Dữ liệu công bố ngày 9/1 cho biết hiện tượng ấm lên toàn cầu vào năm 2023 đã ghi nhận đạt 1,48 độ C. Đây được xem là năm nóng nhất khi ghi nhận nhiệt độ thế giới chỉ còn cách ngưỡng mục tiêu khí hậu một khoảng cách ngắn.
Các phân tích vào năm ngoái đã xác nhận 2023 là năm nóng kỷ lục và dữ liệu hôm 9/1 đã cho thấy mức tăng vọt đáng báo động về nhiệt độ của năm 2023 so với 2016 – năm từng ghi nhận kỷ lục là năm nóng nhất. Vào năm 2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 14,98 độ C - cao hơn 0,17 độ so với kỷ lục trước đó - trong khi hiện tượng nóng lên ở các đại dương trên thế giới cũng đạt mức cao mới.
Các nhà khoa học cũng bày tỏ những bất ngờ về hiện tượng thời tiết năm 2023 khi kỷ lục nắng nóng liên tiếp xảy ra, đồng thời cảnh báo thế giới đang tiến gần đến mức nguy hiểm của giới hạn 1,5 độ theo Thỏa thuận Paris năm 2015.
Cơ quan giám sát thời tiết và khí hậu của EU Copernicus cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn vào đầu năm nay đồng thời dự đoán khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 1 hoặc tháng 2 có thể sẽ tiếp tục tăng 1,5 độ.
Các nhà khoa học cũng bày tỏ quan tâm nhiều hơn đến tình trạng >ấm lên toàn cầu trong thời gian dài nhiều hơn là thống kê từng năm. Vượt qua ngưỡng quy định, nhiều hệ sinh thái trên Trái đất sẽ phải vật lộn để thích nghi và nhiệt độ tăng cao vào mùa hè sẽ đạt đến giới hạn khả năng sống sót của con người ở một số nơi.
Theo Copernicus, đợt nắng nóng chưa từng có vào năm 2023 chủ yếu là do >biến đổi khí hậu gây ra, nhưng đã trở nên trầm trọng hơn, một phần cũng do El Niño, hiện tượng biến đổi khí hậu tự nhiên làm tăng nhiệt độ Thái Bình Dương và thường làm tăng nhiệt độ thế giới.
Trong khi một số nhà khoa học ghi nhận mức nóng lên 1,48 độ phù hợp với kỷ lục nhiệt độ năm ngoái thì số khác vẫn lại tỏ ra hết sức ngạc nhiên về mức độ nóng hơn của năm 2023 so với những năm trước đó.
Ông Bill Collins, Giáo sư về khí hậu tại Đại học Reading ở Anh cho biết sẽ là cú sốc lớn khi năm nay đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ toàn cầu một cách rõ ràng. Ở đây khi nhiệt độ vượt kỷ lục trước đó 0,17 độ cũng được xem là hồi chuông cảnh báo cho mọi người.
Copernicus ghi nhận mỗi ngày trong năm 2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu đều nóng hơn ít nhất 1 độ so với ngày tương ứng trong thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Đây là năm đầu tiên được ghi nhận điều đó xảy ra.
Theo dữ liệu nhiệt độ lịch sử từ Copernicus, nhiệt độ toàn cầu đã tăng đều đặn kể từ những năm 1970, cho đến khi mức nóng lên toàn cầu tăng 1 độ lần đầu tiên vào năm 2015. Khoảng thời gian 8 năm đã tăng thêm nửa độ so với mức tiền công nghiệp.
Thậm chí so với 3 thập kỷ qua, năm 2023 vẫn nổi bật khi nhiệt độ ấm hơn. Năm 2023 ghi nhận nóng hơn 0,6 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020.
Nhiệt độ tăng theo cấp số nhân
Liz Bentley, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Vương quốc Anh cho biết vài tháng trước, cộng đồng khoa học đã dự đoán nhiệt độ nóng lên toàn cầu ghi nhận khoảng 1,3 độ vào năm 2023. Bà Liz Bentley cũng nhấn mạnh dự đoán đó đã bị "hủy bỏ" khi các kỷ lục về nhiệt độ giảm ở cấp khu vực, quốc gia và quốc tế trên khắp thế giới xác nhận các kỷ lục tăng theo ngày và tháng.
Các ngưỡng khác cũng đang vượt qua, cụ thể xác nhận hai ngày trong tháng 11 lần đầu tiên ấm hơn 2 độ. Cũng trong năm 2023, từ tháng 6 đến tháng 12 cũng ghi nhận là những tháng nóng trong năm. Cụ thể, tháng 7 và tháng 8 là tháng nóng nhất được ghi nhận lần thứ nhất và thứ hai trong lịch sử.
Chuyên gia Bentley lưu ý điều đáng ngạc nhiên không phải là mức tăng nhiệt độ lên tới 1,48 độ mà là tốc độ biến đổi khí hậu trong những năm gần đây.
"Nếu nhìn vào các dự báo về khí hậu, khi chúng ta dự đoán nhiệt độ sẽ thay đổi ở mức gần 1,5 độ C thì thực sự khả năng đó đã đến sớm hơn nhiều người mong đợi. Chúng ta chắc chắn đã thấy sự tăng tốc theo hướng đó, thay vì là một kiểu tiến triển tuyến tính. Cảm giác như nhiệt độ đang tăng theo cấp số nhân", ông Bentley nhấn mạnh.
Dữ liệu của Copernicus cũng khẳng định nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là nóng nhất hoặc gần như nóng nhất được ghi nhận trên tất cả các lưu vực đại dương và các lục địa, ngoại trừ Australia. Sự gia tăng nhiệt độ đó gần như bao trùm toàn bộ bản đồ thế giới.
Thêm vào đó, ông Brian Hoskins, Chủ tịch Viện Grantham thuộc Viện Hoàng gia London cũng nói rằng năm 2023 ghi nhận nắng nóng kỷ lục, chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan chết người như >cháy rừng ở Canada, Hawaii và Nam Âu.
Các đại dương trên thế giới cũng trải qua đợt nắng nóng chưa từng thấy do hiện tượng ấm lên bất thường đã xảy ra vào năm 2023. Nhiệt độ mặt nước biển cao hơn 0,44 độ so với mức trung bình giai đoạn 1991–2020, cao nhất trong lịch sử và là bước nhảy vọt so với mức tăng 0,26 độ được thấy vào năm 2016.
Yếu tố dài hạn chính đằng sau sức nóng đáng báo động của đại dương là ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch. Và từ tháng 7, hiện tượng El Niño cũng góp phần gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ bề mặt nước biển cao hơn có thể dẫn đến các cơn bão mạnh hơn, bão cuồng phong và lốc xoáy nhiệt đới.
Vào cuối năm nóng kỷ lục 2023, gần 200 quốc gia đại diện tại cuộc đàm phán về khí hậu COP28 ở Dubai vào tháng trước đã lần đầu tiên nhất trí thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu ra khỏi nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu. Thỏa thuận này được hoan nghênh rộng rãi.
Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu của Copernicus, cho biết: "Những thái cực mà chúng tôi quan sát được trong vài tháng qua cung cấp một bằng chứng cho thấy nhiệt độ thế giới hiện đã cao hơn nhiều so với nền văn minh của chúng ta trước đây".
"Điều này đang vi phạm đối với Thỏa thuận Paris và những nỗ lực của con người. Nếu muốn quản lý thành công rủi ro khí hậu, chúng ta cần khẩn trương khử carbon trong các nền kinh tế đồng thời sử dụng dữ liệu và kiến thức về khí hậu để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai", ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu của Copernicus cho biết.