Chiều 25/11, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thông báo về việc tổ chức dạy và học trong tình hình tiếp tục ứng phó với diễn biến mưa lũ.

Thanh Thủy 19:50 25/11/2024

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ chiều tối 25-28/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có >mưa to, mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-350mm, có nơi trên 500mm; vùng núi các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà 200-450mm, có nơi trên 600mm; vùng núi Bạch Mã và đỉnh Bạch Mã (Phú Lộc) 500-1000mm, có nơi trên 1000mm.

Trước tình hình diễn biến mưa lũ còn phức tạp trong những ngày tới, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị đối với những vùng ngập lụt chưa thể đi lại được, thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn tổ chức cho học sinh trở lại trường. Đồng thời, thực hiện các kế hoạch dạy bù để đảm bảo hoàn thành tiến độ chung của kế hoạch năm học.

Mưa lớn, nước sông lên cao khiến nhiều tuyến đường, khu vực thấp trũng tại TP Huế bị ngập trong ngày 25/11.

Những vùng ít bị ảnh hưởng và nơi khô ráo như huyện Nam Đông, A Lưới và một số địa bàn thuộc TX. Hương Thuỷ, TX. Hương Trà, huyện Phong Điền,... cho học sinh trở lại đi học bình thường từ ngày 26/11/2024.

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện theo chỉ đạo tại các văn bản hướng dẫn của Sở về công tác giáo dục an toàn giảm thiểu tai nạn thương tích sau mưa lũ. Đặc biệt, căn dặn học sinh vào sau mỗi buổi học tuyệt đối không đến những nơi ao hồ sông suối khi không có sự hỗ trợ của người lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm, qua kinh nghiệm các năm, trước trong và sau lũ có nhiều trường hợp đuối nước do đi qua ngầm, tràn, bơi ao hồ, đi trên thuyền bị lật không biết bơi, không có áo phao,… Hiện đơn vị đã đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường phát huy hiệu quả phương châm "tự quản tại chỗ" trong phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước khi có lũ.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò trưởng thôn, tổ dân phố... phải quản lý, bảo vệ người dân đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như người già neo đơn, phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo..; cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; trường học, thầy cô bảo vệ học sinh. Chính quyền địa phương, các ban ngành cần phải tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin để đề phòng tai nạn thương tích ngay sau lũ.

Theo Lê Chung/Tổ Quốc