Tết xưa với tết nay khác nhiều lắm. Tết miền Bắc với tết Sài Gòn cũng vậy, đâu đâu cũng có những nét đặc trưng mà không thể nào lẫn vào đâu được.
Người ta vẫn hay nói tết về trẻ con là vui nhất. Những đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên mừng rỡ được đi chợ tết sắm áo sắm quần ai biết đâu bố mẹ vẫn đang tất bật tính toán sao cho tết vừa đủ đầy vừa tiết kiệm. Bây giờ thì khác rồi, quần áo được sắm cả năm, chợ tết cũng dần được chuyển lên online, trẻ con không được dẫn đi chợ tết nữa. Mẹ ngồi ở cơ quan tranh thủ nghỉ trưa có thể đặt đầy đủ cả tết cho gia đình. Công nghệ tiến sâu vào từng mái ấm, bố đặt đồ ở cơ quan, mẹ ở nhà nhận hàng là chuyển chẳng hiếm. Thậm chí có thể đặt đặc sản 3 miền để thưởng thức trọn vẹn tết Việt Nam.
Tiện lợi và nhanh chóng là thế, nhưng vẫn đôi lúc khiến những "người xưa" bồi hồi nhớ về những cái ">tết xưa"!
"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa để đốt, thì ngày nay pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa. Pháo hoa được bắn ở các địa điểm lớn, người dân háo hức đi chơi sớm, tìm những địa điểm đẹp nhất để ngắm pháo hoa.
Tết xưa dân dã giản dị với những hộp mứt Tết đơn giản, không quá cầu kỳ. Hộp mứt tết bìa các tông được gói gém đơn sơ, bên trong có chút ít mứt bí, mứt dừa, mứt lạc hay quả táo tàu vốn được coi là hàng "sang" thời bao cấp.
Tết ngày nay thì lại có vô vàn những hộp mứt Tết được cách điệu ngày càng sang trọng, nhiều gia đình còn chọn cách làm mứt Tết tại nhà để đảm bảo an toàn, độ ngon miệng cũng như màu sắc đẹp mắt. Bên cạnh những hộp mứt Tết, thì những giỏ quà Tết sang trọng cũng được nhiều gia đình chọn lựa để làm quà.
Gói bánh chưng ngày Tết là một nét văn hóa đẹp truyền thống không bao giờ thay đổi được. Nếu như Tết xưa cả gia đình quây quần cùng gói bánh, cùng canh nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng cùng nhau, thì ngày nay, nhiều gia đình chọn cách mua bánh chưng, bánh tét làm sẵn ngoài hàng để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gia đình chọn cách gói bánh chưng tại nhà để mang hơi ấm Tết về với gia đình, cũng như chia sẻ cho con cháu những nét văn hóa độc đáo được lưu giữ từ bao thế hệ nay.
Thói quen mua sắm Tết vẫn được giữ gìn từ Tết xưa đến Tết nay. Ngày xưa, vào những ngày giáp Tết các gia đình đều đi chợ quê sắm sửa quần áo, đồ dùng, thực phẩm. Nếu ở Hà Nội, những con phố cổ như hàng Ngang, hàng Đào luôn luôn tấp nập người qua lại. Ngày nay, người dân chọn cách mua sắm Tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả cũng phải chăng.
Bên cạnh những đặc điểm chung mỗi dịp Tết cổ truyền đến ở trên, mỗi miền ở đất nước hình chữ S xinh đẹp chúng ta lại có những nét riêng, những độc đáo riêng, không lẫn đi đâu được!
Ở miền Bắc xưa, đói ngày giỗ cha cũng phải no ba ngày Tết, nhà nhà đều sắm sanh đủ bộ lệ, cả vật chất với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh đến tinh thần với cây nêu tràng pháo, câu đối đỏ,…để chuẩn bị cho một năm mới nhộn nhịp và sung túc nhất.
Thời đó cái ăn quan trọng, nên “ăn Tết” phải rổn rảng, thừa mứa. Nay có vẻ “chơi Tết” là chính. Năm nào được nghỉ Tết dài dài chút, “diễn thủ tục” ở nhà xong, lũ lượt rủ nhau phượt, vui chơi chốn lạ…
Xưa, giao thừa xong, đi “hái lộc”, cây cối trụi mầm, trọc tán ngay từ giây phút đầu xuân. Nay không mấy ai làm thế nữa, còn dấy lên những Tết trồng cây, giữ cho xuân xanh mãi.
Mâm ngũ quả, một thủ tục cúng trọng thể, được chuẩn bị kỹ từ trước Tết. Mâm củ quả này có cơ cấu chặt chẽ, loại gì, bày đặt thế nào… đều được tính toán kỹ càng.
Người Sài Gòn hồi đó chỉ chuộng có vài loại hoa có truyền thống lâu đời cho ngày Tết mà thôi. Và các chủng loại cũng đơn giản, vì các loại hoa hợp với khí hậu miền Nam cũng không nhiều lắm. Đứng đầu luôn là mai vàng. Sau đó là các loại cúc như đại đóa, vạn thọ, rồi thược dược các mầu, mào gà, phong lan, địa lan… Dĩ nhiên cũng còn vài loại khác nhưng số lượng rất ít.
Cây trái thì nổi bật và chính thống nhất vẫn là quất (tắc). Hoa Đà Lạt chuyển về cũng phần nhiều là phong lan, cúc, thược dược, đồng tiền và họa hoằn một ít mâm xôi và phù dung. Hoa cắm cành ngày đầu Xuân thì có lay-ơn, hoa hồng. Cũng từ Đà Lạt về nhưng các chủng loại hoa hồng hồi đó còn hơi nghèo nàn.
Dân chơi Sài Gòn hồi những năm đầu của thập niên 1960 vẫn còn chơi trội bằng cách ra bãi biển Thủy Triều gần Cam Ranh để tìm cành mai rừng, cũng tương tự như lên Sapa tìm cành đào thế ở ngoài Bắc. Dọc bãi biển Thủy Triều trước đây là hàng cây số rừng mai vàng hoang dã rất đẹp.
Nhưng cảm giác Tết thật sự bắt đầu khi người ta bắt đầu mua, trữ thực phẩm và vật dụng cho những ngày Tết. Từ khoảng rằm tháng Chạp trở đi thì nhà nhà đều bắt đầu tích trữ các thực phẩm khô như măng lưỡi lợn, bóng cá, gạo nếp nấu bánh chưng, đường làm mứt… Các loại rau, lá xanh như cải bẹ muối dưa, hành củ, hành lá, kiệu… thường được mua ở chợ Cầu Muối. Thịt thà các loại thì phải ra chợ Ông Tạ, chợ này cũng là nơi cung cấp thịt cầy tơ, cả sống lẫn chín, cho dân nhậu gốc Bắc ở Sài Gòn.
Và cũng không thể bỏ qua chợ Cầu Muối ban đêm được, mùi ung ủng của hành, kiệu để muối dưa ở những chợ đầu mối bán rau như thế này và những ánh đèn vàng bóng tròn, là những đặc trưng rất Tết đối với nhiều người Sài Gòn khi ấy.
Hồi đó Sài Gòn hãy còn nhiều xích lô máy. Loại xe này to hơn và chở được nhiều hơn xích lô đạp. Một chuyến xích lô máy lạch bạch có thể chở tất cả rau trái cho một cái Tết yên ấm cho những gia đình nơi miền Nam đất nước này.
Dù thời gian đã qua rất lâu, thế giới cũng ngày càng thay đổi chóng mặt cùng với tốc độ 5G, nhưng có những thứ vẫn sẽ mãi được lưu trữ, khiến chúng ta vừa bồi hồi vừa yên bình khi nhớ lại phải không nào?! Với dịp cuối năm ngày càng đến gần, chúng tôi xin kính chúc quý bạn đọc sẽ có một cái tết an bình, trọn vẹn niềm vui và may mắn bên gia đình, bạn bè và người thương của mình nhé!