Ngày 26/4, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Khánh Hòa, đã có báo cáo kết thúc vụ ngộ độc thực phẩm tại cơ sở bán hàng rong ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

Minh Thư (TH) 20:07 26/04/2024

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa xác định, cơ sở bán hàng rong cho học sinh bị >ngộ độc thực phẩm là của bà Bùi Thị Lương (bán trước trường THCS Tô Hạp). Do không còn mẫu thức ăn chế biến sẵn, đoàn kiểm tra đã lấy một số mẫu nguyên liệu, mẫu bàn tay, mẫu phân gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm.

Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm và các chứng cứ thu thập được, kết luận thức ăn gây ngộ độc là cơm nắm (gồm rong biển, cơm, trứng gà chiên, xốt Mayonnaise, tương ớt, tương cà) và cơm cuộn (gồm rong biển, cơm, trứng gà chiên, xúc xích chiên, cà rốt, dưa leo, nước chấm).

Tác nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm là vi sinh vật có trong cơm nắm, cơm cuộn (vi khuẩn Staphylococcus aureus).

 

Sau khi kết thúc điều tra vụ ngộ độc, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa kiến nghị UBND huyện Khánh Sơn xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở gây ngộ độc thực phẩm. Kết quả xử lý phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một học sinh bị ngộ độc sau khi mua thức ăn bán trước cổng trường ở thị trấn Tô Hạp - Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM

Trước đó, theo thông tin từ báo Lao Động, sáng 9/4, nhiều học sinh ăn cơm cuộn, cơm nắm của bà Bùi Thị Lương, bán rong trước trường THCS Tô Hạp thì bị đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Xác minh món bà Lương chế biến bán ngày 9/4 có 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn. Trong đó thành phần gồm: rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, xốt Mayonnaise, tương ớt, tương cà…

Các đơn vị chức năng đã lấy 11 mẫu nguyên liệu thực phẩm bà Lương dùng để phục vụ chế biến cơm nắm, cơm cuộn để kiểm tra.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy mẫu rong biển cơm cuộn phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus (3,9.102 CFU/g) và chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin.

Trường Tiểu học Thị trấn Tô Hạp, nơi có nhiều học sinh ngộ độc sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn mua của bà Lương - Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Các bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng là đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng, buồn nôn, nôn và chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn.

Đối chiếu với các ca bệnh có đến 75,5 % bệnh nhân có thời gian ủ bệnh từ 1- 6h. Kết quả này phù hợp với kết quả mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cũng dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus. Từ đó khẳng định tác nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm là vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng).

Theo chủ cơ sở, rong biển để chế biến cơm cuộn mua qua mạng xã hội, không có nhãn mác tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ.

Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội.

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe