Hiện tượng ép con ăn bằng những clip mang tính kinh dị trên mạng xã hội, trẻ em có phải đối mặt với "nỗi sợ mới" trong bữa ăn của mình?
Theo thông tin từ Tuổi trẻ thủ đô, trào lưu “Há mồm ra ăn hết bát cơm này nào. Ngoan cô Trinh thương, cô Trinh yêu. Hư cô Trinh nuốt chửng!” là câu nói của TikToker Long Chun trong clip cùng thử thách dọa trẻ em đang lan truyền trên TikTok gây nhiều tranh cãi.
Một số bậc cha mẹ chia sẻ rằng đã sử dụng video "cô Trinh" để ép con ăn và quay lại video con bị dọa khóc thét để đăng lên mạng xã hội với mục đích "mua vui" và chạy theo xu hướng.
Theo nguồn tin từ báo Dân trí, chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Lê Minh Huân nhận định: Hành vi phụ huynh sử dụng video dọa con ăn cơm được xếp vào nhóm bạo hành tinh thần trẻ em. Đó là hành động chạy theo xu hướng một cách mù quáng mà không lường trước hậu quả.
Trẻ con thường sợ và ám ảnh khi nghe nhắc hoặc liên tưởng đến các hình tượng gây ám ảnh mà phụ huynh dùng để dọa nạt như "ông Kẹ, ông Ba Bị, bà phù thủy". Điều đó sẽ khiến trẻ giật mình, khóc, nghiêm trọng hơn là gặp ác mộng, lo âu, ám ảnh. Dần dần trẻ sẽ trở nên nhút nhát, kém tự tin, gặp vấn đề trong giao tiếp xã hội, tự lập, có thể gặp vấn đề về >sức khỏe, tâm thần.
Việc thiếu hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi của một bộ phận phụ huynh đã vô tình dẫn đến bạo lực tinh thần trẻ mà họ không hề hay biết, gây ra các tác động tâm lý đến nhận thức, cảm xúc và hành vi của trẻ. Từ đó hình thành đến nhân cách của trẻ.
Đa số các bậc cha mẹ có tâm lý chủ quan trong vấn đề dạy con và thường chạy theo trào lưu trên mạng xã hội theo kiểu "ai làm sao tôi làm vậy". Hành động >nuôi dạy con sai cách của phụ huynh đã phản ánh sự thiếu kiến thức và chủ quan khi tiếp thu xu hướng mới.
Thực tế, việc trẻ xem video độc hại, chơi trò chơi bạo lực có thể sẽ làm gia tăng mức độ bạo lực ở trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ tiếp xúc với trò chơi hay video có tính bạo lực sẽ thể hiện hành vi bạo lực, dù thái độ và hành vi có chiều hướng tăng mức độ tiêu cực.