Công nghệ đốt rác phát điện thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, xử lý chất thải giảm bớt độc hại hơn so với phương pháp chôn lấp.
Theo thông tin từ Thanh Niên, bà Huỳnh Lan Phương, Phó tổng giám đốc VWS, cho biết: Mỗi ngày công ty xử lý khoảng 7.000 tấn rác thải, đặc biệt dịp tết khối lượng rác tăng lên rất nhiều nhưng công ty vẫn đảm bảo xử lý tốt nhất. Phía doanh nghiệp mong muốn chính quyền, hiệp hội quan tâm hỗ trợ nhiều hơn về chế độ, chính sách đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại.
Cũng theo bà Lan Phương, VWS đang chuẩn bị phương án thay đổi công nghệ đốt rác phát điện ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và triển khai dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An. Dự án thiết kế có thể tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn/ngày với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 450 triệu USD.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết đây là lần đầu tiên xuống tham quan, tiếp xúc với Công ty VWS để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của VWS. Đặc biệt, Huba rất quan tâm đến những kế hoạch, đầu tư của VWS trong việc chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.
"Sắp tới Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ làm việc với Huba để lắng nghe những phản ảnh, kiến nghị… của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó thành phố có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến phản ảnh những khó khăn, kỳ vọng cũng như đề xuất của các doanh nghiệp nhằm chuyển tải đến lãnh đạo chính quyền nhiều hơn. Qua đó, chính quyền cùng với hiệp hội, doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển", ông Hòa chia sẻ
Theo thông tin từ VnExpress trước đây, thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, tổng lượng rác đã thu gom vận chuyển năm 2018 là hơn 3 triệu tấn - trung bình mỗi ngày thành phố thải ra hơn 9.200 tấn rác, tăng 4,19 % so với năm 2017. Tuy nhiên, hầu hết rác là chôn lấp nên gây ô nhiễm cho các khu dân cư.
Thành phố xác định năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được trong giai đoạn 2020-2021 là 98MW, đến 2025 là 138MW và đến 2030 có thể lên đến 198MW.
Hiện, thành phố kêu gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).
Nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi như: miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác.