ là cháu ngoại của Quận công Ưng Quyến (em trai ba vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh), vị hoàng tử duy nhất không làm vua trong thời kỳ đầy bão tố "tứ nguyệt tam vương" (4 tháng 3 vua) của triều đình nhà Nguyễn.
Chồng bà Lê Thị Dinh là ông Nguyễn Như Đào, một lái xe của vua Bảo Đại.
Năm lên 8 tuổi, bà Dinh đã được gọi vào cung phục vụ bà Thánh cung hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh và bà hoàng thái hậu Từ Cung, vợ của vua Khải Định. Vào cung được 3 năm, bà được phân công hầu cận cho Nam Phương Hoàng Hậu (vợ của vua Bảo Đại).
"Ngày đó, được tuyển chọn vào cung làm cung nữ là một vinh dự, hạnh phúc. Bởi trong mắt người dân thường, cung nữ là người có địa vị cao vì được phép ra vào nơi vua ở, được thấy mặt vua, thấy mặt mẹ vua”, bà Dinh kể lại.
Năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị. Bà Dinh là một trong những người hiếm hoi được dự lễ thoái vị của vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Do có dòng dõi quý tộc nên cụ chính là người trực tiếp lo hương khói cho các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định và sau này là Bảo Đại.
Trong các cuộc trả lời báo chí, cụ đã không ngại ngần tiết lộ nhiều >chuyện về các cung nữ nơi thâm cung bí ẩn.
Theo lời kể của bà, các cung nữ trong cung có cuộc sống vô cùng vất vả, họ nhất nhất phải tuân theo những phép tắc, luật lệ hà khắc của cung đình, làm việc hết mình và tận tụy, chỉ làm sai một chút thôi họ có thể phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.
Việc hầu cận các bậc vua chúa yêu cầu các cung nữ phải luôn túc trực ở bên. Họ tuyệt đối bị cấm ăn cơm hay vệ sinh cá nhân trong cung vua. Phải đợi đến khi có người đến thay, thì họ mới được về nơi ở của họ giải quyết nhu cầu cá nhân, sau đó lại quay lại làm việc.
Ngày thường, sau khi xong hết việc, các cung nữ thường được bố trí vài người trong một phòng. Theo lời bà Dinh, có một dãy nhà cuối hậu cung, cứ năm người cung nữ chung một phòng. Ngày làm việc vất vả, tối đến, các cung nữ cùng hàn huyên chia sẻ buồn vui.
Họ cứ sống những ngày tháng cô đơn vậy cho đến ngày rời cung. Tuy nhiên, tuyệt đối không người nào có ý định tư tình, hay là điều gì sai trái, bởi những quy định cực kỳ hà khắc của chốn cung đình. Vào cung từ lúc 8, 10 tuổi, khi ra khỏi cung thì cũng đã ngoài 30 tuổi, quá lứa lỡ thì, nên phần lớn họ đều sống đơn độc vậy suốt cả quãng đời còn lại.
Với các bậc vua chúa thì ngược lại, cuộc sống vô cùng sa hoa, sang trọng. Sáng và tối, họ luôn rửa mặt bằng nước ngâm các loại hoa, thơm mát và thanh khiết hoặc loại nước được nấu từ sả tươi hay vỏ bưởi.
Mỗi khi đến bữa ăn, chính bà Dinh và hai cung nữ nữa phải đi kiểm tra lần cuối các món ăn, đảm bảo ngon, hợp khẩu vị và nhất là đề phòng việc hạ độc. Món ăn được dọn lên bàn theo kiểu phương Tây, mỗi món để trong một dĩa nhỏ.
"Thân phận của cung nữ chúng tôi thời đó cũng như những ‘nô lệ hạng sang'. Sướng hay khổ là do những người có quyền tước, chức vị quyết định", bà Dinh cho biết.
Ngày 21/2/2021, bà Dinh đã ra đi tại Huế, hưởng thọ 102 tuổi. Những câu chuyện của người cung nữ cuối cùng của >triều Nguyễn sẽ được để lại cho hậu thế muôn đời, giúp mọi người hình dung rõ nét nhất cuộc sống của triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta.