Cộng đồng mạng đang xôn xao, bức xúc khi phát hiện một số chiêu trò chỉnh sửa hóa đơn của một số cá nhân, sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) công khai sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ số 3.

Minh Thư (TH) 09:17 15/09/2024

Sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã công khai hơn 12.000 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, nhiều người đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu “phông bạt”, mập mờ tiền quyên góp ủng hộ khắc phục hậu quả bão lụt.

Ví như, có người thông tin đã chuyển khoản ủng hộ 10 triệu đồng, nhưng qua "Check var" chỉ chuyển có 10.000 đồng. Thậm chí, một số trường hợp chuyển khoản cho ”tập thể”, nhưng qua kiểm tra sao kê, dư luận phát hiện số tiền chuyển cho MTTQ Việt Nam chỉ vài chục ngàn đồng...

 

Theo thông tin từ báo Tiền Phong, về vấn đề này, Luật sư Đinh Đức Duy (Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc sao kê tiền ủng hộ của MTTQ Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động từ thiện. Từ đó, giúp tăng sự tin tưởng của cộng đồng, phòng tránh rủi ro trong hoạt động từ thiện.

Theo Luật sư Duy, đối với những trường hợp cá nhân, tổ chức kêu gọi, huy động tiền ủng hộ nhưng không chuyển đủ số tiền huy động; hoặc> ăn chặn tiền từ thiện thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, căn cứ Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, PCCC, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình), nếu kêu gọi nhận tiền ủng hộ nhưng có hành vi sửa đổi, giả mạo sao kê tiền ủng hộ để ăn chặn tiền từ thiện, sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 2-3 triệu đồng (đồi với cá nhân) và gấp đôi với tổ chức. Đồng thời, cá nhân, tổ chức sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép.

Nếu hành vi gian dối để ăn chặn, chiếm đoạt ngay từ đầu hoặc hành vi gian dối phát sinh sau khi đã nhận tiền thì tùy thuộc vào hậu quả xảy ra đối với từng trường hợp, đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm tài sản theo quy định tại Điều 174, 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức xử phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến chung thân, tùy thuộc vào hành vi vi phạm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần, toàn bộ tài sản.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do bão lũ - Ảnh: Báo Tiền 

Theo thông tin từ báo Tin tức thông tấn xã Việt Nam, luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nếu việc chỉnh sửa hóa đơn tiền ủng hộ, đăng lên mạng để “làm mầu” cho bản thân tên tuổi, cá nhân, không làm tổn hại ai, không bị xử phạt tuy nhiên sẽ bị nhiều người lên án và bản thân người làm sai đó sẽ vô cùng xấu hổ.

Luật sư Hà cho biết thêm: Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị khung hình cải tạo không giam giữ là 3 năm; phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm, ví dụ ở trường hợp 2 người bạn nhờ nhau chuyển khoản làm từ thiện. Người A đưa cho người B 10 triệu để góp cùng người B> chuyển tiền từ thiện nhưng người B chỉ chuyển vài trăm nghìn, thực tế vẫn nhận tiền người A thì người B đó bị xếp vào hành vi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một người phụ nữ nhận chuyển khoản cho nhóm là 10 triệu đồng nhưng thực tế  chỉ chuyển có 100.000 đồng tới Ủy ban MTTQ việt Nam - Ảnh: Báo Tin tức thông tấn xã Việt Nam

TS LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh: Hành vi sửa bill chuyển tiền của người đóng góp từ thiện không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đại đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. 

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt đống thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 BLHS.

Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5 - 10 triệu đồng với cá nhân.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe