Sáng nay (8/10), trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2023 được truyền hình trực tiếp trên VTV3. Trải qua 4 vòng thi đầy kịch tính, Lê Xuân Mạnh - học sinh lớp 12, trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa - đã vươn lên dẫn đầu trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 với số điểm 220.
Theo thông tin từ báo Giáo dục và Thời đại, từ năm lớp 1, Mạnh đã giành giải Nhì học sinh giỏi môn Toán cấp thành phố. Suốt từ bậc tiểu học cho đến giờ, năm nào Mạnh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Cậu học trò xứ Thanh còn là thủ khoa khối B trong kỳ thi chọn khối của Trường THPT Hàm Rồng. Trước đó, Mạnh đã từng giành cú đúp giải Nhì môn Hóa và Sinh cấp trường năm lớp 11. Đặc biệt, Mạnh hiện còn là cố vấn Câu lạc bộ Lịch sử của trường.
Trong bài chia sẻ với PV Báo GD&TĐ trước khi diễn ra trận Chung kết, Xuân Mạnh trải lòng: “Khát khao duy nhất của em là mang vòng nguyệt quế Chung kết Olympia về xứ Thanh. Với tinh thần chiến đấu của một chiến binh, em tin mình sẽ tạo nên bất ngờ trước các đối thủ".
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho trận Chung kết, Mạnh luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô bộ môn và đặc biệt là giáo viên hướng dẫn - cô Trần Thị Xuân.
Thời gian rảnh, Xuân Mạnh tích cực mở rộng kiến thức thông qua các nguồn khác nhau: Sách giáo khoa, tài liệu nâng cao… Với những phần kiến thức không có trong sách, cậu học trò năng nổ tìm kiếm trên mạng để bổ sung kịp thời.
Góc học tập của cậu học trò >Lê Xuân Mạnh không chỉ nổi bật với những đầu sách được sắp xếp ngay ngắn mà còn bừng sáng với hàng chục tấm giấy khen đã theo chân cậu học trò gần 12 năm qua. Những thành tích mà cậu đạt được đều được gia đình trân trọng, treo ở một góc trang trọng của căn phòng.
Đồng hành cùng cậu con trai suốt gần 12 năm học tập, chị Vũ Thị Hường (mẹ của Mạnh) thường xuyên động viên con, và đặc biệt chưa bao giờ tạo áp lực về thành tích cho con.
"Mỗi tối, tôi vẫn thức cùng con. Sau mỗi giờ học bài, hai mẹ con vẫn thường xuyên tâm sự với nhau nên gần như không có khoảng cách thế hệ. Sự tương tác qua lại giúp mình nhận biết được những khó khăn, vướng mắc của các con, từ đó đưa ra lời khuyên kịp thời, đúng lúc”, chị Hường tâm sự với báo Giáo dục và Thời đại.
Ngoài sở thích học hành, Lê Xuân Mạnh còn có một niềm đam mê đặc biệt với bóng đá. Trái bóng tròn không chỉ giúp cậu giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học mệt mỏi, mà còn giúp cậu học trò tìm được niềm đam mê, cảm hứng học tập.
"Em yêu thích bóng đá từ năm lớp 1, và là một fan hâm mộ của câu lạc bộ Manchester United (Anh)", Mạnh hồ hởi chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại.
Theo thông tin từ VTC News, trong khi nhiều thí sinh đặt mục tiêu thi Đường lên đỉnh Olympia từ bậc THCS thì cậu học trò xứ Thanh này mãi đến cuối năm lớp 10 mới ấp ủ mục tiêu tham gia. Thời điểm đó, cậu mới tham dự cuộc thi kiến thức "Âm vang xứ Thanh", đạt kết quả tốt và tự hỏi "sao không thử sức ở sân chơi lớn hơn?".
Đợt đầu tiên, Mạnh gửi bản đăng ký sai địa chỉ. Lần thứ hai gửi đơn, cậu cũng không nhận được hồi âm. Ngày ban tổ chức bắt đầu gửi giấy mời ghi hình đợt ba, thấy nhiều bạn trong cộng đồng đăng ký thi Olympia đều được phản hồi, Mạnh nghĩ mình tiếp tục phải đợi đợt sau, hoặc không có cơ hội dự thi.
"Cho đến khi được ban tổ chức gọi thi đợt ba, em như vỡ oà. Lúc ấy chỉ đặt mục tiêu qua vòng tuần, thậm chí nghĩ có thua thì đừng thua quá đậm. Giờ vào chơi tận chung kết là kết quả ngoài mong đợi của em", Mạnh nói với VTC News.
Trong trận thi tuần và tháng, chỉ với một gợi ý, nam sinh trường Hàm Rồng đều trả lời chính xác từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật, tạo khoảng cách điểm số với các bạn chơi. Song, Mạnh cho rằng đây không phải phần thi sở trường. Cậu tự nhận thấy bản thân gặp may vì đáp án xuất hiện từ những suy nghĩ bất chợt, cũng không có nhiều thời gian suy xét.
Trong trận thi tuần và tháng, chỉ với một gợi ý, nam sinh trường Hàm Rồng đều trả lời chính xác từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật, tạo khoảng cách điểm số với các bạn chơi. Song, Mạnh cho rằng đây không phải phần thi sở trường, gặp may vì đáp án xuất hiện từ những suy nghĩ bất chợt.
Với Mạnh, phần thi tự tin nhất là Về đích. Cậu từng giành tới 110 điểm ở phần này trong trận thi tuần. Nam sinh cho rằng cái hay của phần chơi này là ngoài việc suy nghĩ về đáp án, thí sinh cần phải lưu tâm đến việc nếu trả lời sai sẽ bị trừ điểm, kết quả của mình so với các đối thủ sẽ như nào. Suy nghĩ này giúp Mạnh tính toán việc bấm chuông hay không, mỗi lựa chọn đều cần chắc chắn.
Tự đánh giá tâm lý chưa vững vàng, tiếng Anh và các câu hỏi thực hành Vật lý, Hóa học là điểm yếu của mình, nên trước khi bước vào chung kết năm, nam sinh xứ Thanh cũng đấu tập nhiều hơn để cải thiện bản lĩnh thi đấu, luyện nghe ngoại ngữ, xem lại hướng dẫn thực hành trong sách giáo khoa, trên Youtube.