Với lòng yêu nước vĩ đại, Bác Hồ đã hi sinh vô điều kiện, tìm kiếm độc lập tự do cho người dân Việt. Cả cuộc đời, tiểu sử Bác Hồ chỉ gắn liền với tình yêu đất nước. 

Tào Vân 22:21 16/06/2021

>Bác Hồ là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cả một đời, người đã hy sinh cho dân tộc, bao đêm mất ngủ để tìm ra con đường cứu nước, để giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. 

 Bác Hồ - Vị cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam

Xuất thân của Bác Hồ

Bác Hồ sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Bố là một nhà nho nguồn gốc nông dân. Còn mẹ là nông dân, các anh chị và anh đều tham gia chống Pháp và bị tù đày. Có lẽ vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đấu tranh diệt giặc ngoại xâm nên ngay từ nhỏ Bác Hồ đã nung nấu ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. 

Bác Hồ sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội. Lúc nhỏ Bác Hồ có tên là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành. Trong nhiều năm hoạt động cách mạng người thay đổi tên liên tục, để kẻ thù không thể nhận diện và tìm ra danh tính thực. Đã có một thời gian, người lấy tên là >Nguyễn Ái Quốc để hoạt động. 

 Bác Hồ sinh ra ở làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

Sống trong hoàn cảnh đất nước đang bị thống trị dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thực hiện chính sách chia để trị, chia rẽ lực lượng, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc để chúng dễ bề đàn áp, thống trị, Bác Hồ đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào. Các phong trào đấu tranh thực dân bùng nổ rồi cũng nhanh chóng bị thực dân Pháp dập tắt. Khiến lòng yêu nước của Bác ngày càng mạnh mẽ hơn, quyết chí đuổi đánh thực dân, bảo vệ độc lập dân tộc. 

Hành trình cứu nước của Bác Hồ

Sau bao ngày nung nấu ý chí, ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã quyết định rời Việt Nam sang phương Tây đi tìm con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân pháp. Ngày 03/06/1911, Bác Hồ đã nhận thẻ nhân viên lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin với cái tên là Văn Ba. Hai ngày sau, 05/06/1911 con tàu rời cảng Nhà Rồng đến Pháp. 

Bắt đầu một hành trình xa xứ, bác trải qua rất nhiều vất vả và gian truân. Từ 1912 - 1917, Bác Hồ lấy cái tên là Nguyễn Tất Thành đã đi đến nhiều đất nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Trong những năm này, bác sống cùng với nhân dân lao động để hiểu hơn về cuộc sống, nỗi khổ của tầng lớp vô sản. Qua thực tiễn, Bác đã thấy được sự thống khổ cùng cực của nhân dân và hiểu được tâm nguyện của dân. Cảm thông sâu sắc về cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa, Bác sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một trong những cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Vì vậy, Bác tích cực hoạt động để đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. 

 Bác Hồ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911

Cuối năm 1917, Bác Hồ từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Đến năm 1919, Bác lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. 

Chớp lấy cơ hội, khi thế giới vẫn đang còn chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, vào tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản). Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. 

Từ sau sự kiện này, Bác chuyển đổi vai trò từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản. Cũng chính từ lúc này, Bác khẳng định: Muốn giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đến năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. 

Để củng cố tinh thần đồng thời tăng cường sự đoàn kết và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhiều bài báo đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Paris năm 1925. Những bài viết đều là công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân. Thông qua những bài viết này đã góp phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. 

Tháng 6/1923, Bác từ Pháp sang Liên Xô và làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Đến tháng 10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và cũng đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. 

Tiếp sau đó, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại các đại hội, Nguyễn Ái Quốc kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Từ đó hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc. 

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến Trung Quốc với tư cách là Uỷ viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôđin của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên.

 Bác Hồ trong những năm ở nước ngoài đã sống cùng người dân lao động 

Đến năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng. Sau đó ra tuần báo “Thanh niên” - Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Đây cũng là khâu chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Các bài giảng trực tiếp huấn luyện đào tạo của Nguyễn Ái Quốc được in thành sách “Đường Kách mệnh”. Cuốn sách này trở thành một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.

Con đường cách mạng giải phóng rất tộc còn rất xa. Vào tháng 5/1927, Bác rời Quảng Châu đến Liên Xô, sau đó đi Đức và đến Bỉ tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, tiếp theo đi Ý. Sau đó về châu Á.

Từ tháng 7/1928 đến 11/1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Thái Lan và tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Thời cơ chín mùi, tháng 2/1930, thông qua chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc). Do thông tin rò rỉ, đến 6/1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông. Sau 2 năm Nguyễn Ái Quốc được trả tự do.

Bác ở ẩn khoảng 1 năm để thăm dò tình hình chính trị. Sau đó tiếp tục hoạt động sôi nổi. Từ 1934 đến năm 1938, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Liên Xô, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. 

Đến tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô sang Trung Quốc liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước. Sau hơn 30 năm xa quê nhà, vào 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước, bắt đầu hành trình giải cứu người dân Việt khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. 

 Bác Hồ có lòng yêu nước vĩ đại

Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 8/1942, lúc này Bác lấy tên là Hồ Chí Minh đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế. Mục đích là để chống xâm lược sang Trung Quốc, chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. 

Sau đó, Hồ Chí Minh bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Tại đây người đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù”, đến tháng 9/1943, Hồ Chí Minh được trả tự do.

Tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng, sau đó thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang. Đến tháng 8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Chọn thời điểm phù hợp, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 3/11/1946, >Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới (từ 11/1946 đến 9/1955) và kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ 11/1946 đến 1947). 

Vào ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám. 

Ngày 7/5/1954, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. 

Tháng 10/1956, Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, kiêm làm Tổng Bí thư của Đảng. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) các thành viên đã nhất trí Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

 Người đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình

Vào năm 1964, Người động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược vì không có gì quý hơn độc lập, tự do. 

Trong lúc tình hình nước sôi lửa bỏng, trong cao trào chống giặc Mỹ xâm lược, chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 02/9/1969, tại Hà Nội. Trước khi ra đi, người căn dặn toàn dân quyết chí đồng lòng đánh giặc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần thắng lợi sự nghiệp cách mạng thế giới. 

Đúng như tâm nguyện của người, những người chủ chốt, lãnh đạo của Đảng đã cùng dân, đoàn kết một lòng đánh thắng đế quốc Mỹ. Buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Đến năm 1975, quân và dân ta bước vào trận chiến lịch sử Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi nhưng lòng đầy tiếc nuối vì người chưa chờ được đến ngày giải phóng đất nước, người dân được độc lập tự do. Tuy nhiên, toàn dân đồng lòng đã hoàn thành tâm nguyện của người. Điều này phần nào đã giúp cho người yên lòng ra đi, đồng thời khi nhìn lại tiểu sử Bác Hồ cũng phần nào đỡ tiếc nuối và xót xa. Cả cuộc đời hi sinh vì độc lập tự do nhưng người lại chưa thực sự được sống một ngày nào độc lập tự do hoàn toàn. Bởi khi người ra đi đất nước vẫn đang còn bị xiềng xích bởi đế quốc Mỹ.

 Bác Hồ người thầy vĩ đại của các mạng Việt Nam

Tuy nhiên, tất cả thắng lợi sau này là nhờ vào người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam đề ra đường lối đúng đắn, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo ưu tú, đi sâu vào cuộc sống của người dân để nắm bắt nguyện vọng của dân, bôn ba nhiều nước để hiểu rõ tình hình thế giới. Từ đó, đúc kết đưa ra con đường cứu nước đúng đắn. Người đã sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế. 

Nhờ có chuyến đi lịch sử của hơn 100 năm về trước, Bác Hồ đã tìm ra con đường cứu nước, dân tộc Việt Nam mới rực rỡ như ngày hôm nay. Trong lòng mỗi người dân, người là lãnh tụ muôn vàn kính yêu, vĩ đại của dân tộc. Hơn nữa, người còn là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho nhân loại. 

 Cả cuộc đời của Bác hi sinh vì đất nước

Mỗi người Việt luôn tự hào về Đảng, về Bác. Dù là ở trong hay ngoài nước mỗi người đều nhìn nhận rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Toàn dân có được đi bầu cử, chọn ra những nhân tài cho đất nước, góp giúp cho nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây chính là cội nguồn của sức mạnh, toàn dân đoàn kết, bảo vệ dân tộc và đất nước ngày càng phát triển. 

Người dân có thể sống trong thời đại hoà bình, lịch sử dân tộc có những bước tiến thần kỳ, một thời đại mà cả dân tộc Việt Nam vững tin tiến bước tất cả là nhờ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tào Vân | Theo Phụ nữ sức khỏe