Nhiều bạn trẻ đắn đo nên về quê ăn Tết hay chọn đi du lịch, ở lại thành phố khi đây là dịp "chính đáng" nhất để có thể gác lại công việc bộn bề và về với gia đình, người thân.
Không đi đâu bằng trở về nhà
Tính từ lúc bắt đầu học đại học đến khi tốt nghiệp, đi làm, chị Đỗ Hoài Thương (30 tuổi, ở Lào Cai) đã ở Hà Nội hơn 10 năm. Trong 10 năm này, số lần chị về quê thăm gia đình đếm trên đầu ngón tay.
"Nhiều lúc áp lực, buồn bực trong cuộc sống chỉ muốn chạy về nhà. Nhà có thể nhỏ, có thể không đẹp nhưng vẫn là nhà, là nơi an yên nhất trên đời. Ở nhà mới có thể cho phép bản thân được ngây thơ", chị Thương tâm sự.
Tết Dương lịch 2023 vừa qua, chị Thương chọn ở lại Hà Nội để hoàn thành công việc. Những cuộc gọi video call chóng vánh khiến nữ nhân viên văn phòng luôn cảm thấy có lỗi với bố mẹ. Khi công việc đã ổn hơn, chị Thương đếm ngược từng ngày để trở về quê đón Tết.
"Gần đây, bố mẹ tôi gọi điện liên tục hỏi bao giờ mới về làm tôi càng háo hức hơn nữa. Với tôi không đâu bằng được đón tết ở nhà của mình. Tôi rất thích những ngày trước tết, đó là không khí vui nhất khi tôi đưa mẹ đi sắm đồ dùng Tết, còn bố thì lo việc dọn dẹp nhà cửa. Không khí ấm áp lắm cho nên với tôi về quê đón tết là lựa chọn đầu tiên và không bao giờ thay đổi", chị Thương nói.
Những năm trước, ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến cuộc sống gia đình chị Đoàn Phương Nga (Thái Nguyên) bị xáo trộn. Chị gái chị Nga là nhân viên y tế, luôn phải trực tại trạm y tế để phòng, chống dịch COVID-19.
"Người dân về quê nghỉ Tết rất đông nên chị gái tôi phải trực gần 24/24 ở trạm để test COVID-19, phòng chống dịch bệnh. Hai con của chị gửi cho tôi và bố mẹ tôi chăm nom giúp. Mọi năm, anh chị đưa các cháu về thăm gia đình ngoại vào mùng 2 Tết Âm lịch, cả nhà quây quần ấm áp. 2 năm vắng bóng chị, bố mẹ tôi cũng cảm thấy không đủ đầy", chị Nga tâm sự.
Áp lực với công việc cuối năm, chị Nga không có thời gian nghỉ ngơi vào cuối tuần nhưng nghĩ đến ngày trở về nhà, chị cũng cảm thấy bồi hồi không thôi. Ngày xách hành lý lên xe về quê được chị khoanh tròn trên lịch để bàn. Chị dự định sẽ trở về nhà vào ngày chiều ngày 27 Tết Âm lịch để cùng mẹ đi chợ, sắm đồ dùng cho những ngày Tết.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hoàng Phương Nam (Thái Bình) cũng chọn trở quê. Với anh, đoàn tụ gia đình những ngày Tết là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong một năm.
Là giáo viên dạy Lịch sử của một trường tiểu học tư thục trên địa bàn TP. Hà Nội, anh Nam luôn trân trọn những giá trị cổ truyền của dân tộc. Hơn thế, với những người sống trong cảnh xa quê như anh Nam, bữa cơm có đủ các thành viên trở thành điều xa xỉ.
"Với những người đi làm xa quê như chúng tôi, Tết đến chỉ mong được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Đó là khoảng thời gian quý báu để tôi tận hưởng thật trọn vẹn kỳ nghỉ cùng gia đình và cũng cho mình thời gian để nghỉ ngơi, lấy sức làm việc cho năm mới”, anh Nam bày tỏ.
Tết là sum họp, đoàn viên
Thời điểm này, nhiều gia đình lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, mong từng ngày đón con cháu về quê sum vầy đón Xuân. Cùng đó, nhiều người con xa quê cả năm chỉ mong ngày Tết đoàn viên cùng gia đình.
Cứ gần Tết, bố mẹ lại vẫn hỏi câu hỏi cũ: “Tết về không con?”. Rồi ông bà lại nhắc: “Đừng mua gì tốn kém con nhé, con về là được rồi”...
Không khó để mỗi chúng ta có thể trở về trong năm, vừa đỡ cảnh chen chúc lại chi phí rẻ hơn. Nhưng để gia đình đông đủ đoàn tụ với nhau, có lẽ không đâu bằng Tết.
Ngày thường, rất hiếm khi tất cả các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ. Chỉ có ngày Tết, mọi người trong gia đình mới có cơ hội để quây quần bên nhau, cùng ăn cơm và cùng hàn huyên tâm sự, sẻ chia với nhau những buồn vui sau cả một năm xa cách.
Do vậy, Tết là ngày của sự đoàn tụ, để mọi người trở về với gia đình của mình.
Khi xa quê, hai chữ “gia đình” sẽ trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết khi ta được trở về cha mẹ, người thân yêu, được tận hưởng không khí đoàn viên vào ngày Tết.
Đối với bố mẹ, Tết chỉ thực sự bắt đầu khi con cái trở về nhà. Tết là lúc hai từ "sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Bữa cơm gia đình ngày Tết trở thành kỷ niệm mà mỗi người luôn mang theo, trở thành hành trang trong lao động, học tập.
Tục ngữ có câu: "Người có quê trở về quê, không có quê thì tha hương tiến bước". Thực ra, với chúng ta mà nói, về quê ăn Tết từ lâu đã trở thành một loại tín ngưỡng. Nhà là nơi mà khi bạn gặp khó khăn hay vui vẻ cũng sẽ muốn được trở về. Nhà là nơi lúc nào cũng có người trông đợi bạn trở về.