Draconids là trận mưa sao băng thất thường nhất năm, có khi chỉ có vài ngôi sao băng rơi mỗi giờ trong đêm cực đại, có khi hàng trăm, hàng ngàn ngôi sao băng trút xuống.

Lan Chi (t/h) 09:37 08/10/2024

Thời điểm Việt Nam đón cực đại >mưa sao băng Draconids

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, theo kết quả định vị tại TP HCM bằng công cụ của trang Time and Date, mưa >sao băng Draconids phun ra từ chòm sao Thiên Long (Draco) hình con rồng sẽ đạt cực đại vào tối ngày 8, rạng sáng 9/10.

Draconids là trận mưa sao băng thất thường nhất năm, có khi chỉ có vài ngôi sao băng rơi mỗi giờ trong đêm cực đại, có khi hàng trăm, hàng ngàn ngôi sao băng trút xuống.

Mưa sao băng Draconids sẽ phát ra ngay gần đầu của con rồng tạo nên chòm sao Thiên Long - Ảnh: Steinaker State Park/Báo Người Lao Động

Năm nay, Draconids sẽ khá tĩnh lặng với chỉ 5 ngôi sao băng mỗi giờ. Tuy nhiên số sao băng sẽ nhiều hơn khi bạn quan sát, bởi trận mưa sao băng thứ hai cũng đã tìm đến bầu trời.

Trận mưa sao băng thứ 2 này là Orionids, trông như phun ra từ chòm sao Lạp Hộ (Orion), kéo dài từ ngày 2/10 đến ngày 7/11 và sẽ đạt cực đại vào tối ngày 21, rạng sáng 22/10.

Trong khi đó, Draconids ngắn ngủi hơn nhiều, chỉ rơi từ ngày 6/10 đến ngày 10/10.

Draconids được tạo ra khi Trái Đất đi qua chiếc đuôi đá bụi do sao chổi 21P/Giacobini-Zinner để lại.

Sao chổi này mất khoảng 6,6 năm để thực hiện một vòng quay quanh Mặt Trời.

Trong khi đó, trận mưa sao băng song hành Orionids là trận mưa sao băng thứ hai do sao chổi Halley tạo ra.

Vào tháng 5, chiếc đuôi đá bụi của Halley nổi tiếng cũng đã tạo ra mưa sao băng Eta Aquarids.

Mưa sao băng Draconids là sự kiện thiên văn đáng chú ý của tháng 10 - Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Hướng dẫn quan sát mưa sao băng Draconids

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, khi trời đã đủ tối đến trước nửa đêm, hãy nhìn về bầu trời phía bắc, bạn sẽ không khó để tìm thấy những ngôi sao của chòm sao Draco nếu trời đủ trong, không mây, ít ô nhiễm. Draco có hình ảnh lượn quanh 2 chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn) và Ursa Minor (Gấu Nhỏ) với cái đầu là một hình tứ giác tạo thành từ 4 sao khá dễ nhận biết. Bạn cũng có thể tìm thấy hình tứ giác này bằng cách lấy mốc từ sao Vega (sao sáng nhất của chòm sao Lyra) - ngôi sao sáng nhất trong khu vực bầu trời đó, theo HAS.

Hiện tượng này có thể được quan sát tại bất cứ nơi nào, miễn là nơi quan sát không có mây và góc nhìn về phía bắc không bị cản trở, đồng thời không khí không quá ô nhiễm. Bạn không cần bất cứ dụng cụ gì để quan sát hiện tượng này, đơn giản là nhìn bằng mắt thường. Hãy chọn nơi quan sát nào có góc nhìn đủ rộng và không để ánh sáng mạnh như đèn đường, đền trên các nhà cao tầng chiếu thẳng vào mắt.

Hãy tìm một địa điểm quan sát vắng vẻ, tránh xa ánh đèn thành phố. Trước khi quan sát, để mắt nghỉ ngơi từ 15 đến 20 phút để làm quen với bóng tối. Ăn mặc để đảm bảo >sức khỏe trong tình trạng thời tiết tại địa phương, đặc biệt nếu bạn dự định ở lâu ngoài trời. Mang theo chăn hoặc một chiếc ghế cỏ để dùng và quan sát với tư thế thoải mái nhất.

Trước khi quan sát, bạn có thể sử dụng bản đồ sao tương tác để tìm kiếm hướng của tâm điểm. Khi đã bắt đầu quan sát, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử hay những nguồn ánh sáng nhân tạo, thứ có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận biết trong bóng tối của mắt bạn.

Bức xạ nằm càng cao trên bầu trời thì bạn sẽ nhìn thấy càng nhiều sao băng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhìn thấy sao băng ở bất cứ đâu trên bầu trời mà không chỉ ở xung quanh tâm điểm.

Lan Chi (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe