Siêu bão số 3 vẫn đang giật trên cấp 17, di chuyển với tốc độ 20 km/giờ và hướng vào khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Theo thông tin từ báo Dân trí, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 15h ngày 6/9, tâm bão Yagi vào khoảng 19.9 độ Vĩ Bắc; 111.0 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 435km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Đáng chú ý, vào lúc 15h cùng ngày, một số quận ở Hà Nội có lốc, mưa rào, gió giật mạnh khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin từ báo Kinh tế và Đô thị, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành trên khu vực tỉnh Bắc Ninh. Ổ mây này có xu hướng di chuyển về phía tây nam và mở rộng sang khu vực nội thành Hà Nội
Trung tâm cảnh báo, khoảng 40 phút đến 3h tới, các quận Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm có mưa rào và dông, sau đó mở rộng sang các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Hà Nội yêu cầu cần tuyên truyền cho chính quyền, nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do> bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.
Qua đó đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.
Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phương án sẵn sàng hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an để làm tốt công tác phòng, chống bão, lũ.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP và toàn hệ thống chính trị TP phải theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Đồng thời kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn.
Hà Nội cũng yêu cầu kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, phải huy động tối đa đảm bảo có điện cao nhất và khắc phục sự cố nhanh nhất, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra; đặc biệt đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ.
Đối với các huyện rốn lũ như Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất... cần chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều.
Với Công ty Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh Hà Nội, Chiếu sáng và thiết bị đô thị, Hà Nội chỉ đạo phải ứng trực 100% nhân lực, thiết bị theo phương án phòng chống thiên tai, xử lý úng ngập nội đô, khu vực nông nghiệp, hỗ trợ xử lý úng ngập các quận, huyện giáp ranh.
Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn công trình xây dựng đang thi công và nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, bệnh viện, nhất là những nơi ven sông và các vị trí xung yếu khác. Có biện pháp hiệu quả để phòng chống úng ngập khu đô thị; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa các cây có nguy cơ gãy, đổ, ứng phó mưa to, gió lớn.
Hà Nội cũng yêu cầu phải xây dựng phương án kịp thời và kiên quyết sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, các hộ dân đang cư trú ở những khu nhà chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng, nhà ở nguy hiểm, nhà riêng lẻ có nguy cơ sụp đổ... tới nơi kiên cố.