Mọi người quen gọi ông với cái tên thân thương là ông Ba Dân…
Đôi chân không lành lặn lại hành nghề bán vé số mưu sinh, nhưng nhiều năm nay, ông Nguyễn Hồng Dân (SN 1968, ngụ khu vực I, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vẫn dành dụm những đồng tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày mua vật liệu tự nguyện dặm vá ổ gà, ổ trâu, những chỗ hư hỏng trên các tuyến đường ông thường đi qua. Mọi người quen gọi ông với cái tên thân thương là ông Ba Dân…
Bán vé số, dành tiền >vá đường
Buổi trưa trời nắng như đổ lửa, trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), trong lúc mọi người về nhà nghỉ ngơi, thì một người đàn ông trạc tuổi 50 đang cặm cụi trộn cát, đá, xi măng, dùng bay (dụng cụ của người thợ xây) vá những ổ voi, ổ gà trên đường. Người đàn ông đó thân thể không bình thường, một chân của ông bị teo, nhỏ hơn so với chân còn lại nên bước đi khập khiễng, di chuyển khá khó khăn.
Qua câu chuyện của chị Tú Anh (một người dân sống ở địa phương) kể lại, tôi được biết, người ta thường gọi ông là Ba Dân. Ông sống cùng vợ tại khu vực 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy.
Hàng ngày, công việc chính của ông là bán vé số mưu sinh. Hơn hai năm nay, ngoài thời gian bán vé số, ông thường đẩy một chiếc xe ba gác chở đầy xi măng, cát, đá... đi vá những ổ voi, ổ gà trên các tuyến đường. “Tôi thấy mưa gió bão bùng gì ông cũng đi, ông làm không tiền bạc gì đâu. Thấy ông vậy mình cũng áy náy. Dù không lành lặn như người khác nhưng ông ấy rất có tâm, sợ người đi đường vấp ổ gà, ổ voi nên ông tự nguyện mua vật liệu về dặm vá lại để người đi đường an tâm’’, chị Tú Anh nói.
Khi ông vừa hoàn thành vá xong một ổ gà khá lớn, tôi tiếp cận và hỏi về công việc mà ông đang làm. Ông Ba Dân vui vẻ kể bắt đầu công việc “vá đường” cách đây khoảng 4 năm, khi đó ông còn sống ở Rạch Giá, Kiên Giang.
“Lúc đó, tôi cũng đi bán vé số. Hàng ngày đi qua các tuyến đường, tôi thường xuyên chứng kiến nhiều trường hợp người tham gia giao thông bị tai nạn vì ổ gà, ổ voi trên đường. Một lần, khi đẩy xe đi bán qua tuyến đường Lâm Quang Ky, tận mắt thấy một nam thanh niên điều khiển phương tiện vấp phải ổ gà ngã chấn thương cổ rất nặng. Từ đó, tôi nảy sinh ý định vá đường. Lúc đầu, thấy tôi tật nguyền ngồi giữa đường tô tô, trét trét, không ít người xì xầm. Thậm chí khi biết tôi tự bỏ tiền túi ra vá đường, nhiều người cho rằng tôi bị khùng, bị điên...”, ông Ba Dân bộc bạch.
Ông Ba Dân kể tiếp, trước đây phương tiện chính để đi dặm vá chỉ là chiếc xe đạp cũ kỹ, cà tàng hàng ngày ông vẫn sử dụng để đi bán vé số. Khi đi vá đường, ông gắn thêm một số dụng cụ để dựng cát, đá, xi măng và đồ nghề. Gần đây, khi về sinh sống tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, công việc vá đường cũng ít, nên ông đã dành dụm được chút ít để mua chiếc xe ba gác cũ phục vụ cho công việc vá đường hàng ngày. “Có chiếc xe ba gác, công việc vá đường của tôi dễ dàng hơn trước vì xe này chở được nhiều vật tư và cũng thuận tiện cho việc di chuyển của tôi”, ông Ba Dân nói.
Khi được hỏi: “Cuộc sống của gia đình ông không dư giả, thậm chí còn khó khăn, nhưng tại sao vẫn dành tiền để vá đường?”. Ông Ba Dân cười nói: “Vợ chồng tôi bôn ba nhiều nơi. Trước đây, tôi sống ở quận Bình Thủy. Do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng kéo nhau lên Bình Dương lập nghiệp. Được vài năm hai vợ chồng lại về Rạch Giá. Tuy nhiên, cũng chỉ sống ở Rạch Giá được khoảng 2 năm thì hai vợ chồng lại quay về Bình Thủy, đến nay cũng đã hơn 2 năm. Con cái có ba đứa nhưng chúng nó đã lập gia đình và ra ở riêng hết, nên về đây chúng tôi thuê nhà trọ ở. Công việc chính của tôi là bán vé số, còn vợ tôi mở một tiệm tạp hóa nhỏ để bán cho sinh viên và công nhân, thu nhập cũng tạm ổn”.
“Tiền lời từ việc bán vé số không nhiều, chỉ một hai trăm nghìn /ngày, nhiều khi vé ế còn bị lỗ vốn. Tuy nhiên, khi bán có lời tôi thường dành dụm chút đỉnh để có tiền đi vá đường. Trước đây, do không có nhiều tiền nên tôi phải để dành vì vậy một tháng tôi đi bán vé số tầm 20 ngày, 10 ngày đi vá đường. Còn bây giờ, có mấy anh em quen, họ đóng góp thêm và có một chủ tiệm vật liệu xây dựng tài trợ miễn phí đá nên giờ mỗi tháng tôi đi bán vé số 10 ngày, còn 20 ngày tôi đi vá đường”, ông Ba Dân chia sẻ.
Giải thưởng Kova về “Sống đẹp”
Sau một hồi trò chuyện, tôi ngỏ ý muốn về thăm phòng trọ của vợ chồng ông. Bà Ngô Thị Phường, vợ ông tươi cươi mời khách vào nhà và nhanh chóng đi pha nước. Căn phòng trọ hai vợ chồng ông Ba Dân chỉ rộng khoảng 20m2 nhưng rất sạch sẽ và ngăn nắp. Sau một hồi bắt chuyện, tôi hỏi bà Phường có cảm thấy phiền lòng trước việc ông thường đem tiền nhà đi vá đường hay không? Bà Phường cười và nói: “Ông xã tôi làm như vậy tôi rất vui chứ không có phiền hà gì hết. Ông làm phước được thì tôi mừng. Không chỉ ủng hộ về tinh thần mà nhiều khi thiếu tiền, tôi còn lấy tiền bán tạp hóa cho ông mượn để đi làm”.
Kova là giải thưởng uy tín, được công bố hàng năm do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Chủ tịch Tập đoàn Kova sáng lập vào năm 2002. Từ năm 2012, Giải thưởng Kova do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng. Lễ trao giải thưởng là dịp tôn vinh những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước. Dự kiến, lễ trao giải thưởng Kova lần thứ 16/2018 sẽ diễn ra ngày 24/11 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hùng Việt, Bí thư Đảng ủy phường Trà Nóc cho biết thêm, thấy ông Ba tật nguyền nhưng lại thường xuyên đi vá đường, lấp ổ gà, địa phương cũng ngỏ ý công việc này các cơ quan chức năng cũng đã làm, ông nên nghỉ cho khoẻ. Tuy nhiên, ông Ba nói rằng, việc vá đường là niềm vui của mình nên không thể nghỉ được. “Mới đây, khi biết ông được trao giải thưởng Kova, việc đi lại khó khăn, không thể ra Hà Nội nhận giải, địa phương cũng đã làm văn bản đề nghị Ban tổ chức chuyển giải về, địa phương sẽ tổ chức lễ trao cho ông”, ông Việt nói.
Không chỉ bà Phường, các con ông Ba Dân cũng rất ủng hộ việc làm của cha. Dù cả 3 người con của vợ chồng ông giờ đã lập gia đình và đi làm ăn xa nhưng tất cả đều hiếu thảo với cha mẹ và luôn động viên ông Ba Dân tiếp tục với công việc đầy ý nghĩa này.
Tôi hỏi vui, thay vì đi vá đường, sao ông không dùng số tiền ấy, dành dụm sau này cất một căn nhà để vợ chồng có chốn nương thân. Ông Ba Dân cười khoe hàm răng… rụng gần hết: “Ở quê cha có cho miếng đất rồi. Sau này nếu muốn cất, có tiền mình cất một căn nhà khang trang, còn không một căn nhà lá ở cũng được, càng mát. Còn bây giờ, chỉ cần người có >sức khỏe để đi vá đường cho người ta đừng té là vui rồi”.
Trong quá trình trò chuyện với chúng tôi, ông Ba Dân khoe, Ủy ban Giải thưởng Kova vừa công bố kết quả giải thưởng lần thứ 16/2018, trong số các cá nhân nhận giải lần này, ông được chọn trao giải ở hạng mục “Sống đẹp” dành cho những việc làm tốt đẹp, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng.
“Tôi nghe nói giải thưởng này được tới 20 triệu đồng. Như vậy, tôi lại có thêm tiền để đi vá đường rồi”, ông Ba Dân vui vẻ nói.
Ông Tăng Giang Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trà Nóc cho biết: “Ông Ba Dân về phường Trà Nóc sinh sống đã hơn 2 năm. Mặc dù bị khuyết tật, phải thuê trọ, cuộc sống còn khó khăn nhưng ông có nghĩa cử hết sức cao đẹp, hành động với tinh thần vì cộng đồng, giúp bà con đi lại dễ dàng, hạn chế tai nạn. Ông Ba Dân là một tấm gương điển hình về công tác xã hội ở địa phương. Để hỗ trợ ông, chúng tôi cũng vận động các cơ sở bán vật liệu xây dựng bán rẻ hoặc hỗ trợ vật tư để ông vá đường”.