Thầy Lê Đức Thịnh được coi là người thầy của những tấm Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học quốc tế.
Bắt đầu giảng dạy từ năm 2005, tính đến nay thầy Lê Đức Thịnh (sinh năm 1983, giáo viên Toán tại trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) đã có 18 năm theo sự nghiệp "trồng người". Trong suốt khoảng thời gian đó, thầy Thịnh đã ươm mầm và đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh đam mê, yêu thích với Toán học.
Tuy nhiên, để nói về 3 thành tựu lớn nhất mà thầy Thịnh từng đạt được trong suốt sự nghiệp phấn trắng bảng đen của mình, đó chính là 3 lần có học sinh giành >Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần lượt ở các năm 2009, 2019 và mới đây nhất là 2023. Trong đó có một trường hợp đặc biệt, 2 anh em trong một gia đình cùng là học sinh của thầy Thịnh và cùng đạt giải cao nhất kỳ thi trong kỳ thi toán học danh giá này.
Đam mê môn Toán từ nhỏ
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất mỏ Quảng Ninh, ngay từ nhỏ, thầy Lê Đức Thịnh đã dành một tình yêu đặc biệt cho môn Toán. Để thỏa mãn đam mê của mình, thầy Thịnh không ngừng học hỏi kiến thức trong sách vở, thầy cô, bạn bè. Không chỉ dừng lại có vậy, thầy còn thường xuyên mày mò những bài toán khó, những vùng kiến thức mới mỗi khi rảnh rỗi.
Trong suốt 3 năm học tập tại trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), thầy đã tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi môn Toán và nhiều lần đi "chinh chiến" ở vô vàn kỳ thi lớn nhỏ khác nhau. Cũng chính từ mái trường này, hàng ngày nhìn thấy thầy cô của mình cặm cụi với những con chữ, tập giáo án, phấn trắng bảng đen..., thầy Thịnh cũng dần dần nuôi trong mình ước mơ trở thành giáo viên dạy toán.
Khi điền vào bảng đăng ký nguyện vọng, thầy đã đặt ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ở đầu tiên đúng theo mong mỏi. Bằng sự nỗ lực, thầy Thịnh cuối cùng cũng trúng tuyển vào ngôi trường mà bản thân hằng mơ ước bấy lâu này.
Năm đầu tiên đại học, Lê Đức Thịnh đã xuất sắc đoạt giải Ba Kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc môn Toán - Giải tích. Đến năm 2005, sau tốt nghiệp ra trường, thầy Đức Thịnh có cơ hội công tác tại tổ Toán - Tin của trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) theo hình thức hợp đồng.
Sau 2 năm tham gia giảng dạy đội tuyển Toán, năm 2007, thầy Lê Đức Thịnh được giao chủ nhiệm lớp Toán chuyên. Theo chia sẻ, nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển Toán tuy khó khăn, nhưng thầy Thịnh luôn dành hết tâm huyết và tâm sức của mình để bồi dưỡng những lứa học sinh ưu tú của trường. Dẫu vậy, chỉ đến năm 2008, thầy Đức Thịnh mới chính thức thi đỗ kỳ thi tuyển viên chức vào ngôi trường này.
Chỉ một năm sau khi chính thức vào biên chế, thầy Thịnh đã có học trò đầu tiên đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế. Không ai khác, đó chính là Phạm Đức Hùng khi đó đang là học sinh 11, trường THPT chuyên Trần Phú). Em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tham dự kỳ thi này vào năm 2009.
Còn tấm Huy chương Vàng thứ 2 mà học trò thầy Thịnh đạt được trong kỳ thi IMO là vào năm 2019, thuộc về em Nguyễn Thuận Hưng - khi đó là học sinh lớp 12 chuyên Toán, trường THPT chuyên Trần Phú.
Thành công nối tiếp thành công, mới đây nhất trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2023 được tổ chức tại Nhật Bản, thầy Thịnh một lần nữa giúp học sinh Nguyễn An Thịnh (học sinh lớp 12 chuyên Tin, trường THPT chuyên Trần Phú) ghi danh vào bảng thành tích với tấm Huy chương Vàng.
Một sự trùng hợp là cả, An Thịnh và Thuận Hưng là hai anh em. Đây là cặp anh em ruột đầu tiên ở Việt Nam cùng giành Huy chương Vàng kỳ thi IMO, sau gần 50 năm tham dự (lần đầu Việt Nam dự thi là năm 1974) và họ cùng được hướng dẫn, dìu dắt bởi cùng một thầy giáo.
"Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn không tin đây là sự thật. Khi An Thịnh được xướng tên là người đạt Huy chương Vàng năm nay, tôi vui vô cùng. Đặc biệt là khi thấy lá cờ của Việt Nam tung bay cùng với quốc kỳ của những quốc gia khác, cảm giác lúc đấy rất khó tả vì quá tự hào.
Trước khi thi, tôi luôn cố gắng để hai thầy trò có trạng thái tâm lý tốt nhất. Bởi tôi luôn tin là nếu An Thịnh có tâm lý tốt và trình bày cẩn thận thì Huy chương Vàng sẽ không là điều quá khó khăn", thầy Thịnh nói.
Đánh giá 2 cậu trò đặc biệt này, thầy giáo cho biết cả An Thịnh và Thuận Hưng đều là những học sinh có tư chất tốt và thông minh. Các em vô vô cùng chăm chỉ và quyết tâm với mục tiêu mà của bản thân. Chính điều đó khiến hai em tiến xa được trong cuộc thi tri thức tầm cỡ quốc tế này.
Còn khi nói về "bí quyết" để có nhiều học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, thầy Thịnh chỉ cười và nói, không có bí quyết nào nằm ngoài sự nỗ lực bền bỉ của cả thầy và trò: "Đến với kỳ thi quốc tế, tâm lý của cả thầy và trò rất nhẹ nhàng, không áp lực, nhưng cũng xác định cố gắng chiến đấu hết sức mình. Tôi đã tham gia ôn luyện cho các bạn học sinh từ những ngày đầu tiên, rồi thầy trò cùng nhau nỗ lực học tập ngày đêm, nhìn thấy sự tiến bộ của các em khiến tôi hạnh phúc nhiều".
Tham dự kỳ thi IMO vừa qua, bên cạnh thành tích đáng tự hào mà đội tuyển Việt Nam đạt được, thầy Thịnh cũng ấn tượng với Nhật Bản - nước chủ nhà của kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm nay: "Chuyến đi Nhật thì cũng có nhiều điểm thú vị như: bị lạc đường, xuống nhầm ga ở Tokyo, chuyến đi Tokyo Disneyland với nhiều trò chơi thú vị... Trong đó, tôi ấn tượng nhất với sự nhiệt tình của bạn hướng dẫn người Việt cho đoàn, lúc chia tay về Việt Nam, bạn ấy còn khóc nữa".
Ngoài 3 học trò đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán quốc tế, thầy Thịnh còn có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Chẳng hạn năm học 2014-2015, có học sinh đoạt 1 giải Nhì, 2 giải Ba 2 giải Khuyến khích. Năm học 2015-2016, có học sinh đoạt 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 2 giải Khuyến khích trong kỳ thi, 10 học sinh giành học bổng toàn phần trong kỳ thi Olympic Du học Nga. Năm học 2018-2019, có học sinh đoạt 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích, 8 học sinh giành học bổng toàn phần trong kỳ thi Olympic Du học Nga...
Design: Hồng Trường