Nhắc đến "vua bột ngọt" chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến ông Trần Thành - ông chủ thương hiệu bột ngọt Vị Hương Tố.
Những năm 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn nổi lên một vị đại gia tài giỏi khiến bao người ngưỡng mộ có tên là Trần Thành. Ông được mệnh danh là "vua bột ngọt" Sài Gòn - một doanh nhân người Việt gốc Hoa. Ông là chủ của hãng bột ngọt Vị Hương Tố được sản xuất trong nước, đánh bại nhiều nhãn hiệu bột ngọt đình đám của nước ngoài thời bấy giờ.
Để đạt được địa vị khiến người người kính nể như vậy, ít ai biết Trần Thành đã phải trải qua không biết bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn. Từ hai bàn tay trắng, ông vươn lên sản nghiệp khổng lồ. Xuất thân của ông trong gia đình nghèo khó rồi cùng cha mẹ di cư sang Việt Nam từ thuở nhỏ. Sau đó, Trần Thành được một ông chủ họ Trịnh thu nhận vào làm công tại một cơ sở sản xuất dầu thực vật. Cơ sở này chuyên thu mua đậu nành, đậu phộng, đem về ép, rồi chế biến thành dầu ăn, bán ra thị trường.
Công việc đầu tiên của Trần Thành trong cơ sở này là cọ rửa các thùng chứa, một loại lao động phổ thông, không cần trình độ, do đó đồng lương cũng chẳng là bao. Nhưng đối với hoàn cảnh của Trần Thành lúc bấy giờ, như thế đã là hạnh phúc.
Dù vất vả nhưng cậu thanh niên Trần Thành ngày ấy không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Tuy hết giờ làm nhưng Trần Thành luôn vui vẻ phụ giúp người khác làm thêm những phần việc không thuộc trách nhiệm của mình, như quét dọn cơ xưởng, góp nhặt các nguyên vật liệu rơi vãi, sắp xếp ngăn nắp dụng cụ… Chính vì thế mà chẳng bao lâu ông ta đã chinh phục được cảm tình của nhà chủ, được giao hết khâu vệ sinh nhà xưởng. Được tin dùng, Trần Thành càng tỏ ra năng nổ hơn nữa.
Thời gian sau, Trần Thành được ông chủ Trịnh cho đi thu mua nguyên liệu ở nông thôn các tỉnh miền Tây. Từ một người lao động chân tay, suốt ngày ru rú ở một góc tối tăm trong xưởng, ông bước ra xã hội rộng lớn bên ngoài và làm quen với việc kinh doanh. Điều này đã mở rộng tầm mắt, giúp ông quyết tâm học hỏi ở trường đời và tích lũy vốn sống vô cùng quý báu cho sự nghiệp làm ăn sau này.
Dưới sự quản lý của Trần Thành, việc làm ăn của xưởng phất lên nhanh chóng. Ông chủ quyết định trang bị máy móc hiện đại, mở thêm hệ thống đại lý bán hàng đi các tỉnh. Lúc này Trần Thành đã lập gia đình và cũng đã tích lũy được một số vốn.
Ông chủ giúp đỡ Trần Thành gây dựng sự nghiệp bằng cách cho vay thêm vốn và giao cho thầu trọn toàn bộ hệ thống thu mua. Khi có tiền và kinh nghiệm, Trần Thành đầu tư số vốn lớn thành lập một hãng sản xuất dầu ăn lớn và hiện đại nhất miền Nam thời đó.
Sự nghiệp và tài sản của Trần Thành tăng nhanh theo tốc độ phi mã, không chỉ hoàn vốn cho ông chủ Trịnh mà còn thâu tóm mọi nguồn hàng của ngành nghề này. Cơ ngơi vững chắc, Trần Thành được đà mở rộng hướng kinh doanh và mặt hàng sản xuất. Đầu óc nhạy bén của Trần Thành đã nghĩ ngay đến bột ngọt - một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình.
Vào thời điểm đó, ở miền Nam còn phải dùng bột ngọt của Nhật Bản và Đài Loan, với số lượng nhập có hạn. Trần Thành tính toán: Nếu như có một nhà máy sản xuất bột ngọt trong nội địa, bước đầu, chất lượng sản phẩm do mình làm ra có thể chưa bằng người ta, do khâu kỹ thuật còn yếu kém. Nhưng, nếu có một nhà máy với trang thiết bị hiện đại, công nghệ chế biến tiên tiến, thì việc đạt được 80% chất lượng của họ là điều nắm chắc trong tay. Từ đó, ưu điểm giá rẻ sẽ chiếm dần thị phần và đánh bạt được hàng ngoại nhập.
Năm 1960, Trần Thành đã chính thức cho ra đời Nhà máy sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố, có công suất lớn, với trang thiết bị nhập từ Nhật Bản, được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Công việc sản xuất và kinh doanh của nhà máy sớm đi vào ổn định.
Ngay bước đầu, nhờ chất lượng sản phẩm chẳng thua kém gì của Nhật Bản và Đài Loan, mà giá cả lại rẻ hơn. Số lượng xuất xưởng ngày càng tăng cao. Nhà máy đã chạy hết công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thừa thắng xông lên, Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố còn sản xuất thêm các mặt hàng mì gói, mì chay, nước tương, tàu vị yểu và đều rất thành công.
Từ lợi nhuận kếch xù của Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố, ông mạnh tư đầu tư vào nhiều ngành nghề khác không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài như: Ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, và trường học, mà lĩnh vực nào cũng đạt thắng lợi một cách mỹ mãn.
Ông trở thành một trong những tỷ phú đầu tiên của miền Nam Việt Nam. Không ai có thể biết được chính xác tài sản của Trần Thành là bao nhiêu, nhưng người Sài Gòn - Chợ Lớn gọi ông là "tỷ phú của tỷ phú".
Một trong những ưu điểm của Trần Thành là do xuất thân từ công nhân nghèo khó, nên khi trở thành ông chủ, ông đặc biệt quan tâm đến >đời sống của công nhân một cách thiết thực. Nếu ai có tang cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, Trần Thành sẽ tặng một quan tài và biếu thêm một tháng lương để lo việc ma chay. Ông sống gần gũi và hòa đồng với mọi người. Bất cứ công nhân nào cũng có thể gõ cửa phòng ông chủ để trình bày nguyện vọng, hoặc xin giúp đỡ những lúc gặp khó khăn. Trần Thành luôn chịu khó lắng nghe, tùy theo hoàn cảnh và trường hợp của mỗi người mà giúp đỡ.
Cách đối nhân xử thế như thế đã giúp cho Trần Thành có được một đội ngũ công nhân luôn làm việc nhiệt tình và hết sức trung thành với ông. Uy tín ngày càng lớn, mới 40 tuổi, Trần Thành đã được bầu làm Bang trưởng Triều Châu và là một trong những nhân vật không chỉ được cộng đồng người Hoa tại miền Nam Việt Nam, mà cả chính quyền Sài Gòn kiêng nể.
Tuy nhiên, khi nắm trong tay khối tài sản khủng thì Trần Thành cũng sa đà vào con đường ăn chơi, mê gái không ai sánh kịp. Người dân Sài Gòn - Chợ Lớn ắt hẳn không ai không biết đến chuyện tình đình đám của ông với diễn viên điện ảnh nổi tiếng thời đó - Thang Lan Hoa.
Lúc khởi nghiệp, Trần Thành từng có triết lý sống phải cần kiệm và tránh xa chốn ăn chơi xa hoa. Ông nói rằng làm ăn giống như đi tu, không nên dính đến cờ bạc, rượu chè và phụ nữ. Lý thuyết là thế nhưng đàn ông làm sao có thể qua được ải mỹ nhân.
Vừa chạm mặt, Trần Thành đã ngây ngất trước vẻ đẹp của nữ diễn viên. Trần Thành tìm mọi cách làm quen và gần gũi người đẹp. Ông không ngại bỏ ra hàng núi tiền dưới chân Thang Lan Hoa. Cuối cùng, những món quà đắt giá cũng làm lóa mắt mỹ nhân xứ Đài. Thế nhưng, chuyện tình của cặp đôi cũng nhanh chóng tan vỡ.
Từ đó, Trần Thành đi về Đài Loan như đi chợ. Ông sẵn sàng quăng tiền một cách hào phóng để mua lạc thú hàng đêm. Dường như, ông đã quên cái thuở cơ hàn, cọ rửa thùng dầu cùng triết lý làm ăn giống đi tu của mình.
Sau khi chia tay Thang Lan Hoa, Trần Thành qua lại Singapore làm ăn. Vốn mê tín, ông ta tìm đến một vị bốc sư ở Singapore. Tại đây, ông được ráp nối với một người phụ nữ bản xứ và sinh được một cô con gái. Đến những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Trần Thành lại bị một vũ nữ trẻ đẹp tại vũ trường Maxim quyến rũ và trở thành vợ bé của ông.
Năm 1975, Trần Thành rời Việt Nam định cư nước ngoài. Lúc này, thương hiệu bột ngọt vang dội một thời trở nên ì ạch, mất dần vào tay bột ngọt ngoại nhập. Cuối cùng, ngừng sản xuất và kết thúc thời kỳ hoàng kim.