Em T. sau khi đi tắm ao về thì bị chảy máu vùng kín. Sau đó người thân tá hỏa phát hiện có 1 con đỉa trong bộ phận sinh dục của con.

Diệp Vân (t/h) 12:06 12/09/2022

Theo thông tin từ Vietnamnet, chiều 10/9, cháu N.T.T (8 tuổi, ở Cẩm Khê, Phú Thọ) tắm tại ao của gia đình. Khi về nhà, bé gái bị chảy máu vùng kín.

Người thân của em kiểm tra thì bất ngờ phát hiện có 1 con đỉa trong bộ phận sinh dục và tiến hành lấy đỉa ra. Tuy nhiên dù đã lấy ra khỏi nhưng vẫn không cầm được máu nên gia đình vội đưa T. đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khám.

Hình ảnh cục máu đông được lấy ra khỏi cơ quan sinh dục của trẻ - Ảnh: Pháp Luật và Xã Hội

Lúc này T. được các bác sĩ chữa chữa trị và cầm máu, sau 30 phút tình hình của T. đã dần ổn định và đưa về phòng theo dõi. Đến sáng ngày 11/9, T. được xuất viện.

BS Nguyễn Thị Thu Nga – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra lời khuyên trên Vietnamnet: "Khi trẻ tắm sông, suối và ao hồ đỉa có khả năng chui vào những khe hở rất nhỏ, sau đó bám vào hút máu cho đến khi nó tự chui ra hoặc trú luôn bên trong. Hiện tượng chảy máu liên tục là do khi hút máu, miệng đỉa tiết ra chất làm rối loạn đông máu tại chỗ khiến máu không thể đông”.

Báo Pháp Luật và Xã Hội cho biết, đây không phải trường hợp hiếm gặp, trước đó ở các cơ sở y tế cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp bị đỉa chui vào hốc mắt, mũi, vùng kín... sau khi tắm ao, hồ, sông, suối.

Khi trẻ tắm sông, suối và ao hồ đỉa có khả năng chui vào - Ảnh minh họa: internet

Cũng trên tờ báo trên, BS. Trần Thành Công, khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Cẩm cho biết:

Khi trẻ tắm sông, suối và ao hồ đỉa có khả năng chui vào những khe hở rất nhỏ, sau đó bám vào hút máu cho đến khi no thì tự chui ra hoặc trú luôn bên trong. Hiện tượng chảy máu liên tục sau đó là do khi hút máu, miệng đỉa tiết ra chất làm rối loạn đông máu tại chỗ khiến máu không thể đông.

Vì thế, để phòng trường hợp đỉa chui vào các vùng kín, gia đình có con nhỏ cần giáo dục, hướng dẫn và chăm sóc trẻ. Không để trẻ tự ý tắm ở các vùng ao, hồ, suối nhằm tránh các tác hại có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến >sức khỏe của trẻ.

Đồng thời, ngay sau khi trẻ tự ý đi tắm ở sông, suối về mà có biểu hiện ở vùng mũi, họng, bộ phận sinh dục có ra máu hoặc biểu hiện bất thường thì phải đến ngay cơ sở y tế để được các bác sỹ xử trí, can thiệp kịp thời.

Trên Dân Trí chia sẻ, Đỉa là loài sống dưới nước hoặc trên cạn, kiếm ăn bằng cách hút máu cá, ếch, thằn lằn, chim... Nếu có cơ hội, những động vật lớn hơn, như con người, cũng có thể bị tấn công.

Khi đỉa hút máu sẽ tiết ra chất làm máu không đông, có thể gây chảy máu xuống đường khí quản làm người bệnh khó thở, suy hô hấp, tử vong. Chưa kể, khi con đỉa hút đầy máu có thể làm hẹp đường thở, gây tử vong.

Diệp Vân (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe