Sở hữu bằng đại học sư phạm và bách khoa nhưng tai nạn kinh hoàng hơn 10 năm trước đã khiến anh Lưu Tuấn Hùng, sinh năm 1982 gắn chặt cuộc sống với chiếc xe lăn. Con đường doanh nhân bị chặn đứng ngay từ những bước đi đầu tiên nhưng ngã rẽ số phận đã đưa anh đến với nghề gieo chữ, trồng người, truyền cảm hứng cho nhiều học trò.

Quỳnh Anh (T/h) 06:47 20/11/2023

Ký ức kinh hoàng

Giáp Tết âm lịch 2012, chưa tròn 30 tuổi, đang là giám đốc một doanh nghiệp lĩnh vực tự động hóa, Lưu Tuấn Hùng trên đường lái xe về quê Hà Trung (Thanh Hóa) đã gặp tai nạn đường sắt kinh hoàng. Do bất cẩn, chiếc xe ô tô con do anh điều khiển đã bị tàu hỏa đâm ngang, kéo lê hơn 100m. Cú va chạm quá mạnh khiến chàng trai bị cửa xe ô tô chèn vào giữa thân người, dẫn đến vỡ nát cột sống lưng. Tỉnh dậy tại bệnh viện, Hùng không tin mình bị liệt hoàn toàn 2 chân. Nửa năm sau đó, anh đã nỗ lực tập phục hồi chức năng bằng ý chí, nghị lực phi thường nhưng không có kết quả.

Hùng nói, điều anh ám ảnh nhất không phải là nỗi đau thể xác sau tai nạn mà đó là tiếng khóc của người thân khi anh tỉnh dậy. Sở hữu 2 bằng đại học: sư phạm Vật lý và tự động hóa Bách khoa, vừa khởi nghiệp được hơn 2 năm, anh là niềm tự hào của cha, là trụ cột của gia đình nhỏ. Tai nạn ập đến khi vợ đang mang bầu, cha mẹ già chưa kịp báo đáp, Hùng như cảm thấy mình rơi xuống vực thẳm cuộc đời.

“Khi tỉnh lại tôi lờ mờ nhớ lại mình bị tai nạn, rồi tiếng khóc của cha tôi, chị gái tôi khiến tâm trí tôi rối loạn và đau đớn vô cùng . Tôi như người có lỗi, tôi nghĩ đến vợ tôi khi ấy đang mang thai sắp sinh đứa con thứ hai, nước mắt tôi lại lăn dài. Tôi dần thiếp đi, một phần vì đau, phần vì không dám đối mặt với sự thật. Ngày tháng nằm điều trị ở bệnh viện tôi dần nhận ra rằng mình có thể sẽ phải ngồi xe lăn cả đời.

Dù rất kiên cường nhưng tôi đã suy sụp và chán nản. Song nghĩ đến cha mẹ đã già còn đang ngày đêm chăm sóc mình, rồi vợ mình, các con mình sẽ sống thế nào những ngày tháng tiếp theo. Tôi tự trấn an mình rằng không ai cứu mình bằng chính mình. Tôi không thể đầu hàng số phận”, anh Hùng chia sẻ.

Bước lên từ vực thẳm

Trước khi gặp tai nạn, Hùng đang là giám đốc một doanh nghiệp tự động hóa, công việc đang rất thuận lợi, nhiều triển vọng. Hùng nói anh học sư phạm Vật lý vì nhà nghèo và theo tâm nguyện của cha nhưng lại đam mê kỹ thuật và kinh doanh. Vì thế, ngay sau khi nhận tấm bằng cử nhân sư phạm của Trường Đại học Hồng Đức, anh không đi dạy học mà tiếp tục thi và trúng tuyển vào ngành tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thêm 5 năm đèn sách, sở hữu 2 bằng đại học, anh quyết tâm khởi nghiệp bằng cách mở doanh nghiệp riêng chuyên về tư vấn, lắp đặt các dây chuyền tự động hóa cho các nhà máy.

Vụ tai nạn khiến hơn 2 năm khởi nghiệp cùng bao khát khao, hoài bão của chàng trai trẻ dang dở. Hơn 1 tỷ tiền vay nợ trở thành gánh nặng khủng khiếp đè lên gia đình nhỏ với người chồng ngồi xe lăn, người vợ trẻ và hai đứa con thơ.

“Đúng vào lúc khó khăn nhất, tôi quyết định quay lại với nghề dạy học. Nói quay lại là bởi trong 9 năm học 2 trường đại học, tôi sống được nhờ công việc gia sư. Hơn nữa tôi được đào tạo bài bản về sư phạm nên tin rằng mình sẽ không gặp khó. Nghề dạy học có lẽ là cái nghiệp của tôi vậy”, anh Hùng lý giải về cơ duyên gắn bó với nghề làm thầy.

Căn nhà của bố mẹ vợ ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa được ngăn lại một phòng để thầy Hùng ngồi trên xe lăn luyện thi đại học. Tiếng lành đồn xa, học trò mỗi năm một đông hơn. Có những học sinh tận huyện miền núi Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa), thậm chí xa tận TP. Hồ Chí Minh cũng tìm về làm trò thầy Hùng. Không ít học trò lớp thầy Hùng đã đỗ vào các trường đại học top đầu cả nước như ngoại thương, bách khoa, kinh tế quốc dân…

Hằng ngày, thầy ngồi xe lăn, một tay đẩy bánh xe di chuyển, tay còn lại uốn nắn từng phép tính cho trò. Hùng nói, dạy học vừa để mưu sinh, đỡ đần vợ con, gia đình nhưng quan trọng hơn là để thấy mình còn có ích. Phần lớn học trò và cả phụ huynh khi tìm đến thầy Hùng không chỉ để học kiến thức mà còn học lẽ sống của một tấm gương tràn đầy nghị lực.

Tạo động lực, truyền cảm hứng

Học trò thầy Hùng có không ít em thuộc diện cá biệt, bị mất gốc hoặc học sinh lớp… 13. Khi phụ huynh gửi gắm, họ không nói rõ nhưng cũng có ý nhắc nhở con hãy nhìn vào tấm gương của thầy mà nỗ lực.

Đối với những học sinh như thế, theo thầy Hùng, phải tạo được niềm tin cho các em. Ngoài lớp học, thì “trường đời” cũng rất quan trọng. Sau giờ học, thầy trò như những người bạn, cùng chuyện trò, chia sẻ những buồn vui cuộc sống.

Thầy Hùng nói dù áp lực thi cử rất lớn nên vẫn phải dạy sao cho các em thi đỗ, thi đạt kết quả cao, vào được trường top…Nhưng bên cạnh đó, còn phải dạy các em lẽ sống, niềm tin, kỹ năng ứng xử. Đôi khi thầy cũng phải “tạo sóng”, bắt “trend” để có thể gần gũi, hiểu được học trò. Đặc biệt là phải phát hiện ra những tố chất riêng của từng em, giúp các em phát huy hết khả năng, từ đó định hướng nghề nghiệp phù hợp.

“Một số em tìm đến tôi học Toán – Lý nhưng quá trình dạy học, phát hiện các em có năng khiếu hội họa, tôi động viên các em thi kiến trúc, mỹ thuật… Những em năng động, nhanh nhẹn, tôi định hướng thi các trường khối kinh tế, tài chính…”, thầy Hùng chia sẻ.

Thừa nhận dạy học để mưu sinh nhưng thầy Hùng cho biết, nó còn là cái nghiệp của chính mình. Chính vì thế, đam mê, khát vọng truyền thụ tri thức, truyền cảm hứng cho học trò là động lực thôi thúc anh vượt qua nỗi đau bệnh tật, tiếp tục gắn bó với nghề.

“Hạnh phúc lớn nhất của tôi là hơn 10 năm qua, chưa một học trò nào quên mình. Mỗi lần các em về quê, bận rộn đến mấy cũng qua thăm thầy. Thầy trò cùng nhau xem bóng đá, nghe nhạc, tranh luận sôi nổi về một vấn đề gì đó đang là trend của giới trẻ”, thầy Hùng vui vẻ nói.

Gia đình là điểm tựa

May mắn lớn nhất của đời mình, theo thầy Hùng chính là có được người vợ hết mực yêu thương, hy sinh cho chồng con. Hơn 10 năm kể từ ngày chồng gặp tai nạn thập tử nhất sinh, chị Ngọc trở thành đôi chân của anh Hùng. Thầy giáo 41 tuổi nói, yêu thương vợ không biết để đâu cho hết.

“Có những đêm mùa đông, vợ người ta được ngủ ngon giấc, còn vợ mình phải thức cùng những cơn đau của chồng. Chưa kể những lúc đau đớn, tôi không thể tự mình vệ sinh cá nhân. Tất cả đều phải tựa nhờ vào vợ. Nếu không có Ngọc và gia đình nhỏ của mình, tôi nghĩ mình có mạnh mẽ đến mấy cũng khó mà vượt qua được”, anh Hùng xúc động nói.

Những lúc không dạy học, anh Hùng thường nghe nhạc, xem bóng đá và luôn tìm mọi cách lan tỏa năng lượng sống tích cực đến mọi người xung quanh. Theo anh, đó là cách tốt nhất để bản thân quên đi những đau đớn về thể xác bởi di chứng sau tai nạn giao thông 10 năm trước.

Theo anh cuộc sống không có chữ “nếu” và không thể lựa chọn lại nên luôn phải hướng về phía trước với tinh thần lạc quan nhất. Người làm nghề dạy học cũng vậy, phải luôn đặt niềm tin vào học trò, giúp các em biết sống có ước mơ, khát vọng, chinh phục thành công.

"Cách đây mấy năm, có một cô học trò lập facebook cho tôi. Ban đầu em ấy đặt tên trang là “Hùng sa cơ” để nhớ lại quãng thời gian tôi bị tai nạn như rơi xuống vực thẳm, tận cùng của số phận. Nhưng rồi sau khi thảo luận với các bạn, học sinh của tôi quyết định đặt lại cái tên rất dễ thương, cũng là để trêu thầy “Hùng xako đẹp trai”. Hai từ “xako” chỉ là đọc chệch đi của hai từ “sa cơ” mà thôi. Sau này mới hiểu, ý các em là tuy thầy mình “sa cơ” nhưng không… lỡ vận. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Tôi rất vui với cái tên này và thường xuyên kết nối, giao lưu với các em học sinh. Công việc dạy học vì thế cũng rất thú vị, đáng để mình đam mê, theo đuổi”, thầy Lê Tuấn Hùng bộc bạch.

Theo Quang Duy/Gia đình Việt Nam